Nhiều "điểm nghẽn" trong xây dựng nền nông nghiệp xanh tại Việt Nam

Minh Trang

Nông nghiệp xanh được xem là mô hình phát triển nông nghiệp chủ đạo trong tương lai. Việt Nam có thế mạnh sản xuất nông nghiệp, nông dân có kỹ năng sản xuất, tăng trưởng nông nghiệp rất tốt trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, để xây dựng nông nghiệp Việt Nam có thể tiệm cận với nông nghiệp xanh vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” cần vượt qua.

Nông nghiệp xanh hướng đến nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, phát triển công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải,  giúp cho người nông dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Nông nghiệp xanh hướng đến nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, phát triển công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải, giúp cho người nông dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Nông nghiệp xanh là nền nông nghiệp sản xuất áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nông nghiệp xanh hướng đến nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, phát triển công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải, ổn định kinh tế và giúp cho người nông dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn, bảo vệ các nguồn tài nguyên và hệ sinh thái nông nghiệp… đảm bảo nông nghiệp bền vững trên cả trụ cột kinh tế - xã hội và môi trường, góp phần vào sự phát triển kinh tế xanh. 

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, các “điểm nghẽn” với phát triển nông nghiệp xanh ở Việt Nam gồm:

Thứ nhất, nông nghiệp Việt Nam vẫn dựa trên sản xuất quy mô hộ nhỏ lẻ. Việt Nam hiện có khoảng 9 triệu hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ với trên 70 triệu miếng ruộng. Diện tích canh tác bình quân mỗi lao động nông nghiệp của Việt Nam chỉ đạt 0,34 ha, chỉ bằng khoảng một nửa (0,6-0,8 lần) so với Campuchia, Myanmar hay Philippines (World Bank, 2016). Đây là một thách thức vô cùng lớn khi tổ chức lại một nền sản xuất theo hướng lớn, tập trung.

Thực tiễn cho thấy, Chính phủ đã đề ra mục tiêu giảm mức độ manh mún đất đai thông qua chương trình dồn điền, đổi thửa khuyến khích các hộ nông dân đổi ruộng cho nhau để có các mảnh liền thửa và gia nhập hợp tác xã hoặc nông hộ có thể cho doanh nghiệp thuê đất. Tuy nhiên, tại hầu hết các địa phương trong cả nước, thị trường cho thuê đất nông nghiệp vẫn chưa phát triển, do hạn chế về quy mô thửa ruộng, giá trị đất nông nghiệp cho thuê không cao, và công tác định giá vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc.

Thứ hai, Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu. Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu do có bờ biển dài và nhiều lưu vực sông lớn, trong đó 2 vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng nặng nhất. Do đó, để hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu cùng các vấn đề môi trường khác cần có sự hành động quyết liệt từ Chính phủ thông qua các chính sách, các cam kết; chung tay của doanh nghiệp thông qua đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường và hành động của mỗi cá nhân đổi suy nghĩ và thói quen sản xuất nông nghiệp để giảm thiểu tác động tiêu cực.

Thứ ba, những hạn chế trong nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ. Thời gian qua, công tác phối hợp trong khoa học và công nghệ ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Hầu hết, các viện nghiên cứu và trường đại học không làm việc cùng các đơn vị thụ hưởng (doanh nghiệp và người nông dân). Hệ quả là phần lớn các sản phẩm của các cơ quan nghiên cứu không đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng/người mua sản phẩm. Hơn nữa, sự thiếu phối hợp trong kỹ thuật và chia sẻ dữ liệu cũng làm giảm hiệu quả của quá trình hoạch định chính sách.

Thứ tư, khó khăn trong huy động nguồn lực tài chính và tổ chức liên kết sản xuất. Hiện nay, số doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp hiện chỉ chiếm 8% tổng số doanh nghiệp trên cả nước, trong đó số doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản chiếm 1%. Tình hình thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao còn rất hạn chế, do lĩnh vực này vốn chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết, dịch bệnh; thị trường tiêu thụ chưa ổn định; quy mô, nguồn lực của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hạn chế khi phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiệu quả chưa cao. Việc tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết, lấy doanh nghiệp là hạt nhân liên kết, tổ chức sản xuất với hộ nông dân, trang trại, hợp tác xã để ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và quản trị chu trình sản xuất hàng hóa, truy xuất nguồn gốc… còn yếu.

Thứ năm, hoạt động đánh giá và giám sát thuốc trừ sâu, phân bón và an toàn thực phẩm còn  yếu. Chất lượng quản lý của toàn bộ chuỗi giá trị được chia làm ba phân khúc riêng biệt: đầu vào nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp và phân phối sản phẩm ra thị trường. Hiện có quá nhiều cơ quan chuyên trách để đánh giá và giám sát đối với từng phân khúc nhưng sự phối hợp và hợp tác giữa các cơ quan này là hạn chế.

Thứ sáu, hạn chế về trợ cấp cho nông nghiệp xanh. Việt Nam còn đang thiếu một chiến lược rõ ràng cho công nghệ nông nghiệp xanh để tận dụng lợi thế về sức mạnh của nông nghiệp và nắm bắt thị trường cho sản phẩm nông nghiệp xanh trong tương lai

Thứ bảy, công tác truyền thông và nâng cao nhận thức chưa có những bước chuyển đáng kể trong việc thay đổi quan điểm và nhận thức của người sản xuất và tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp. Vai trò của các tổ chức xã hội như Hội Nông dân và Hiệp hội người tiêu dùng Việt Nam trong khuyến khích nông nghiệp xanh vẫn còn hạn chế.

Với những “điểm nghẽn” nêu trên, để thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp xanh theo hướng bền vững, trong thời gian tới, Việt Nam cần phải có những nỗ lực rất lớn, không chỉ từ phía Chính phủ, mà cả khối tư nhân gồm các doanh nghiệp và người sản xuất trực tiếp cùng tham gia thực hiện ở các quy mô khác nhau để khơi thông nguồn lực đầu tư của toàn xã hội đầu tư cho phát triển hạ tầng nông nghiệp. Cùng với đó, Việt Nam cần xác định tầm nhìn nông nghiệp xanh và xây dựng hệ thống chính sách nông nghiệp xanh, cũng như xác định rõ vai trò của chính sách trung ương và địa phương, nhân rộng các mô hình nông nghiệp xanh…