Nhật Bản dẫn đầu rót vốn FDI ở miền Trung

Theo Văn Dũng/nhadautu.vn

Tính đến nay, có 76 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có dự án FDI tại các tỉnh miền Trung. Trong đó, dẫn đầu là Nhật Bản, theo sau là Đài Loan, Singapore.

Một góc Khu tinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa). Ảnh: nhadautu.vn
Một góc Khu tinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa). Ảnh: nhadautu.vn

Theo Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/8/2021, trên địa bàn các tỉnh miền Trung có 2.151 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 60,77 tỷ USD, chiếm 15,16% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam.

Trong 8 tháng đầu năm 2021, khu vực miền Trung thu hút được 58 dự án FDI mới, 35 lượt dự án điều chỉnh, 175 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,04 tỷ USD, chiếm 5,44% tổng vốn FDI đăng ký của toàn quốc trong giai đoạn này.

Hiện, Thanh Hóa là tỉnh dẫn đầu miền Trung về thu hút FDI với 164 dự án, tổng vốn đăng ký lên tới 14,57 tỷ USD, chiếm 24% tổng vốn đăng ký của cả khu vực. Đứng sau là Hà Tĩnh có 79 dự án, vốn đầu tư 11,74 tỷ USD, chiếm 19,3% tổng vốn đăng ký. Tiếp đến là Quảng Nam với 223 dự án, vốn đăng ký 6,07 tỷ USD, chiếm 10% tổng vốn đăng ký...

Trong tổng số 17 ngành, lĩnh vực thu hút FDI tại các tỉnh miền Trung, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với 839 dự án, vốn đăng ký 31,74 tỷ USD, chiếm 52,2% tổng vốn đăng ký; Tiếp đến là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện thu hút được 43 dự án, vốn đăng ký 10,02 tỷ USD, chiếm 16,5%; Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 3 với 109 dự án, vốn đăng ký 9,91 tỷ USD, chiếm 16,3%...

Tính đến nay, có 76 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có dự án FDI tại các tỉnh miền Trung. Trong đó, dẫn đầu là Nhật Bản với 335 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 17,79 tỷ USD, chiếm 29,3% tổng vốn đăng ký. Đứng thứ hai là Đài Loan với 141 dự án và 12,01 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm 19,8%. Tiếp theo là Singapore với 105 dự án, vốn đăng ký 8,52 tỷ USD, chiếm 14%.

Những dự án FDI tại miền Trung có tổng vốn đầu tư lớn như: Dự án Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) có tổng vốn đầu tư đăng ký 9 tỷ USD, đây là dự án liên doanh giữa nhà đầu tư Nhật Bản với Tập đoàn dầu khí Việt Nam; Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh có tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 10,6 tỷ USD; Dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (Quảng Nam) có tổng vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD (100% vốn Singapore)…

Miền Trung là nơi tập trung hầu hết các khu kinh tế, khu công nghiệp với cơ chế mở, thủ tục đầu tư thông thoáng cùng với nhiều chính sách ưu đãi đầu tư vượt trội về thời gian và giá thuê đất, cơ sở hạ tầng, thuế, hỗ trợ đào tạo, cung ứng lao động… Đến nay, một số khu công ngiệp cơ bản được lấp đầy như: Nam Cấm (Nghệ An), Phú Bài (Thừa Thiên - Huế), Hoà Khánh (Đà Nẵng), Điện Nam - Điện Ngọc (Quảng Nam), Tịnh Phong (Quảng Ngãi), Phú Tài (Bình Định), Đông Bắc Sông Cầu (Phú Yên), Hàm Rồng (Gia Lai), Hòa Bình (Kon Tum)…