Nhất quán về quyền con người và quyền công dân
Quyền con người và quyền công dân là một mục tiêu nhất quán, xuyên suốt trong cương lĩnh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Mục tiêu này được thể hiện rõ nhất trong Hiến pháp Việt Nam. Từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946 cho đến Hiến pháp sửa đổi năm 2013 đều nhất quán quy định các quyền con người và quyền công dân.
Trước Cách mạng Tháng Tám, quyền con người là khẩu hiệu để Đảng ta tập hợp quần chúng, khởi nghĩa giành độc lập dân tộc. Sau Cách mạng Tháng Tám, quyền con người đã được khẳng định và gắn liền với độc lập dân tộc. Trong Tuyên ngôn độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
Kể từ đó đến nay, quyền con người và quyền công dân luôn là mục tiêu nhất quán, xuyên suốt trong cương lĩnh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Hiến pháp Việt Nam là một điển hình. Từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946 cho đến Hiến pháp sửa đổi năm 2013 đề nhất quán quy định các quyền con người và quyền công dân.
Hiến pháp 2013 được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 28/11/2013 và có hiệu lực từ 1/1/2014. Hiến pháp năm 2013 gồm 11 chương, 120 điều, trong dành riêng Chương II với 36 điều chế định trực tiếp và quy định rõ ràng các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Các quy định này đã tiệm cận và phù hợp với các công ước quốc tế và là sự kế thừa và phát triển các chế định quyền con người, quyền công dân, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu chính đáng và ngày càng tăng về quyền và tự do của nhân dân, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về quyền con người.
Nhìn chung, so với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 đã mở rộng nội dung về quyền, có các điều khoản riêng về quyền con người như: quyền bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trước pháp luật (Điều 16); không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm (Khoản 1, Điều 20); quyền bảo vệ đời tư (Điều 21); quyền tiếp cận thông tin (Điều 25); quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội (Điều 28); quyền bình đẳng giới (Điều 26); quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân (Điều 29); quyền được xét xử công bằng, công khai và không bị coi là có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án (Điều 31); quyền sở hữu tài sản tư nhân (Điều 32); quyền bảo đảm an sinh xã hội (Điều 34); quyền có việc làm (Điều 35).
Hiến pháp năm 2013 cũng đã chế định một số quyền mới, như: quyền sống (Điều 19), các quyền về nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó (Điều 40), quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa (Điều 41), quyền xác định dân tộc, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp (Điều 42), quyền được sống trong môi trường trong lành (Điều 43), quyền không bị trục xuất, giao nộp cho nước khác (Khoản 2, Điều 17), quyền có nơi ở hợp pháp (Điều 22), quyền được hưởng an sinh xã hội (Điều 34).
Hiến pháp năm 2013 cũng khẳng định nghĩa vụ của Nhà nước về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đồng thời quy định “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (Khoản 2, Điều 14); “mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác”; “việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác” (Điều 15).
Thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 và thực thi các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã gia nhập, ký kết, trong giai đoạn 2014-2018, Việt Nam đã bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới 96 văn bản luật, pháp lệnh liên quan đến việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, phù hợp với Hiến pháp năm 2013.
Một số đạo luật quan trọng được Quốc hội thông qua trong thời gian 2014-2018 gồm có: Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014, Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014, Luật nhà ở 2014, Bộ luật hình sự 2015, Bộ luật tố tụng hình sự 2015, Bộ luật dân sự 2015, Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Luật tố tụng hành chính 2015, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015, Luật trưng cầu ý dân 2015, Luật an toàn thông tin mạng 2015, Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016, Luật trẻ em 2016, Luật báo chí 2016, Luật tiếp cận thông tin 2016, Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017, Luật trợ giúp pháp lý 2017, Luật an ninh mạng 2018...
Trong đó, có một số luật lần đầu tiên được ban hành để thể chế kịp thời các quy định về quyền con người, quyền công dân của Hiến pháp năm 2013 (Luật tiếp cận thông tin, Luật trưng cầu dân ý). Ngoài ra, còn có các Luật đầu tư 2014, Luật doanh nghiệp 2014, Luật quy hoạch 2017, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 góp phần củng cố khung pháp lý bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp… Các quy định này đều hướng tới mục tiêu bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự xã hội và quyền con người.
Hiện nay, một số dự án luật khác liên quan đến quyền con người đang được thúc đẩy, trong đó có Bộ luật lao động sửa đổi, Luật khám bệnh, chữa bệnh, Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Luật dự phòng và nâng cao sức khỏe, Luật phòng, chống tham nhũng, Luật đặc xá sửa đổi, Luật thi hành án hình sự, Luật về hội... Quá trình dự thảo xây dựng các văn bản luật đều có sự tham vấn ý kiến của các tổchức xã hội, nhân dân, được đăng tải công khai trên website của Chính phủ.