Cục Thuế Phú Thọ:

Nhiều giải pháp phòng chống gia lận hóa đơn điện tử

Thùy Linh

Thời gian qua, Cục Thuế Phú Thọ đã thực hiện nhiều giải pháp về phân tích dữ liệu hóa đơn điện tử, phát hiện rủi ro, phòng chống gian lận về hóa đơn điện tử.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Rà soát DN có khả năng rủi ro về hóa đơn

Để kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm về hóa đơn, gian lận trốn thuế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý hóa đơn điện tử, Cục Thuế Phú Thọ đã thực hiện việc rà soát doanh nghiệp (DN) có khả năng rủi ro về hóa đơn.

Cụ thể, Cục Thuế định kỳ thực hiện rà soát các DN có dấu hiệu bất thường trong việc xuất hóa đơn để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật và các quy trình quản lý thuế. Trong đó, tập trung vào các DN có dấu hiệu như: thay đổi người đại diện trước pháp luật đồng thời chuyển địa điểm kinh doanh; thành lập nhiều năm nhưng không phát sinh doanh thu; không liên hệ được với giám đốc DN theo số điện thoại đã đăng ký thuế; không có giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản nhưng xuất hóa đơn tài nguyên, khoáng sản; có hộ khẩu thường trú ở các tỉnh khác (địa chỉ là thuê nhà của người dân để làm trụ sở). Qua tra cứu thông tin cá nhân chủ DN đã có lịch sử thành lập nhiều DN ở địa bàn các tỉnh, thành, trong đó nhiều DN đã bỏ địa chỉ kinh doanh doanh.

Ngoài ra, Cục Thuế Phú Thọ cho biết đã tập trung rà soát các DN có hoạt động kinh doanh thương mại (cát, sỏi, nông lâm sản...) thực hiện đăng ký kinh doanh có trụ sở chính của Công ty trên địa bàn trong tỉnh (không có chi nhánh, địa điểm kinh doanh,..ở địa bàn ngoài tỉnh), nhưng phát sinh hoạt động mua vào, bán ra diễn ra ở địa bàn tỉnh ngoài (cơ bản trong tỉnh không phát sinh hoạt động mua bán hàng hóa), doanh thu phát sinh lớn nhưng số thuế nộp thấp, tài sản cố định cơ bản không có, mở tài khoản ở tỉnh ngoài để giao dịch trong khi tài khoản mở tại trụ sở chính trong tỉnh cơ bản là không phát sinh giao dịch.

Những DN mới thành lập nhưng phát sinh hàng hóa, dịch vụ mua vào bán ra với số lượng lớn trong thời gian ngắn, mặt hàng bán ra rất đa dạng, trong đó nhiều mặt hàng có rủi ro cao như: than, cát, đất san lấp; DN có số lượng hóa đơn hủy, thay thế, điều chỉnh hoặc xóa bỏ lớn, từ đó yêu cầu người nộp thuế (NNT) cung cấp tài liệu, hồ sơ giải trình, hoặc tiến hành xác minh trực tiếp địa điểm hoạt động của NNT… cũng sẽ là đối tượng được Cục Thuế nhắm đến để tập trug rà soát.

Phân tích dữ liệu hóa đơn điện tử của NNT

Song song với việc rà soát DN, thời gian qua, Cục Thuế Phú Thọ cũng tập trung phân tích dữ liệu hóa đơn điện tử của NNT (NNT). Theo đó, để kịp thời hỗ trợ công chức thuế trong việc so sánh chênh lệch giữa tờ khai và hóa đơn, đầu năm 2023, Cục Thuế đã chủ động xây dựng công cụ hỗ trợ kết xuất danh sách chênh lệch giữa tờ khai và hóa đơn, tháng 3/2023 đã thực hiện kết xuất dữ liệu hóa đơn và tờ khai năm 2022 để đưa vào ứng dụng. Sau khi có dữ liệu chênh lệch sẽ giao cho từng công chức quản lý để kiểm tra, rà soát, trường hợp có rủi ro cao thì yêu cầu NNT giải trình, bổ sung. Kết quả ứng dụng đã đưa ra 10.387 trường hợp NNT có chênh lệch số thuế đầu ra giữa tờ khai và hóa đơn.

Bên cạnh đó, Cục Thuế đã tiếp nhận dữ liệu chênh lệch giữa tờ khai thuế giá trị gia tăng với hóa đơn của các kỳ kê khai tháng 1, 2 và tháng 3/2022 và quý I/2022; thực hiện kết xuất danh sách chênh lệch giữa doanh thu, số thuế trên tờ khai với hóa đơn trên ứng dụng đối chiếu hóa đơn đối với hóa đơn của các kỳ kê khai từ tháng 4/2022 đến tháng 10/2023 (NNT kê khai theo tháng) và quý II/2022 đến quý II/2023 (NNT kê khai tháng quý).

Ngay sau khi có danh sách chênh lệch, Cục Thuế đã chủ động giao nhiệm vụ rà soát, kiểm tra hóa đơn, kiểm tra tờ khai thuế giá trị gia tăng đến từng công chức, đội quản lý NNT để thực hiện: rà soát thông tin thực tế của NNT (tình trạng NNT, lý do kê khai thiếu, số thuế đã kê khai điều chỉnh, bổ sung) để thông báo giải trình, đôn đốc NNT kê khai bổ sung, tính đúng, tính đủ số thuế phải nộp; Trên cơ sở kết quả rà soát để thực hiện kế hoạch kiểm tra, thanh tra theo chuyên đề hoặc bổ sung kế hoạch kiểm tra, thanh tra tại trụ sở NNT hàng năm.

Trường hợp qua thanh tra, kiểm tra, xác minh có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Cục Thuế Phú Thọ sẽ thực hiện thu thập tài liệu, củng cố đầy dủ hồ sơ pháp lý liên quan, xác định thêm các dấu hiệu rủi ro (nếu có) và đối chiếu với các quy định của pháp luật để chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng có liên quan để xử lý theo quy định.

Đối với việc triển khai ứng dụng Quản lý rủi ro hóa đơn, ngay sau khi ứng dụng phân tích dữ liệu hóa đơn và đưa ra danh sách NNT có rủi ro về hóa đơn. Cục Thuế đã chủ động tra cứu kết quả NNT có rủi ro cao về hóa đơn, thực hiện lập danh sách và gửi cho các bộ phận thực hiện rà soát theo đúng quy định tại Quy trình áp dụng quản lý rủi ro đánh giá, xác định NNT có dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn theo Quyết định số 575/QĐ-TCT ngày 10/5/2023 của Tổng cục Thuế.