Nhiều chính sách ưu đãi, kiều hối được mùa

PV.

(Tài chính) Mấy năm trở lại đây, với nhiều chính sách ưu đãi của Chính phủ và chất lượng dịch vụ ngày càng nâng cao của ngân hàng, lượng kiều hối đều có xu hướng tăng, năm sau tăng cao hơn năm trước. Với lượng kiều hối từ đầu năm đến nay, nhiều chuyên gia dự báo kiều hối năm 2014 đạt khoảng 12-13 tỷ USD, góp phần không nhỏ vào nguồn lực đầu tư và tăng trưởng cho nền kinh tế.

Trong những năm gần đây, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam xu hướng tăng mạnh góp vai trò quan trọng vào nền kinh tế, đặc biệt là tăng dự trữ ngoại hối quốc gia. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, đối với một đất nước vẫn đang nhập siêu nhiều như Việt Nam, lượng kiều hối sẽ góp phần đảm bảo cân bằng cán cân thương mại.

Thực tế cũng cho thấy, nhiều năm nay, nước ta không gặp nhiều khó khăn về vấn đề ngoại hối, phần nào là nhờ dòng kiều hối đồng bào Việt kiều ở nước ngoài gửi về. Bên cạnh những kênh truyền thống là kiều bào định cư nước ngoài, nguồn kiều hối những năm gần đây được ghi nhận gia tăng mạnh mẽ từ hoạt động xuất khẩu lao động hiện đang làm việc hợp pháp ở hơn 40 quốc gia trên thế giới. Dự báo, trong những năm tới, lực lượng này tiếp tục đóng góp nhiều cho lượng kiều hối về Việt Nam.

Theo dự báo mới đây của Trung tâm nghiên cứu BIDV, cả năm 2014, kiều hối sẽ tăng khoảng 10%. Như vậy, vào cuối năm nay, 12 tỷ USD là con số kiều hối mà nhiều tổ chức, cá nhân kỳ vọng có thể đạt được. Trong khi đó, Ngân hàng Vietinbank cũng cho rằng năm 2014 Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong 10 nước nhận được kiều hối nhiều nhất trên thế giới. Tốc độ tăng trưởng ngoại hối năm nay khoảng 10%, đạt 12,1 tỷ USD.

Nhiều chính sách ưu đãi, kiều hối được mùa - Ảnh 1

Thống kê cho thấy, từ năm 1993-2014, tổng lượng kiều hối đạt khoảng 96,66 tỷ USD, bình quân đạt khoảng 4,4 tỷ USD/năm, chiếm khoảng 6,8% GDP trong thời gian tương ứng. Lượng kiều hối chuyển về Việt Nam có tốc độ tăng cao (bình quân thời kỳ 1994 - 2014 tăng 22,4%/năm) và tăng gần như liên tục qua các năm, trừ 2 năm khủng hoảng tài chính là năm 1997 và năm 2009. Cụ thể, năm 2011, lượng kiều hối về Việt Nam là 9 tỷ USD, năm 2012 là 10 tỷ USD, năm 2013 là 11 tỷ USD và năm 2014 dự kiến tiếp tục đạt mức trên 12 tỷ như kỳ vọng đặt ra. Điều này hoàn toàn có cơ sở sở bởi chỉ riêng 11 tháng đầu năm 2014 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, lượng kiều hối chuyển về thông qua các ngân hàng thương mại và tổ chức kinh tế 11 tháng ước đạt 4,4 tỷ USD. Theo dự báo, lượng kiều hối cả năm 2014 của khu vực này sẽ đạt trên 5 tỷ USD, tăng 200 triệu USD so với năm 2013.

Có thể nói, trong thời gian qua, những chính sách ưu đãi của Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho dòng kiều hối về Việt Nam. Theo chính sách hiện hành, người thụ hưởng kiều hối có thể nhận bằng tiền VND hoặc bằng ngoại tệ theo yêu cầu và không phải đóng thuế thu nhập đối với các khoản ngoại tệ từ nước ngoài chuyển về.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam ở nước ngoài gửi tiền về nước thuận tiện như bãi bỏ nhiều quy định về thuế, không hạn chế số lượng tiền, nhận và trả hàng bằng nguyên tệ… Đặc biệt, theo nhiều chuyên gia kinh tế, với việc Quốc hội vừa thông qua Luật Nhà ở sửa đổi trong đó có quy định mở rộng quyền sở hữu tài sản của các cá nhân và tổ chức nước ngoài tại Việt Nam sẽ khuyến khích kiều bào chuyển tiền về nước mua nhà ở và an tâm với khoản đầu tư này chứ không phải nhờ người đứng tên hộ sở hữu tài sản như trước đây.

Chia sẻ với báo chí về việc tại sao dòng kiều hối vẫn chảy mạnh về Việt Nam bất chấp khó khăn của kinh tế thế giới, TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, có 2 nguyên nhân chính: Thứ nhất, pháp lệnh ngoại hối sửa đổi theo hướng quản lý ngoại hối chặt chẽ, chính sách vĩ mô của Việt Nam tốt hơn, thu hút được đồng bào người Việt ở nước ngoài. Thứ hai, thời gian qua, công tác tuyên truyền đối với người Việt ở nước ngoài đã làm tốt hơn, nên tình cảm yêu nước, ý thức đóng góp, trách nhiệm với gia đình của bà con Việt kiều đã trở thành tâm tư của nhiều người. 

Theo các chuyên gia kinh tế, thời gian qua, kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ ổn định hơn đã tạo điều kiện hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước giữ ổn định được giá trị đồng VND so với đồng USD, từ đó tạo lập niềm tin để cho bà con Việt kiều ở nước ngoài gửi tiền về nước… Từ nay đến hết cuối năm, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, sẽ tiếp tục theo dõi sát thị trường, điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, tỷ giá. Đây cũng chính là một những động lực quan trọng giúp cộng động người Việt Nam ở nước ngoài yên tâm tiếp tục gửi tiền về nước.

Ngoài ra, theo TS. Nguyễn Đức Kiên, chính sách thu hút kiều hối ở các ngân hàng ngày càng tốt hơn. Kiều hối đóng góp, tạo nguồn ngoại tệ rất quan trọng cho các ngân hàng, giúp giảm áp lực, cân đối được nguồn vốn cho vay ngoại tệ, nhất là dịp cuối năm. Thông qua việc cung cấp dịch vụ này, các ngân hàng không chỉ thu được phí dịch vụ mà còn có cơ hội mua lại ngoại tệ của khách hàng. Do vậy, ngay từ đầu năm các ngân hàng đã tích cực đẩy mạnh đầu tư cho dịch vụ gửi, nhận kiều hối nhằm gia tăng sức cạnh tranh trong lĩnh vực này. Cụ thể, nhiều ngân hàng đã chủ động hợp tác và ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ chi trả kiều hối với các công ty chuyển tiền toàn cầu như Western Union, Xpress Money… tạo điều kiện cho khách hàng được tiếp cận nhiều dịch vụ chi trả đa dạng và nhanh chóng, thuận tiện. Có thể nói, chính sách thu hút kiều hối hấp dẫn và chất lượng dịch vụ ngày càng được cải thiện giúp khách hàng tin tưởng hơn khi chuyển tiền về.

Theo các chuyên gia kinh tế, để tiếp tục giữ kiều hối về Việt Nam, điều quan trọng là kinh tế trong nước và các chính sách đối với nguồn vốn này cũng phải ổn định. Đặc biệt, sự ổn định chính sách tỷ giá có vai trò quan trọng trong chính sách thu hút kiều hối.