Nhân lực điện hạt nhân và những vấn đề đặt ra
Trong thời gian qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực điện hạt nhân ở nước ta đã đạt được những kết quả bước đầu, đến nay, Việt Nam đã cử 300 sinh viên sang Liên bang Nga theo học các chuyên ngành liên quan đến nhà máy điện hạt nhân.Tuy nhiên, đội ngũ nhân lực điện hạt nhân ở nước ta hiện nay đang thiếu cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng cần thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển điện hạt nhân.
Tình hình đào tạo nguồn nhân lực điện hạt nhân
Nhận biết tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của chương trình phát triển điện hạt nhân (ĐHN), Thủ tướng Chính phủ đã xác định: Phát triển nguồn nhân lực phải đi trước một bước, Nhà nước có chương trình đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực, đặc biệt là chuyên gia có trình độ cao đáp ứng yêu cầu của chương trình phát triển ĐHN và yêu cầu nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và đảm bảo an toàn, an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (NLNT); Tạo bước chuyển mạnh về phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là xây dựng các cơ sở giáo dục và đào tạo, các tổ chức nghiên cứu và triển khai về khoa học và công nghệ hạt nhân, đồng thời chú trọng đào tạo cán bộ quản lý, hoạch định chính sách và luật pháp trong lĩnh vực NLNT; Khai thác hiệu quả nguồn lực sẵn có, phát huy khả năng của các chuyên gia trong nước và thu hút các chuyên gia giỏi người Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời đẩy mạnh và tranh thủ hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực NLNT.
Ngày 18/8/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực NLNT tại Quyết định số 1558/QĐ-TTg (Đề án 1558). Năm 2011, thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực NLNT. Ngày 14/10/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 124/2013/NĐ-CP quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ người đi đào tạo trong lĩnh vực NLNT. Quyết định 584/QĐ-TTg ngày 11/4/2013 phê duyệt Đề án Đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án nhà máy ĐHN tại Ninh Thuận. Ngày 15/10/2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực quản lý nhà nước, nghiên cứu-triển khai và hỗ trợ kỹ thuật đến năm 2020 phục vụ phát triển ĐHN tại Quyết định số 1756/QĐ-TTg.
Đề án 1558 tập trung vào việc đào tạo mới đội ngũ cán bộ có trình độ đại học và sau đại học các chuyên ngành hạt nhân để đáp ứng yêu cầu cho các Bộ, ngành, địa phương liên quan. Tuy nhiên, Đề án 1558 chưa chú trọng và dành kinh phí tương xứng để đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia, nhân lực quản lý nhà nước, nghiên cứu - triển khai cho phát triển ĐHN.
Cụ thể là, Đề án chỉ dành chỉ tiêu 500 lượt người đi đào tạo ngắn hạn ở nước ngoài, không có quy định về bồi dưỡng trong nước và bồi dưỡng dài hạn ở nước ngoài. Trong khi đó, theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, nhu cầu bồi dưỡng cho giai đoạn đến năm 2020 lên tới 3.000 lượt người, với kinh phí trên 500 tỷ đồng (chủ yếu dành cho bồi dưỡng dài hạn và thuê chuyên gia nước ngoài). Kế hoạch Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực quản lý nhà nước, nghiên cứu-triển khai và hỗ trợ kỹ thuật đến năm 2020 phục vụ phát triển ĐHN tại Quyết định số 1756/QĐ-TTg nhằm khắc phục những hạn chế trên của Đề án 1558.
Đến nay, Việt Nam đã cử 300 sinh viên sang Liên bang Nga theo học các chuyên ngành liên quan đến nhà máy ĐHN. Nga cam kết mỗi năm giúp Việt Nam đào tạo khoảng 70 cán bộ tại nước này.
Nhật Bản cam kết đào tạo giúp Việt Nam 100 sinh viên phục vụ cho nhà máy ĐHN trong vòng 5 năm. Cùng với đó, Việt Nam cũng đã cử nhiều lượt cán bộ đi khảo sát, học tập kinh nghiệm, đào tạo ngắn hạn tại nước ngoài... đáp ứng bước đầu cho việc triển khai dự án ĐHN Ninh Thuận.
Về đào tạo trong nước, chúng ta có 5 trường đại học: Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Đà Lạt, Đại học Điện lực và Trung tâm đào tạo hạt nhân tại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) được Bộ Giáo dục và Đào tạo phân công đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực NLNT. Do có chính sách ưu đãi, hỗ trợ người đi đào tạo trong lĩnh vực NLNT (Nghị định số 124/2013/NĐ-CP) nên gần đây điểm tuyển đầu vào cho các ngành NLNT tại các trường đã được nâng lên rõ rệt.
Những khó khăn, hạn chế
Nguồn nhân lực cho chương trình phát triển ĐHN ở Việt Nam cần phải có ở ba bộ phận chính: (i) tại các công ty điện lực vận hành nhà máy ĐHN; (ii) cơ quan pháp quy hạt nhân quản lý các vấn đề liên quan đến an toàn, an ninh trong quá trình xây dựng, vận hành nhà máy ĐHN; (iii) cơ quan nghiên cứu triển khai và hỗ trợ kỹ thuật thực hiện các hoạt động nghiên cứu nhằm cải thiện công nghệ nhà máy ĐHN và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật cho cơ quan pháp quy hạt nhân và các đơn vị vận hành các nhà máy ĐHN.
Nguồn nhân lực phục vụ chương trình phát triển ĐHN là nguồn nhân lực chất lượng cao. Yêu cầu đảm bảo chất lượng cho nguồn nhân lực này là một trong những khó khăn lớn nhất cho chương trình phát triển ĐHN ở Việt Nam.
