Nhận diện đối tượng và trách nhiệm báo cáo hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố
(Tài chính) Một trong những nội dung quan trọng của Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 04/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng chống rửa tiền đó là nhận diện đối tượng thực hiện hành vi có liên quan đến tội phạm rửa tiền tài trợ cho khủng bố và trách nhiệm báo cáo hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố.
Nhận diện đối tượng
Theo Nghị định số 116/2013/NĐ-CP, hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có để tài trợ cho tổ chức, cá nhân khủng bố hoặc tài trợ cho hành vi khủng bố.
Nghị định số 116/2013/NĐ-CP đã chỉ ra 4 căn cứ nhằm “nhận diện” tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi có liên quan đến tội phạm rửa tiền nhằm tài trợ cho khủng bố, cụ thể:
Một là, thực hiện hoặc có ý định thực hiện giao dịch liên quan tới tổ chức, cá nhân theo danh sách trong các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Hai là, thực hiện hoặc có ý định thực hiện giao dịch liên quan tới tổ chức, cá nhân theo danh sách những tổ chức, cá nhân khủng bố và tài trợ cho khủng bố do tổ chức quốc tế khác hoặc quốc gia khác trên thế giới lập ra và được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cảnh báo.
Ba là, thực hiện hoặc có ý định thực hiện giao dịch liên quan tới tổ chức, cá nhân đã từng bị kết án về các tội khủng bố, tội tài trợ cho khủng bố tại Việt Nam.
Bốn là, thực hiện hoặc có ý định thực hiện giao dịch liên quan tới tổ chức, cá nhân khủng bố hoặc tài trợ khủng bố mà đối tượng báo cáo biết được từ các nguồn thông tin khác.
Trách nhiệm báo cáo như thế nào?
Theo quy định củaLuật phòng, chống rửa tiền, đối tượng báo cáo bao gồm các tổ chức tài chính hoặc tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan. Các đối tượng báo cáo có trách nhiệm báo cáo kịp thời theo quy định tại Khoản 1 Điều 30 Luật phòng, chống rửa tiền.
Cụ thể, đối tượng báo cáo có nghĩa vụ báo cáo kịp thời cho cơ quan phòng, chống khủng bố có thẩm quyền, đồng thời gửi báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi phát hiện tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch nằm trong danh sách đen hoặc khi có căn cứ cho rằng tổ chức, cá nhân khác thực hiện hành vi có liên quan đến tội phạm rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ có trách nhiệm hướng dẫn đối tượng báo cáo thực hiện Khoản 1 Điều 30 Luật phòng, chống rửa tiền theo pháp luật về phòng, chống rửa tiền và pháp luật về phòng, chống khủng bố.
Bên cạnh đó, đối tượng báo cáo có trách nhiệm phải áp dụng biện pháp phòng ngừa thông qua các biện pháp như: Nhận biết khách hàng; Xác minh thông tin nhận biết khách hàng; Xác định chủ sở hữu hưởng lợi; Phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro; Báo cáo Giao dịch liên quan tới công nghệ mới khi sử dụng các dịch vụ này; Xây dựng quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền; Báo cáo giao dịch đáng ngờ khi nghi ngờ hoặc có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch có nguồn gốc do phạm tội mà có hoặc liên quan tới rửa tiền… Những quy định này được nêu tại Điều 3, Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 8, Điều 10, Điều 13, Điều 14 của Nghị định số 116/2013/NĐ-CP để đảm bảo báo cáo kịp thời theo quy định pháp luật.
Theo các chuyên gia tài chính, trong những biện pháp mà đối tượng báo cáo cần phải áp dụng này, cần chú ý tới một số nội dung quan trọng như:
Thứ nhất, xác định chủ sở hữu hưởng lợi. Theo đó, đối tượng báo cáo phải xác định chủ sở hữu hưởng lợi theo các tiêu chí sau: i) Cá nhân sở hữu thực tế đối với một tài khoản hoặc một giao dịch: Chủ tài khoản, đồng chủ tài khoản hoặc bất kỳ người nào chi phối hoạt động, thụ hưởng của tài khoản, giao dịch đó; ii) Cá nhân có quyền chi phối pháp nhân: Cá nhân nắm giữ từ 10% trở lên vốn điều lệ của pháp nhân đó; cá nhân nắm giữ từ 20% trở lên vốn điều lệ của các tổ chức góp trên 10% vốn của pháp nhân đó; chủ doanh nghiệp tư nhân; cá nhân khác thực tế chi phối pháp nhân đó; iii) Cá nhân có quyền chi phối một ủy thác đầu tư, thỏa thuận ủy quyền: Cá nhân ủy thác, ủy quyền; cá nhân có quyền chi phối cá nhân, pháp nhân hoặc tổ chức ủy thác, ủy quyền.
Đối với khách hàng là tổ chức nước ngoài hoặc tổ chức có một hoặc nhiều bên tham gia góp vốn là cá nhân, tổ chức nước ngoài, đối tượng báo cáo phải xác minh bổ sung thông tin nhận biết cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài đó bằng cách sử dụng các tài liệu, dữ liệu do cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp.
Thứ hai, báo cáo giao dịch đáng ngờ. Theo đó, đối tượng báo cáo có trách nhiệm báo cáo giao dịch đáng ngờ khi nghi ngờ hoặc có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch có nguồn gốc do phạm tội mà có hoặc liên quan tới rửa tiền. Cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch có nguồn gốc do phạm tội mà có bao gồm: Giao dịch được yêu cầu thực hiện bởi bị can, bị cáo hoặc người bị kết án theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và tài sản trong giao dịch là tài sản hoặc có nguồn gốc từ tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc kiểm soát của cá nhân đó hoặc của cá nhân, tổ chức liên quan tới cá nhân đó, trong hoặc sau thời gian thực hiện hành vi phạm tội.
Trong khi đó, cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch liên quan đến rửa tiền được rút ra từ việc xem xét và phân tích các dấu hiệu đáng ngờ theo quy định tại các Khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7 Điều 22 Luật phòng, chống rửa tiền.
Việc báo cáo giao dịch đáng ngờ không phụ thuộc vào lượng tiền giao dịch của khách hàng, giao dịch đó đã hoàn thành hay chưa hay mới có ý định thực hiện.
Đối với luật sư, công chứng viên, kế toán viên và chuyên gia pháp lý độc lập chỉ phải báo cáo giao dịch đáng ngờ khi: Thay mặt khách hàng thực hiện các giao dịch chuyển giao quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, quyền sở hữu doanh nghiệp; Quản lý tiền, chứng khoán hoặc các tài sản khác cho khách hàng; Giao dịch hoặc quản lý tài khoản cho khách hàng tại các tổ chức tài chính; Điều hành, quản lý hoạt động công ty cho khách hàng.