Nhiều cơ hội phát triển thị trường các - bon tại Việt Nam
Việt Nam sẽ vận hành thí điểm sàn giao dịch các - bon trong nước từ tháng 6/2025 đến hết năm 2028, trước khi hoạt động chính thức từ năm 2029. Việc thành lập và phát triển thị trường các - bon tại Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội...

Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam cam kết phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, góp phần khẳng định nỗ lực của Việt Nam cùng chung tay với các quốc gia trên thế giới thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Để tạo khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành và thực thi, trong đó có Luật Bảo vệ môi trường quy định việc thành lập và phát triển thị trường các - bon trong nước là một trong những nội dung quản lý phát thải khí nhà kính.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 232/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Thành lập và phát triển thị trường các - bon tại Việt Nam. Tại đề án này, thị trường các - bon trong nước được tổ chức triển khai thực hiện theo lộ trình: giai đoạn thí điểm từ năm 2025 đến hết năm 2028 và giai đoạn chính thức từ năm 2029. Bộ Tài chính được giao chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp - Môi trường và các cơ quan liên quan xây dựng nghị định của Chính phủ về sàn giao dịch các - bon trong nước.
Mục tiêu chung của Đề án Thành lập và phát triển thị trường các - bon tại Việt Nam là nhằm hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết tại Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), với chi phí thấp, đồng thời tạo nguồn tài chính mới cho hoạt động cắt giảm phát thải. Cùng với đó là việc thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển công nghệ phát thải thấp, nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp, phát triển kinh tế các - bon thấp và ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Chia sẻ về cơ cấu mô hình quản trị các sàn các - bon trên thế giới tại Hội thảo Nâng cao năng lực cho Bộ Tài chính trong nghiên cứu mô hình và chuẩn bị vận hành thử nghiệm sàn giao dịch tín chỉ các - bon tại Việt Nam diễn ra tại Hà Nội vừa qua, ông Michael Mehling - Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cho biết, quản trị trong hệ thống giao dịch phát thải (ETS) là việc thực thi chức trách của cả khu vực công và tư nhằm đảm bảo tính toàn vẹn của thị trường, minh bạch trong vận hành tuân thủ quy định, hiệu quả thị trường và trách nhiệm giải trình của các bên tham gia.
Công tác quản trị trong ETS được thực hiện bởi nhiều chủ thể, bao gồm: Cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị vận hành hệ thống đăng ký, sàn giao dịch, các bên phải tuân thủ và các đơn vị hỗ trợ thị trường. Ông Michael cũng giới thiệu về hệ thống ETS của bang California Mỹ và Vương quốc Anh, chỉ ra những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Theo chuyên gia này, kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy cần thiết phải có thiết chế giám sát linh hoạt, tuy nhiên, thiết kế hệ thống ETS cần phù hợp với điều kiện trong nước, bao gồm: trình độ phát triển kinh tế, năng lực thể chế và hạ tầng hiện có.
Việt Nam cần tiếp tục ưu tiên tăng cường năng lực nhằm quản lý tính phức tạp của hệ thống. Việc xây dựng chiến lược triển khai ETS theo lộ trình, bắt đầu bằng giai đoạn thí điểm và mở rộng dần theo từng ngành, sẽ giúp giảm thiểu rủi ro trong giai đoạn đầu. Phát triển một hệ thống đăng ký phát thải và hạ tầng dữ liệu mạnh mẽ sẽ góp phần tăng cường tính minh bạch, khả năng tuân thủ và tạo tiền đề cho việc kết nối thị trường trong tương lai.
“Sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan như tài chính, môi trường và công thương là yếu tố then chốt nhằm đơn giản hóa quy trình ra quyết định. Việc định hướng chiến lược phù hợp với các thị trường quốc tế và tính đến khả năng liên kết trong tương lai sẽ góp phần nâng cao uy tín, thu hút đầu tư và gia tăng tham vọng khí hậu của quốc gia”- ông Michael Mehling chia sẻ.