Nhiều điểm sáng hỗ trợ thị trường chứng khoán
Mặc dù dịch Covid-19 vẫn ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, tuy nhiên, TTCK Việt Nam đang hồi phục với thanh khoản tốt cho thấy có nhiều yếu tố tích cực đã xuất hiện.
Chứng khoán có ưu thế
Là “hàn thử biểu” nên TTCK có nhịp đập chung với nền kinh tế. Thực tế cho thấy, khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam hồi đầu năm, TTCK đã lao dốc mạnh đến cuối tháng 3. Giai đoạn này, VN-Index “bay” hơn 300 điểm, giảm hơn 30%. Tuy nhiên, khi dịch được kiểm soát, thị trường đã có một chu kỳ tăng kéo dài từ tháng 4 đến tháng 6 với biên độ tăng hơn 36% so với trước.
Dịch Covid-19 trở lại vào tháng 7/2020, TTCK cũng đã có những nhịp giảm mạnh, biên độ giảm gần 40 điểm/phiên. Dù vậy, mức độ kéo dài của các nhịp giảm đợt này không cao. Đáng lưu ý, trong những phiên giảm điểm mạnh, thanh khoản rất lớn, chứng tỏ dòng tiền bắt đáy rất tốt. Sự hồi phục khá tốt của TTCK thời gian qua được các chuyên gia nhận định là do sự nỗ lực kiểm soát dịch Covid-19 của Chính phủ đã tạo được niềm tin với nhà đầu tư. Rằng, làn sóng thứ hai nếu bùng phát thì khả năng cao cũng được khống chế thành công.
Cùng với đó, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2020 vẫn là số dương trong khi nhiều nước đang tăng trưởng âm. Nhiều doanh nghiệp đầu ngành vẫn có con số tăng trưởng ấn tượng, kết quả kinh doanh của một số nhóm ngành nghề như viễn thông, công nghệ, xây dựng và vật liệu, ngân hàng… vẫn sáng.
Các công ty chứng khoán lý giải: sau đợt dịch Covid-19 đầu tiên, TTCK Việt Nam giảm gần 30% so với thời điểm đầu năm, tạo ra một vùng đệm định giá hấp dẫn hơn. Thông thường, sau giai đoạn tạo đáy, nền kinh tế bắt đầu giai đoạn hồi phục và tăng trưởng, TTCK sẽ được hưởng lợi đầu tiên. Cùng với đó, việc NHNN hạ lãi suất điều hành tạo tâm lý tốt hơn đối với TTCK, vì động thái này cho thấy chủ trương nhất quán của Chính phủ trong việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ các doanh nghiệp. Đây cũng là yếu tố hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, từ đó tạo ra tâm lý tốt cho nhà đầu tư.
Đại diện Công ty chứng khoán Quốc tế Việt Nam cho rằng, việc hạ lãi suất điều hành làm giảm lãi suất huy động nên kênh gửi tiết kiệm ngân hàng không còn hấp dẫn. Trong khi đó kênh đầu tư bất động sản cũng đang gặp khó do ảnh hưởng Covid-19 và cần vốn lớn, tích lũy lâu dài. Vàng được đánh giá còn theo xu hướng giá vàng thế giới. Giá vàng hiện tại đang ở mức cao và khá rủi ro khi mua vì chênh lệch giá mua, giá bán cao, cùng với đó, giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới đến vài triệu đồng. Trong khi, TTCK đã giảm mạnh so với đầu năm, hiện có mức định giá hấp dẫn, nhiều cổ phiếu có thể giúp nhà đầu tư kiếm lợi nhuận cả ngắn hạn, trung và dài hạn.
Theo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD), nhà đầu tư trong nước đã mở mới hơn 35.000 tài khoản trong tháng 6-2020, trong đó chủ yếu là tài khoản cá nhân. Lũy kế trong 4 tháng gần nhất, nhà đầu tư trong nước đã mở mới gần 137.000 tài khoản, tương đương 73% số lượng tài khoản mở mới năm 2019.
