Nhận định chứng khoán tuần tới: Dòng tiền yếu là thách thức lớn

Theo Văn Giáp (TTXVN/Vietnam+)

Tuần đầu tiên của tháng Sáu, thanh khoản thị trường rất thấp (dưới 2.000 tỷ đồng mỗi phiên giao dịch), điều này thể hiện dòng tiền lớn đứng ngoài thị trường.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Thanh khoản vẫn là vấn đề lớn nhất khiến đà hồi phục của thị trường gặp khó khăn, trong khi tuần tới cũng chưa có thông tin đủ sức mạnh để kích hoạt dòng tiền lớn trở lại. Vì vậy, sự hồi phục của thị trường được giới phân tích cho rằng không chắc chắn.

Tuần qua, thị trường liên tiếp giảm sâu, chỉ nhờ vào phiên hồi phục mạnh mẽ cuối tuần, VN-Index mới có thể lấy lại gần đủ những điểm số đã mất trong tuần. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là thanh khoản lại sụt giảm nghiêm trọng.

Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch từ 3-7/6, VN-Index giảm 0,17% xuống 958,28 điểm; HNX-Index giảm 0,13% xuống 104,21 điểm. Thanh khoản tiếp tục suy giảm với chỉ khoảng 3.500 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn.

Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE đạt hơn 107 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 3,24% so với tuần giao dịch trước.

Sàn HNX có khối lượng khớp lệnh đạt trung bình hơn 21,3 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 0,57%.

Trong tuần, thị trường chứng khoán Việt Nam sụt giảm trong khi thị trường chứng khoán Mỹ có một tuần tăng mạnh mẽ.

Tuần qua, thị trường chứng khoán Mỹ liên tục ghi điểm, với hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones đều ghi nhận các mức tăng phần trăm tính theo tuần lớn nhất kể từ tháng 11/2018.

Kết tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng ấn tượng gần 5% còn chỉ số S&P 500 tăng 1,1% lên 2.873.34 điểm, và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 1,7% lên 7.742,10 điểm.

Ông Nguyễn Việt Đức, chuyên gia chứng khoán đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán MB - MBS nhìn nhận tuần đầu tiên của tháng Sáu, thanh khoản thị trường rất thấp (dưới 2.000 tỷ đồng mỗi phiên giao dịch). Điều này thể hiện dòng tiền lớn đứng ngoài thị trường.

Hiện tại, chưa có nhân tố kích hoạt dòng tiền quay trở lại, trong khi rủi ro từ các thông tin vĩ mô trên thế giới tiếp tục gia tăng, đơn cử như cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang diễn biến rất khó lường.

Thực tế, dù tín hiệu hồi phục của thị trường đã xuất hiện trong tuần qua nhưng lực hồi phục được đánh giá chưa thực sự mạnh, khi mà điểm số của thị trường phụ thuộc quá lớn vào một số mã cổ phiếu vốn hóa lớn.

Cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường thuộc ngành bất động sản là VIC tăng tới 2,1% và cổ phiếu vốn hóa thứ nhì thị trường là VHM tăng 0,2%. Bên cạnh đó, cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc ngành thực phẩm-đồ uống là SAB tăng tới 3,5%. Cổ phiếu lớn ngành công nghệ là FPT tăng 2,5%. Đây là những cổ phiếu đã tạo lực đỡ rất lớn cho thị trường.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trên thị trường là ngân hàng giảm mạnh, với các mã tiêu biểu như: VCB giảm 2,4%, VPB (1,4%), TCB (4,4%), MBB (1,4%), HDB (1,5%), ACB (1%)...

Diễn biến giao dịch của nhóm cổ phiếu ngân hàng khá tiêu cực. Một số mã trong nhóm ngân hàng có tín hiệu hồi phục, nhưng lực hồi yếu.

Tuần tới, có lẽ nhóm ngân hàng chưa có động lực tăng giá, kịch bản hợp lý nhất với nhóm ngân hàng có thể là diễn biến giằng co, tăng giảm đan xen giữa các phiên giao dịch.

Xét đến nhóm cổ phiếu dầu khí, sau phiên đầu tuần chìm sâu trong sắc đỏ, hầu hết các mã lớn trong nhóm này đều hồi phục trong các phiên sau đó, nhờ sự hồi phục của giá cổ phiếu dầu khí.

Tính chung cả tuần, nhóm cổ phiếu này diễn biến khá tích cực khi PVC tăng 3%, PVS tăng 0,3%, POW tăng 5,2%, PLX tăng 1,8%.

Trong tuần giao dịch vừa qua, cả dầu thô West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ và dầu Brent đều tăng, nhờ sự phục hồi vào cuối tuần từ các mức thấp kỷ lục. Tính cả tuần, giá dầu WTI của Mỹ tăng 0,9%, giá dầu Brent tăng 2,1%.

Giá dầu đi lên vì tiến triển trong đàm phán về thuế giữa Mỹ và Mexico cùng những nhận định rằng các nước sản xuất dầu mỏ lớn sẽ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng.

Giới phân tích cho rằng những thông tin tích cực này đã phản ánh vào giá dầu thế giới và giá cổ phiếu dầu khí trong tuần qua. Giá cổ phiếu dầu khí hồi phục sau những nhịp “rơi” mạnh, nhưng nhịp hồi của nhóm dầu khí khá yếu. Vì vậy, tuần tới khả năng tăng tiếp của nhóm cổ phiếu dầu khí không được đánh giá cao.

Một thông tin tích cực tác động lên thị trường là việc khối ngoại vẫn mua ròng nhẹ, trong khi thị trường biến động mạnh. Tính trên toàn thị trường, khối ngoại vẫn mua ròng 22,6 triệu cổ phiếu, giá trị mua ròng đạt 242,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo nhóm phân tích đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), thách thức lớn nhất ở thời điểm hiện tại đối với thị trường là việc dòng tiền lớn vẫn đang đứng ngoài quan sát, thậm chí đang có dấu hiệu chuyển dần từ cơ sở sang phái sinh. Điều này sẽ khiến cho nhịp hồi phục trở nên ngắn hơn và thị trường có thể sẽ giảm ngay khi chạm các mức kháng cự.

SHS cho rằng những diễn biến tiếp theo của các cuộc chiến tranh thương mại trên thế giới sẽ tiếp tục là tiêu điểm của giới đầu tư trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hé lộ khả năng sẽ giảm lãi suất trong năm 2019 sẽ là tin tức hỗ trợ cho thị trường.

Nhóm phân tích đến từ SHS dự báo, trong tuần giao dịch tiếp theo (10-14/6), VN-Index có thể sẽ hồi phục kỹ thuật với mục tiêu gần nhất là ngưỡng kháng cự quanh 970 điểm.

Có quan điểm khá tương đồng, nhóm phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt nhận định phiên tăng điểm khá mạnh và trên diện rộng đã mở ra nhịp phục hồi cho các chỉ số sau nhịp giảm sâu trước đó. Trước mắt, đây vẫn là nhịp tăng nhỏ trong xu thế giảm trung hạn.

Nhà đầu tư có thể tận dụng để cơ cấu lại danh mục nhưng cũng cần hạn chế sự hưng phấn vì rủi ro bulltrap (bẫy tăng giá) chưa thể loại bỏ hoàn toàn.