Nhiều cơ hội cho thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam

Theo Tạp chí Chứng khoán

Đó là nhận định của ông Peter Kolz, một trong những chuyên gia hàng đầu về thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) và là giảng viên chính của các chương trình đào tạo về TTCKPS tại Việt Nam trong khuôn khổ của Dự án VIE032 do Luxembourg tài trợ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Phóng viên: Thưa ông, TTCKPS tại Việt Nam sắp được khai trương. Ông đánh giá như thế nào về cơ hội và thách thức của TTCKPS tại Việt Nam khi thị trường này đi vào vận hành trong thời gian tới?

Ông Peter Kolz: Tôi thấy tiềm năng và cơ hội phát triển đối với TTCKPS ở Việt Nam là khá lớn.

Thứ nhất, cơ hội đến từ các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đối với TTCKPS ở Việt Nam rất rộng mở. Vấn đề là làm thế nào để thu hút được sự tham gia của những nhà đầu tư này vào TTCKPS Việt Nam. Đây là bài toán đặt ra cho các cơ quan quản lý và tổ chức vận hành thị trường.

Thứ hai, cơ hội đến từ nhóm các nhà đầu tư nhỏ lẻ, cá nhân ở Việt Nam. Đây là nhóm các nhà đầu tư đang chiếm đa số trên TTCK cơ sở. Việt Nam có thể và cần đưa ra những biện pháp thích hợp để thu hút sự tham gia của họ vào TTCKPS.

Còn về thách thức, theo tôi, thách thức lớn nhất đối với TTCKPS ở Việt Nam là đưa ra sản phẩm phái sinh phù hợp. Tôi cho rằng thách thức đồng thời cũng là cơ hội sẽ đến từ các thị trường cổ phiếu, trái phiếu. Ví dụ, trong thời gian trước mắt, Việt Nam đưa các sản phẩm hợp đồng tương lai dựa trên chỉ số cổ phiếu, trái phiếu chính phủ là phù hợp.

Sau này, khi thị trường đã phát triển hơn thì có thể tiếp tục tính đến phát triển các sản phẩm như quyền chọn và một số sản phẩm phái sinh tài chính khác.

Dưới góc độ là một chuyên gia, ông có khuyến nghị gì về quản lý rủi ro trên TTCKPS ở Việt Nam?

Trong các chương trình đào tạo về chứng khoán phái sinh, chúng ta cũng đã đề cập rất nhiều đến rủi ro trên TTCKPS, và mỗi loại rủi ro lại cần có cách thức, biện pháp quản lý, kiểm soát thích hợp.

Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh ở đây là cơ quan quản lý thị trường chỉ nên áp dụng các giải pháp quản lý rủi ro mang tính định hướng trên TTCKPS, chứ không nên quá tập trung vào từng giao dịch cụ thể, từng nhà đầu tư cụ thể vì làm như vậy sẽ triệt tiêu sự linh hoạt của thị trường.

Bên cạnh việc đưa ra các quy định, các biện pháp quản lý chặt chẽ để phòng tránh rủi ro trên TTCKPS, cơ quan quản lý cũng cần nghiên cứu những giải pháp hỗ trợ cho các tổ chức trung gian (công ty chứng khoán - CTCK, ngân hàng thương mại) như hỗ trợ chuyển giao công nghệ, xây dựng hệ thống quản lý rủi ro, đào tạo con người...

Hay nói cách khác, cơ quan quản lý thị trường của Việt Nam chỉ nên đưa ra những quy định khung về quản lý rủi ro để các thành viên của TTCKPS tự do vận hành trong khuôn khổ các quy định khung đó.

Còn từ góc độ nhà đầu tư, họ cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro mà trong các chương trình đào tạo về phái sinh gần đây tại Việt Nam tôi đã đề cập đến.

Tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư, để phòng tránh rủi ro thì điều quan trọng nhất là họ phải có kiến thức, hiểu biết sâu sắc về TTCKPS và các sản phẩm được giao dịch trên thị trường này.

Tất nhiên, không chỉ có nhà đầu tư mà cả sở giao dịch chứng khoán (SGDCK) và các CTCK cũng có thể gặp rủi ro trên TTCKPS. Do đó, bản thân SGDCK và các CTCK cũng phải có kiến thức rất tốt về các sản phẩm được giao dịch trên thị trường.

Theo ông, để thúc đẩy TTCKPS phát triển, Việt Nam cần làm gì?

Có rất nhiều giải pháp để phát triển TTCKPS. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, tất cả các giải pháp đều phải dựa trên “tam giác ma thuật” giữa nhà đầu tư, các CTCK và SGDCK.

Hay nói cách khác, chúng ta cần tìm hiểu mục tiêu, động cơ và rủi ro của mỗi bên khi tham gia TTCKPS, trên cơ sở đó tìm kiếm giải pháp hài hòa hóa các yêu cầu, mục tiêu cũng như quyền lợi của họ.

Một điều quan trọng nữa là nếu Việt Nam muốn phát triển một sản phẩm phái sinh thì  phải đáp ứng tối đa lợi ích của các bên tham gia. Đồng thời, khi sản phẩm phái sinh được xây dựng xong cũng không nên vội vã đưa sản phẩm ra thị trường ngay.

Hãy luôn ghi nhớ nguyên tắc “flow generates flow”, tức là trước khi đưa sản phẩm phái sinh ra thị trường, cần triển khai những chiến dịch giới thiệu, quảng bá rộng rãi để các nhà đầu tư biết và hiểu về sản phẩm, qua đó góp phần đảm bảo khi đưa sản phẩm ra thị trường thì sẽ có ngay doanh thu.

“Dòng” doanh thu đầu tiên này sẽ làm gia tăng hơn nữa sự chú ý của thị trường đối với sản phẩm, và từ đó đem lại doanh thu lớn hơn. Khi đó, khả năng thành công của một sản phẩm phái sinh sẽ ngày càng lớn hơn, góp phần vào thành công chung của TTCKPS.

Xin trân trọng cảm ơn ông!