Đến cuối tháng 6, số tài khoản trên TTCK đạt hơn 2,54 triệu tài khoản. Những nhà đầu tư F0 (nhà đầu tư mới) này tham gia thị trường nhằm “bắt đáy” sau chuỗi giảm giá mạnh của thị trường. Đây được đánh giá là dòng tiền đầu tư thông minh, luân chuyển từ các kênh đầu tư khác đến kênh chứng khoán. Sự gia nhập của những nhà đầu tư mới này góp phần quan trọng giúp VN Index hồi phục mạnh từ 650 điểm cuối tháng 3 lên mức hiện tại trên 870 điểm, chỉ thấp hơn thời điểm trước dịch khoảng 6%.
Hút vốn ngoại
Dòng tiền đầu tư cũng là một yếu tố có tính quyết định đối với xu hướng của TTCK, trong đó có vốn đầu tư nước ngoài. Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, TTCK Việt Nam sẽ ít có khả năng xảy ra đợt bán ròng mạnh thứ 2 từ khối ngoại như giai đoạn tháng 3, tháng 4 vừa qua dù tình hình Covid-19 vẫn khó lường.
Nguyên nhân chính khiến tình trạng bán tháo diễn ra ở Việt Nam và các thị trường khác là do nhà đầu tư e ngại về thanh khoản. Tuy nhiên, điều này sẽ không còn gây ra đợt bán ròng trong thời điểm này nhờ sự hỗ trợ thanh khoản mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và các ngân hàng trung ương khác.
Bloomberg gần đây cũng đã ghi nhận sự trở lại của các nhà đầu tư nước ngoài thông qua các quỹ ETF tại một số thị trường mới nổi trong 3 tháng qua, trong đó có Việt Nam. Cụ thể, Quỹ Vaneck ETF thu hút 11 triệu USD và Quỹ FTSE Vietnam ETF đã thu hút 6 triệu USD trong tháng 7 so với việc bị rút ra tương ứng 26 triệu USD và 19 triệu USD trong tháng 3 trên TTCK Việt Nam.
Theo Công ty Chứng khoán SSI, dòng vốn từ các quỹ ETF chảy tích cực trong tháng 7 với tổng giá trị mua ròng trên TTCK Việt Nam gần 700 tỷ đồng. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp có dòng vốn dương chảy vào TTCK Việt Nam. Báo cáo từ các công ty chứng khoán khác cũng cho thấy, dòng vốn đổ vào TTCK Việt Nam nửa cuối tháng 7 đã cao hơn lượng rút ra nửa đầu tháng, tính chung cả tháng 7 có 6,5 triệu USD vốn ngoại tăng thêm vào các quỹ đầu tư tại Việt Nam. Tuần đầu tháng 8/2020, có 7,6 triệu USD vốn ròng vào các quỹ ở Việt Nam. Tuần qua (từ 17 đến 28/8), dòng vốn chảy vào thị trường tiếp tục duy trì ở mức tích cực với giá trị đạt 9 triệu USD, cao nhất trong 4 tuần qua.
Từ đây đến cuối năm, điểm nhấn đáng chú ý của TTCK được giới phân tích đưa ra cho nhà đầu tư gồm: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực từ 1-8. Thị trường kỳ vọng đây là một cú hích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trung và dài hạn. Việc xóa bỏ hơn 99% dòng thuế theo lộ trình, tạo thuận lợi cho các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu sang thị trường EU như: dệt may, da giày, nông sản, thủy sản, đồ gỗ.
Ngoài ra, khi tham gia EVFTA, Việt Nam có thể trở thành điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài. Một lượng lớn vốn từ các doanh nghiệp EU sẽ được đầu tư vào Việt Nam, giúp nâng cao cạnh tranh và thúc đẩy thị trường trong nước phát triển mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, việc thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ sẽ hỗ trợ khá mạnh cho các ngành xây dựng, vật liệu xây dựng trong nước.