Đội ngũ nhân lực hiện nay ở nước ta đang thiếu cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng cần thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển ĐHN. Theo kết quả thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện nay, có khoảng trên 300 người tham gia phục vụ phát triển ĐHN (chưa kể của Tập đoàn Điện lực Việt Nam). Tuy nhiên, phần lớn số lượng nguồn nhân lực này chưa được bồi dưỡng, thực tập ở nước ngoài về các chuyên ngành ĐHN, trong khi số lượng nhân lực tốt nghiệp các chuyên ngành ĐHN là rất hạn chế; đặc biệt đội ngũ cán bộ chủ chốt, có trình độ và giàu kinh nghiệm đã và sẽ nghỉ hưu trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.
Theo khuyến cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nhu cầu nhân lực cho một tổ máy ở đơn vị vận hành nhà máy ĐHN là khoảng 800 người và ở Cơ quan pháp quy hạt nhân là khoảng 100 người. Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ nhu cầu nhân lực cho cơ quan nghiên cứu triển khai và hỗ trợ kỹ thuật khoảng 1.400 người. Mặt khác lĩnh vực chuyên môn cần đào tạo cho đội ngũ nhân lực này là rất rộng (khoảng trên 40 lĩnh vực chuyên môn khác nhau). Theo các chuyên gia về phát triển nguồn nhân lực cho ĐHN của Đức thì chi phí để đào tạo được một chuyên gia trong lĩnh vực ĐHN khoảng 0,5 triệu Euro và thời gian đào tạo tối thiểu để một kỹ sư ngành kỹ thuật trở thành một nhân viên vận hành nhà máy ĐHN là 36 tháng.
Nhu cầu nhân lực phục vụ chương trình ĐHN cho các đơn vị trên thay đổi theo các giai đoạn xây dựng nhà máy ĐHN. IAEA chia quá trình xây dựng nhà máy ĐHN thành ba giai đoạn. Giai đoạn 1 là giai đoạn sẵn sàng cam kết có hiểu biết thực hiện chương trình ĐHN. Giai đoạn 2 là giai đoạn sẵn sàng mời thầu/đàm phán hợp đồng xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên. Giai đoạn 3 là giai đoạn sẵn sàng vận hành thử và vận hành nhà máy ĐHN đầu tiên. Việc đồng bộ giữa nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện chương trình xây dựng nhà máy ĐHN với tiến độ thực hiện các dự án xây dựng nhà máy ĐHN là một trong những khó khăn đang đặt ra cho công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chương trình phát triển ĐHN.
Các cơ sở đào tạo trong nước chưa sẵn sàng đổi mới chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên còn thiếu những người có hiểu biết sâu về ĐHN. Cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm chuyên ngành thuộc lĩnh vực năng lượng nguyên tử, các thiết bị ghi đo hạt nhân, hệ thống mạng phục vụ nghiên cứu và đào tạo tại các cơ sở đào tạo trong nước còn rất hạn chế.
Giải pháp đẩy mạnh phát triển nguôn nhân lực
Để đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của chương trình phát triển ĐHN trong thời gian tới, cần tiếp tục rà soát, sắp xếp, bổ sung nguồn nhân lực bảo đảm số lượng và cơ cấu chuyên môn phù hợp cho các cơ quan quản lý nhà nước, nghiên cứu - triển khai và hỗ trợ kỹ thuật phục vụ phát triển điện hạt nhân để cử đi bồi dưỡng, thực tập hàng năm. Đồng thời, cần sớm hoàn thiện cơ chế đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực phù hợp yêu cầu đặc thù phục vụ phát triển điện hạt nhân.
Xây dựng hệ thống chương trình, tài liệu, cơ sở dữ liệu; tăng cường trang thiết bị, phương tiện giảng dạy, bao gồm thiết bị mô phỏng nhà máy ĐHN, các chương trình tính toán, hệ thống công nghệ thông tin và các trang thiết bị cần thiết khác phục vụ đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho phát triển ĐHN. Đẩy mạnh và mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế, các nước có nền khoa học và công nghiệp hạt nhân phát triển nhằm thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tăng cường trao đổi chuyên gia, kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị.
Bên cạnh đó, chúng ta cần có chính sách ưu đãi hơn để thu hút được cán bộ giỏi đến với chương trình đào tạo và yên tâm theo nghề. Vừa qua, Nhà nước cũng đã ban hành một số chính sách ưu đãi về chế độ đãi ngộ đối với người tham gia lĩnh vực NLNT. Thu nhập của các cán bộ trẻ đã được tăng lên và bước đầu giúp họ giải quyết được phần nào những khó khăn trong cuộc sống.
Tuy nhiên, những nỗ lực đó vẫn chưa đủ để giữ chân các cán bộ trẻ theo nghề. Để giải quyết tốt vấn đề, chúng ta cần tham khảo chính sách phát triển nguồn nhân lực của các quốc gia tiên tiến về ĐHN trên thế giới: muốn thu hút được nhân tài, họ đã thực thi những chính sách hết sức đặc biệt, trong đó vấn đề đầu tư kinh phí đào tạo, đãi ngộ được đặt lên hàng đầu.
Ngân sách giành cho nghiên cứu cũng cần phải được đầu tư nhiều hơn và giao quyền tự chủ hơn cho cơ quan nghiên cứu. Các hoạt động nghiên cứu dựa trên ba nguyên tắc: phương pháp dân chủ, quản lý độc lập và minh bạch. Việt Nam cần nghiên cứu chọn lọc và áp dụng những biện pháp từng đem lại cho các quốc gia tiên tiến về ĐHN có được nguồn nhân lực chất lượng cao trong phát triển ngành công nghiệp ĐHN./.