Quảng Ninh:

Nhiều doanh nghiệp thành công nhờ được hỗ trợ nâng cao năng suất chất lượng

Hiền Nguyễn

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí về nhân lực, thời gian, đạt hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Giai đoạn đến năm 2030, số doanh nghiệp được hỗ trợ các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng hàng năm tăng từ 10 - 15%.
Giai đoạn đến năm 2030, số doanh nghiệp được hỗ trợ các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng hàng năm tăng từ 10 - 15%.

Để doanh nghiệp tồn tại và phát triển lâu dài, việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng sức cạnh tranh trên thị trường là yếu tố then chốt.

Trong đó, để doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, các công cụ cải tiến năng suất, hệ thống quản lý chất lượng… là giải pháp quan trọng được nhiều doanh nghiệp trên thế giới lựa chọn.

Xác định tầm quan trọng của việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh đã tham mưu, đề xuất triển khai thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng và sản phẩm hàng hóa.

Trước đó, trong các năm 2020-2021, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh cũng đã tham mưu, đề xuất triển khai thực hiện “Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng và sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”.

Trong đó, năm 2021, căn cứ vào kinh nghiệm và thực tế của 30 mô hình điểm giai đoạn (2015-2020), Quảng Ninh đã tập trung hỗ trợ 10 doanh nghiệp giải pháp kết hợp các hệ thống quản lý, các công cụ cải tiến năng suất chất lượng, các giải pháp số hoá, chuyển đổi số trong quản trị doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp này thuộc các nhóm lĩnh vực chính gồm: Nhóm doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất cơ khí, chế tạo, vật liệu xây dựng; Nhóm doanh nghiệp lĩnh vực nuôi trồng nông, lâm, thủy sản và chế biến; Nhóm doanh nghiệp dịch vụ; Nhóm doanh nghiệp Xuất nhập khẩu.

Công ty TNHH Nuôi trồng sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc ở phường Cẩm Phú, TP. Cẩm Phả đã nỗ lực triển khai và được trao Chứng nhận hoàn thành 2 hệ thống và 1 công cụ 5S có kết quả phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn.

Theo chia sẻ của lãnh đạo Công ty TNHH dược liệu Đông Bắc, việc xây dựng thành công 2 hệ thống và 1 công cụ 5S gồm Hệ thống ISO 22000: 2018 (Hệ thống quản lý tốt an toàn vệ sinh thực phẩm) và ISO 9001: 2015 (Tiêu chuẩn về hệ thống quản lý chất lượng) đã giúp hoạt động dịch vụ trồng trọt, sau thu hoạch, chế biến dược liệu của Công ty mang lại hiệu quả rõ rệt hơn.

Do đó, năm 2022, Công ty đã đăng ký tham dự Giải thưởng chất lượng quốc gia nhằm tìm ra lợi thế để tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Được biết, việc xây dựng, áp dụng thành công các hệ thống quản lý chất lượng đã giúp hoạt động dịch vụ, trồng trọt, sau thu hoạch, chế biến dược liệu của Công ty mang lại hiệu quả rõ rệt hơn. Nhiều sản phẩm của Công ty là sản phẩm OCOP và được xếp hạng 3, 4 sao.

Các sản phẩm của doanh nghiệp như trà giảo cổ lam, trà bổ gan, giải độc gan, trà tiểu đường, trà vằng, viên tiểu đường, viên chè vằng, viên giải rượu, giải độc gan... đều đang là những sản phẩm có uy tín, tên tuổi trên thị trường.

Tại Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thuỷ sản Quảng Ninh (BAVABI), Công ty đã có sự thay đổi mạnh mẽ từ khi đưa được quy trình IS0 vào hoạt động, đã giúp chuẩn hoá các hoạt động trong sản xuất, kinh doanh; cán bộ, nhân viên thực hiện công việc khoa học và bài bản, hiệu quả hơn. Qua đó giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đồng thời giảm chi phí nhưng vẫn mang lại lợi nhuận cao hơn trước.

Trong năm 2022, thực hiện Kế hoạch số 243 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá trên địa bàn tỉnh năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ninh tham mưu và nghiên cứu thực tế, đánh giá thực trạng làm cơ sở giúp các doanh nghiệp mới tiếp cận với các tiêu chuẩn quốc tế, các công cụ nâng cao năng suất chất lượng thông qua việc thực hiện 11 mô hình điểm năng cao năng suất chất lượng.

Theo đó, Tỉnh tập trung vào hỗ trợ khối nhóm doanh nghiệp chế biến chế tạo; các bệnh viện và các doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Việc hỗ trợ tập trung vào các nội dung chính như: đào tạo chuyên gia; hỗ trợ bằng các công cụ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Trong đó, tập trung vào các giải pháp để tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu khí thải và nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá.

Một số doanh nghiệp nổi bật đã được khảo sát điều kiện để tư vấn, hỗ trợ xây dựng mô hình điểm như CTCP Chế tạo máy (Vinacomin), CTCP Gạch ngói Đất Việt, CTCP giống cây trồng Quảng Ninh; CTCP Công nghiệp ô tô (VMIC)...

Qua khảo sát tại CTCP Chế tạo máy (Vinacomin) cho thấy, từ năm 2004 Công ty đã xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000, hiện nay theo phiên bản mới nhất ISO 9001:2015. Nhờ đó, nhiều sản phẩm của Công ty đã đạt giải chất lượng trong nước và quốc tế.

Được biết, trong giai đoạn 2021-2025, mục tiêu của Tỉnh là nâng cao nhận thức, tăng cường kiến thức về năng suất chất lượng trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc CMCN 4.0 cho các doanh nghiệp; Đào tạo nguồn nhân lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng gắn với những đòi hỏi mới của cuộc CMCN 4.0; có ít nhất 10 doanh nghiệp đã xây dựng mô hình điểm để chia sẻ, nhân rộng; xây dựng, hoàn thiện Bộ tiêu chí đánh giá chỉ số TFP của tỉnh và của các doanh nghiệp để có các giải pháp nâng cao chỉ số TFP của Tỉnh.

Giai đoạn đến năm 2030, số doanh nghiệp được hỗ trợ các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng hàng năm tăng từ 10 - 15%; có ít nhất 20 doanh nghiệp được hướng dẫn áp dụng đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng, trở thành mô hình điểm để chia sẻ, nhân rộng trên toàn quốc.