Thúc đẩy thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Sát sao và quyết liệt
Trong hai năm 2014 - 2015, Chính phủ đặt mục tiêu phải cổ phần hóa (CPH) 432 DNNN, trong đó riêng năm 2015 phải CPH 289 DN. Tuy nhiên, đến hết tháng 9/2015, vẫn còn gần 200 DN chưa hoàn thành kế hoạch CPH. Tại Báo cáo kinh tế vừa công bố mới đây, Viện Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định, việc phải gấp rút hoàn thành CPH với một số lượng lớn DN trong thời gian ngắn còn lại của kế hoạch 2014 – 2015, tương đương 50% của cả giai đoạn là một thách thức rất lớn…
Thực hiện chủ trương của Đảng về tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015”. Trong đó, CPH DNNN và thoái vốn nhà nước đối với các khoản vốn đã đầu tư vào ngành, lĩnh vực không thuộc ngành kinh doanh chính của DN, vốn nhà nước tại các DN mà Nhà nước không cần duy trì tỷ lệ nắm giữ được xác định là những giải pháp trọng tâm để thực hiện tái cơ cấu DN và cần được hoàn thành trước 31/12/2015.
Theo phương án sắp xếp, tái cơ cấu DNNN đã được phê duyệt thì trong 02 năm 2014 - 2015, cả nước phải hoàn thành sắp xếp 479 DN (trong đó: cổ phần hoá 432 DN; bán, giao, giải thể, phá sản 22 DN; sáp nhập, hợp nhất 25 DN), chưa kể số DNNN tiếp tục thực hiện rà soát theo tiêu chí, danh mục phân loại DNNN mới ban hành kèm theo Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ để bổ sung phương án sắp xếp, CPH giai đoạn tới. Tính đến hết năm 2014, cả nước đã sắp xếp được 167 DN, trong đó: cổ phần hoá 143 DN, chuyển 01 DN thành công ty TNHH hai thành viên trở lên, giải thể 3 DN, bán 3 DN, sáp nhập 14 DN và đề nghị phá sản 3 DN. Như vậy, tính đến 31/12/2014 cả nước còn phải thực hiện cổ phần hoá 289 DN.
Tính đến 31/7/2015, đã CPH được 79 DN. Trong 05 tháng còn lại cuối năm 2015, cả nước phải thực hiện cổ phần hoá 210 DN, trong đó 53 DN đã công bố giá trị, 122 DN đang thực hiện xác định giá trị DN, 35 DN đã thành lập Ban Chỉ đạo, đang tiến hành các bước tiếp theo để xác định giá trị DN. Qua công tác chỉ đạo, điều hành, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển DN 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần; Nghị định số 189/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần; Nghị quyết 15/NQ-CP ngày 6/3/2014 về một số giải pháp đẩy mạnh CPH, thoái vốn nhà nước tại DN; Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg ngày 15/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của DNNN; Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ quy định về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả các công ty nông, lâm nghiệp.
Tuy nhiên, trên thực tế tiến độ sắp xếp, tái cơ cấu và CPH DNNN vẫn còn chậm so với kế hoạch đề ra,có thể thấy các nguyên nhân sau:
Thứ nhất, tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và những khó khăn của kinh tế trong nước, ảnh hưởng đến thị trường tài chính, thị trường chứng khoán làm cho nhu cầu sụt giảm, do đó kế hoạch bán cổ phần ra công chúng của các DNCPH cũng như thoái vốn đầu tư ngoài ngành chưa đạt được kế hoạch đề ra, tỷ lệ bán thành công thấp, nhiều DN sau IPO vẫn còn số lượng vốn nhà nước lớn. -
Thứ hai, một số Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa chỉ đạo quyết liệt và tích cực tổ chức triển khai phương án sắp xếp, CPH và thoái vốn. - Thứ ba, nhận thức của một bộ phận cán bộ ở các cấp, các ngành và đặc biệt là lãnh đạo DN về chủ trương tái cơ cấu DN tuy đã có chuyển biến nhưng chưa hiểu đúng ý nghĩa quan trọng của việc tái cơ cấu DN đối với phát triển kinh tế - xã hội, còn tư tưởng e ngại, lo lắng về vị trí và vai trò lãnh đạo sau CPH.
Cuối cùng đó là đối tượng sắp xếp, CPH hiện nay hầu hết là các DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý. Mặt khác, việc thực hiện CPH, tái cơ cấu và thoái vốn nhà nước đối với các DN có quy mô vốn lớn cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cần nhiều thời gian để chuẩn bị.
Các giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc trong quá trình tái cơ cấu, CPH DNNN đã được Chính phủ thảo luận tại kỳ họp tháng 5/2015 vừa qua đã được nêu tại Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 01/6/2015 với 9 nhóm nội dung, trong đó có những quy định mới như cơ chế bán cổ phần theo lô nhằm thu hút được các nhà đầu tư có tiềm năng về vốn, về quản trị DN, về công nghệ hay cơ chế bán cổ phần cho người lao động tại các DNNN chưa thể IPO ngay để chuyển sang công ty cổ phần đại chúng nhằm thực hiện chuyển DNNN sang công ty cổ phần, sau đó IPO.
Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Tài chính đã hoàn tất và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định bán cổ phần theo lô; ban hành Nghị định về những nội dung còn lại. Mặt khác, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành: Nghị định số 60/2015/NĐ-CP ngày 26/6/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, trong đó đã mở “room” cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia giao dịch trên thị trường chứng khoán; Quyết định số 22/2015QĐ-TTg ngày 22/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập sang hoạt động theo công ty cổ phần.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ chủ động rà soát, tổng hợp các vướng mắc, khó khăn để xử lý ngay theo thẩm quyền, hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Một số biện pháp để thúc đẩy thoái vốn, tái cơ cấu theo lộ trình đã đề ra cần được các Bộ, ngành và DN thực hiện quyết liệt đó là: - Chỉ đạo sát sao tiến độ hoàn thành CPH các DN còn lại theo kế hoạch đã đề ra trong năm 2015. Các Bộ, ngành và địa phương cần công khai danh sách và tiến độ CPH các DN, đồng thời đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra để kịp thời xử lý các vấn đề vướng mắc phát sinh tại DN. - Tiếp tục đẩy mạnh việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành chặt chẽ, có hiệu quả.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Thủ trưởng các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, phân loại danh mục đầu tư ngoài ngành, đưa ra nguyên nhân và kế hoạch thoái vốn cụ thể, trong đó kiên quyết thoái vốn các danh mục đầu tư không hiệu quả, thua lỗ; công khai danh sách các DN cố tình chậm thoái vốn theo kế hoạch, kiểm điểm trách nhiệm của Ban lãnh đạo các DN này. - Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN.