Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam từ chương trình Hộ chiếu Logistics
Ngày 18/8/2023, Chương trình Hộ chiếu Logistics Thế giới phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo “Khai phá tiềm năng về hợp tác giữa Việt Nam và UAE trong lĩnh vực logistics”. Hội thảo được diễn ra nhân dịp hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Quang Huy - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, UAE là nền kinh tế hàng đầu khu vực Trung Đông. Sáng kiến Hộ chiếu logistics (WLP) là 1 trong 9 sáng kiến tại chiến lược con đường tơ lụa Dubai.
Theo ông Trần Quang Huy, Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế năng động nhất trong khu vực và thế giới, trở thành nền kinh tế lớn thứ ba ASEAN. Về ngoại thương, Việt Nam là một trong 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế với kim ngạch suất nhập khẩu năm 2022 đạt gần 735 tỷ USD. Về hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã tham gia vào 16 hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác lớn trên thế giới.
Trong lĩnh vực logistics, Việt Nam được xếp thứ 11/50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu với tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm, giai đoạn 2022-2027 dự báo đạt mức 5,5%. Việt Nam hiện cũng có khoảng 30.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics.
Về trao đổi thương mại song phương, hiện UAE là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông và Việt Nam cũng thuộc top 10 đối tác nhập khẩu lớn nhất của UAE trong giai đoạn 2018-2022. Tổng trao đổi thương mại giữa hai nước được duy trì ổn định ở mức 5 tỷ USD/năm, chiếm 25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với các nước Trung Đông.
Thông qua UAE, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có cơ hội tiếp cận với nhiều quốc gia trong khu vực. Sự hợp tác hiệu quả với UAE trong lĩnh vực logistics sẽ góp phần thúc đẩy trao đổi thương mại giữa Việt Nam với UAE và với khu vực Trung Đông cũng như các khu vực khác trên thế giới.
Ông Bader Abdulla Al Matrooshi - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của UAE tại Việt Nam đánh giá, hội thảo được tổ chức có ý nghĩa rất quan trọng nhân dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ hợp tác giữa hai nước. Sự kiện này cho thấy nỗ lực của các bộ, ngành Việt Nam nhằm góp phần thực hiện thành công quan hệ song phương giữa hai nước.
Đại sứ Bader Abdulla Al Matrooshi cũng chúc mừng 14 tổ chức và công ty của Việt Nam chính thức tham gia WLP trong tuần này, nâng tổng số thành viên của Việt Nam tham gia Chương trình lên 28 đơn vị, là một trong những quốc gia tham gia tích cực.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Abdulla Al Suwaidi - Giám đốc mạng lưới trung tâm và Đối tác toàn cầu WLP cho biết, để tạo dòng chảy thương mại mạnh mẽ, UAE đã có chính sách thông quan trong vòng 1 ngày, đây là nền tảng cho chương trình WLP. WLP không chỉ xem xét hiệu quả về thời gian mà còn về chi phí, đổi mới các phương thức đảm bảo cho thương mại dịch chuyển thuận lợi, tối đa hoá thời gian.
Là chương trình đầu tiên về logistics, WLP đã làm việc với các bên trong thông quan, cảng hàng không… để thúc đẩy phát triển. Hiện nay, WLP đang lựa chọn các đối tác một cách chiến lược dọc hành trình chuỗi cung ứng và logistics nhằm gỡ bỏ các rào cản thương mại và hướng tới việc tăng cường xuất nhập khẩu đa dạng các giữa các đầu mối. Thông qua WLP, kết nối thương mại giữa các quốc gia sẽ tốt hơn, các nhà thương mại có thể được hưởng lợi từ hoạt động vận chuyển hàng hoá qua Dubai với những thuận tiện trong chuyển cảng và thông quan.
Theo đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), logistics là ngành quan trọng trong phát triển kinh tế Việt Nam. Việt Nam có cơ hội lớn trong phát triển logistics, có thể tận dụng đường bờ biển dài, cảng biển, bùng nổ thương mại điện tử, thúc đẩy xuất nhập khẩu, là mắt xích quan trọng trong cung ứng toàn cầu với quy mô chiếm 2,9% GDP cả nước.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về logistics; phát triển hạ tầng; phát triển thị trường thông qua tổ chức các cuộc hội thảo, triển lãm; kết nối hạ tầng với các nước ASEAN, Đông Bắc Á; áp dụng các biện pháp vận chuyển, quá cảnh phân phối sản phẩm với thị trường Đông Bắc Á, Trung Đông qua UAE.
Thông tin thêm về những lợi ích mà doanh nghiệp Việt Nam được hưởng khi tham gia WLP, ông Nguyễn ngọc Thuyên – Đại diện WLP tại Việt Nam cho biết, các thành viên có thể nhận được nhiều lợi ích toàn cầu thông qua mạng lưới các quốc gia tham gia WLP. Theo đó, lợi ích đầu tiên với bên bán là tiếp cận và giữ chân được khách hàng, truy cập được mạng lưới đối tác cũng như cơ quan quản lý nhà nước; với vai trò là người mua sẽ tiếp cận được các dịch vụ của mạng lưới.
Cùng với đó, WLP luôn cam kết hỗ trợ các đầu mối tổ chức hoạt động thành công. Đặc biệt, các thành viên đã được WLP xác minh đáng tin cậy và có chia sẻ thông tin, công khai các giá của các dịch vụ cung cấp.
Tại hội thảo, các đại biểu đến từ UAE và WLP đã giải đáp các vướng mắc của các doanh nghiệp logistics Việt Nam tham dự hội thảo. Thông qua hội thảo, các đại biểu tham dự đã nắm bắt được các thông tin cập nhật về chương trình Sáng kiến Hộ chiếu logistics, trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với các chuyên gia của UAE và góp phần thúc đẩy kết nối các hoạt động giao thương.
Nhân dịp này, các đại biểu tham dự Hội thảo đã chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa WLP và 9 đối tác doanh nghiệp của Việt Nam. Chúc mừng các doanh nghiệp đã đàm phán, ký kết thành công thỏa thuận hợp tác với WLP tại hội thảo, Vụ trưởng Trần Quang Huy hy vọng thông qua những hoạt động hợp tác với WLP trong thời gian tới, các doanh nghiệp, tổ chức của Việt Nam sẽ thu được những lợi ích đáng kể trong hoạt động vận tải hàng hóa, dịch vụ logisitcs; mở rộng hoạt động kinh doanh; góp phần hiệu quả giảm thiểu chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Sáng kiến “Hộ chiếu logisticss Thế giới” (WLP) là một trong 09 sáng kiến thuộc Chiến lược “Con đường Tơ lụa Dubai” được UAE triển khai từ năm 2019, với tham vọng đưa Dubai trở thành nơi liên kết thương mại chiến lược trên thế giới. Đến nay, đã có 29 quốc gia đăng ký tham gia mạng lưới WLP. Việt Nam đã có tên trong danh sách các trung tâm logistics và thương mại của khu vực (Hub) thuộc mạng lưới WLP.