Nhiều chỉ tiêu kinh tế thuộc top đầu cả nước
Năm 2022, nhiều chỉ tiêu kinh tế của tỉnh Thái Nguyên phục hồi mạnh mẽ, tiếp tục bứt phá và đứng trong top đầu cả nước. Các chỉ số được đánh giá cao của Thái Nguyên là bộ ba chỉ số các nhà đầu tư dài hạn quan tâm, gồm: sự an toàn từ các thiết chế pháp lý; vai trò tiên phong của lãnh đạo chính quyền; công tác đào tạo nguồn lao động.
Điểm sáng “quen thuộc” về thu hút FDI
Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thái Nguyên đạt 8,59%, cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng ấn tượng ở mức hai con số và đứng thứ 4 cả nước. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp đạt giá trị 932 nghìn tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt 32,1 tỷ USD.
Đáng chú ý, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt 18.540 tỷ đồng, vượt 3.986,5 tỷ đồng so với kế hoạch Chính phủ giao, vượt 540 tỷ đồng so với kế hoạch HĐND tỉnh giao.
Tỉnh Thái Nguyên đang tích cực, tăng cường thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nhiều hình thức đầu tư; triển khai nhiều công trình, dự án trọng điểm quan trọng, các dự án đầu tư công. Trong đó, ngân sách nhà nước chỉ bỏ ra một phần để giải quyết khâu then chốt, mang tính chất kích cầu, tạo động lực.
Nhiều dự án, công trình quy mô lớn được khởi động, đẩy nhanh tiến độ, nhiều công trình về trước kế hoạch, tạo sức lan tỏa và tác động tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của cả vùng như: khởi công dự án Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc; khởi công dự án Cụm công nghiệp Tân Phú 1, Tân Phú 2; Khởi công tuyến đường Sông Công - Núi Cố; hoàn thành Đường tỉnh 261, Đường tỉnh 266, Nút giao khác cốt đường Thống Nhất và đường Việt Bắc, đường Việt Bắc giai đoạn 2 và nhiều hạng mục đầu tư từ vốn vay của Ngân hàng Thế giới.
Thái Nguyên là điểm sáng “quen thuộc” về thu hút vốn FDI của cả nước nhờ tập trung đầu tư hạ tầng, nỗ lực cải cách hành chính, nắm bắt vướng mắc và tháo gỡ kịp thời các vướng mắc của doanh nghiệp. Năm nay, tỉnh duy trì vị trí trong top đầu toàn quốc về thu hút vốn đầu tư FDI, với số vốn FDI tăng thêm trong năm trên 1,5 tỷ USD và nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước. Đây là những điểm nhấn quan trọng về phát triển kinh tế của tỉnh trong năm 2022, góp phần tạo đà tăng trưởng ổn định, bền vững cho tỉnh Thái Nguyên trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng nhấn mạnh, việc xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch, hấp dẫn, thuận tiện; nâng cao hiệu quả, quản lý nhà nước về đầu tư, kinh doanh...; triển khai đồng bộ, có hiệu quả các cơ chế, chính sách nhằm thu hút, khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh nhanh và bền vững; duy trì chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh luôn trong nhóm những tỉnh có chất lượng điều hành tốt của cả nước… là phương châm hành động xuyên suốt của tỉnh Thái Nguyên.
Năm 2022 cũng được đánh giá là năm thành công của nông nghiệp Thái Nguyên khi tiếp tục duy trì vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực và đời sống của nhân dân giá trị đạt trên 15.200 tỷ đồng, tăng 4,14%.
Nền nông nghiệp địa phương đang từng bước chuyển đổi mô hình theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy mô trang trại lớn. Đến nay toàn tỉnh có 119/137 xã đạt chuẩn nông thôn mới với 8 xã nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 4 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Động lực phát triển từ Quy hoạch tỉnh
Thái Nguyên là tỉnh thứ 7 trong cả nước được thông qua Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải cho biết: Quy hoạch có tính kế thừa, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, dự báo chính xác, kịp thời với diễn biến của tình hình nhằm phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nhiều chuyên gia khẳng định, Thái Nguyên là một trong số ít tỉnh có bản Quy hoạch có chiều sâu; phương pháp tiếp cận khoa học, hiện đại; số liệu minh chứng đầy đủ, có phân tích tiềm năng, lợi thế của tỉnh, cũng như đưa ra kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới; thể hiện khát vọng phát triển của địa phương.
Trong bối cảnh Thái Nguyên gia tăng mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, chuyển dịch tỷ trọng công nghiệp xây dựng tăng mạnh, Quy hoạch tỉnh sẽ mở ra tầm nhìn, định hướng và động lực phát triển của địa phương gắn với phát triển của vùng Trung du miền núi phía Bắc, vùng Thủ đô Hà Nội và có ý nghĩa cho sự phát triển quốc gia.
Quy hoạch xác định TP. Thái Nguyên sẽ là đô thị trung tâm kết nối và điều phối, đô thị vệ tinh Đại Từ - du lịch sinh thái và văn hóa; đô thị vệ tinh Phú Bình - công nghệ cao và thông minh; chuỗi đô thị Đồng Hỷ - Võ Nhai; cụm đô thị tích hợp Thái Nguyên - Sông Công - Phổ Yên; khu vực Phú Lương- Định Hóa bảo tồn thiên nhiên du lịch sinh thái và hỗn hợp. Hệ thống các trung tâm phát triển gồm 19 đô thị trung tâm, trong đó có 1 đô thị loại I; 2 đô thị loại II; 9 đô thị loại IV và 7 đô thị loại V vào năm 2030.
Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên là cơ sở quan trọng để các cấp chính quyền tỉnh Thái Nguyên lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hội nhập, đối ngoại trên địa bàn tỉnh; là căn cứ để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, văn minh.
Phấn đấu đến năm 2030, Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, là trung tâm kinh tế - xã hội, cực tăng trưởng có tác động lan tỏa đối với toàn vùng trung du và miền núi phía Bắc, tạo dựng nền kinh tế xanh với các sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh cao.
Khẳng định thứ hạng chuyển đổi số quốc gia
Chương trình chuyển đổi số theo Nghị quyết số 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tiếp tục được triển khai với lộ trình rõ ràng, cụ thể và phù hợp với thực tiễn, qua đó góp phần đưa Thái Nguyên lên vị trí thứ 8/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về chuyển đổi số (tăng 4 bậc so với năm 2020).
Chuyển đổi số đã được ứng dụng vào tất cả các lĩnh vực, từ công tác Đảng, xây dựng chính quyền đến phát triển kinh tế, an sinh xã hội và bảo đảm an ninh trật tự… Chuyển đổi số cũng góp phần trực tiếp vào công tác cải cách hành chính bảo đảm minh bạch và đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp; qua đó đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước.
Ở bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính, tỉnh Thái Nguyên xếp vị trí thứ 6/63 tỉnh, thành phố (tăng 6 bậc). Về Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, tỉnh xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố (tăng 13 bậc).