Nhiều báo cáo quan trọng được thảo luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ cuối cùng nhiệm kỳ 2016-2021
Chiều ngày 31/3/2021, phiên họp thường kỳ tháng 3 của Chính phủ tổ chức dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Đây là phiên họp cuối cùng trước khi được Quốc hội kiện toàn Chính phủ khóa XIV vào tuần tới.
Tại phiên họp, nhiều báo cáo quan trọng đã được Chính phủ xem xét, thảo luận. Chính phủ đã thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2021; Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Báo cáo về chủ trương tiếp nhận khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu…
Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, tập thể Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 đã đoàn kết, đồng lòng, phối hợp với các cơ quan trong hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng cùng đưa đất nước tiến lên, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên mọi mặt.
Trong nhiệm kỳ, Chính phủ đã đổi mới mạnh mẽ, tháo gỡ khó khăn, ách tắc về thể chế, chính sách pháp luật; kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được tăng cường; GDP tăng trưởng liên tục; kỷ luật, kỷ cương Nhà nước được tăng cường; thu ngân sách, an ninh, an toàn của người dân được bảo đảm.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ sửa Nghị định số 97/2017/NĐ-CP về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ theo hướng có tỉ lệ vay lại hợp lý hơn nhằm tạo thuận lợi cho các tỉnh khó khăn, trong đó có các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, nhất là các giai đoạn bị tác động của Covid-19 còn kéo dài.
Về tình hình quý I/2021, Thủ tướng cho biết, nền kinh tế tiếp tục gặt hái được nhiều kết quả rất tích cực. Trong đó, tăng trưởng kinh tế quý I/2021 cao hơn quý I/2020, hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường làm nhu cầu tín dụng của nền kinh tế tăng, thị trường chứng khoán tăng trưởng khá với tổng mức huy động vốn tăng 42% so với cùng kỳ, hoạt động xuất nhập khẩu phục hồi mạnh mẽ, hết sức đáng mừng... Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề cần quan tâm như sản xuất kinh doanh, lao động, việc làm vẫn còn khó khăn, số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn tăng lên...
Theo đó, trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần chỉ đạo xây dựng, ban hành ngay các chương trình hành động, kế hoạch công tác để tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết trong từng bộ, từng ngành, địa phương.
Đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài, do đó cần đẩy mạnh hoạt động thương mại đầu tư song song với chú ý phòng, chống dịch bệnh xâm nhập. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Quốc phòng cần tiếp tục chi viện lực lượng làm nhiệm vụ quản lý cửa khẩu, đường biên, quyết liệt hơn nữa trong phòng, chống nhập cảnh trái phép tại các khu vực cửa khẩu, biên giới để bảo đảm phòng chống dịch bệnh Covid-19 xâm nhập từ nước ngoài.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo, ngành Ngân hàng tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả; kiểm soát lạm phát; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Giữ ổn định thị trường ngoại hối, không để xảy ra biến động bất lợi. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu, kiểm soát và hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Bên cạnh đó, cần tăng cường chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế; Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nâng cao hiệu quả đầu tư, tiết kiệm hơn nữa trong chi ngân sách.
Thủ tướng đề nghị sớm tổ chức hội nghị đôn đốc triển khai đầu tư công; nỗ lực giảm chi phí sản xuất, đầu tư để tạo ưu thế cạnh tranh mới; tiếp tục sửa đổi các quy định không phù hợp là rào cản cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, nhất trí về nguyên tắc cho việc vay nguồn vốn quốc tế với tổng số khoảng 2 tỷ USD (của Ngân hàng Thế giới, của Đức, Pháp) cho mục tiêu phát triển Đồng bằng Sông Cửu Long.
Theo đó, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện quy hoạch Đồng bằng Sông Cửu Long; phối hợp với các bộ, địa phương liên quan tách ra các dự án đầu tư cụ thể, xác định dự án đầu tư nào thuộc nhiệm vụ ngân sách trung ương thì cấp phát 100%, dự án nào thuộc trách nhiệm của tỉnh thì địa phương vay lại theo quy định hiện hành. Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ sửa Nghị định số 97/2017/NĐ-CP về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ theo hướng có tỉ lệ vay lại hợp lý hơn nhằm tạo thuận lợi cho các tỉnh khó khăn, trong đó có các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, nhất là các giai đoạn bị tác động của Covid-19 còn kéo dài.