Nhiều lợi ích từ vận hành Sàn giao dịch tín chỉ các - bon

PV. (t/h)

Theo ông Dương Đức Quang - Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, việc hình thành và vận hành Sàn giao dịch tín chỉ các - bon sẽ mang lại nhiều lợi ích. Dự kiến, Việt Nam sẽ sớm triển khai giao dịch các sản phẩm tín chỉ các - bon liên thông với các sở giao dịch lớn trên thế giới ngay trong quý IV/2023.

Tín chỉ các-bon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí CO2 hoặc một tấn khí CO2 tương đương.
Tín chỉ các-bon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí CO2 hoặc một tấn khí CO2 tương đương.

Tổng quan về tín chỉ các-bon và sàn giao dịch tín chỉ các-bon

Theo Ủy ban châu Âu (2023), tín chỉ các-bon là giấy phép được cấp và xác nhận bởi cơ quan có thẩm quyền (có thể là cơ quan chính phủ hoặc tổ chức quốc tế) cho một tổ chức hoặc dự án vì đã giảm hoặc tránh phát thải một lượng khí carbon dioxide (CO2) tương đương. Đơn vị của tín chỉ các-bon là tấn CO2.

Tín chỉ các-bon có thể được bù trừ với hạn ngạch phát thải thông qua cơ chế bù trừ các-bon. Theo Ủy ban châu Âu (2023), bù trừ các-bon là một kỹ thuật hoặc bút toán đại diện cho việc một hạn ngạch phát thải được bù trừ bởi một tín chỉ các-bon trong trường hợp tín chỉ các-bon được mua để bù đắp cho lượng phát thải thực vượt quá hạn ngạch phát thải được cấp.

Tại Việt Nam, theo Điều 3, Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17/11/2020, tín chỉ các-bon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí CO2 hoặc một tấn khí CO2 tương đương.

Theo Điều 3, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn thì sàn giao dịch tín chỉ các-bon là trung tâm xử lý các giao dịch về mua, bán tín chỉ các-bon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính và đấu giá, vay mượn, nộp trả, chuyển giao hạn ngạch phát thải khí nhà kính.

Tại Việt Nam, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam là đơn vị tổ chức thị trường giao dịch hàng hóa phái sinh cấp quốc gia duy nhất hiện nay tại Việt Nam được Bộ Công Thương cấp phép. Đây cũng là đơn vị được giao tổ chức sàn giao dịch tín chỉ các - bon .

Theo ông Dương Đức Quang - Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, hiện nay, Sở đã liên thông hầu hết các Sở giao dịch hàng hóa lớn trên thế giới như: Sở Giao dịch Kim loại London - London Metal Exchange (LME); Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago - CME Group (bao gồm các Sàn giao dịch CBOT, CME, COMEX, NYMEX); Sở Giao dịch liên lục địa - ICE (bao gồm các sàn giao dịch ICE US, ICE EU, ICE Singapore); Sở Giao dịch Hàng hóa Osaka Exchange - OSE; Sở Giao dịch Hàng hóa Singapore - SGX; Sở Giao dịch Phái sinh Bursa Malaysia Derivatives.

Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam hiện đang niêm yết giao dịch liên thông 42 sản phẩm, hàng hóa trên các Sở giao dịch nước ngoài thuộc 4 nhóm bao gồm: Nông sản; Nguyên liệu công nghiệp; Kim loại; Năng lượng, đã đáp ứng được đầy đủ mọi nhu cầu của thị trường.

Theo ông Dương Đức Quang, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam hiện đang nghiên cứu và sẽ sớm triển khai giao dịch các sản phẩm tín chỉ các - bon liên thông với các sở giao dịch lớn trên thế giới ngay trong quý IV/2023. Đây sẽ là bước lấy đà rất quan trọng, trong quá trình phát triển thị trường giao dịch tín chỉ các - bon tại Việt Nam trong tương lai.

Doanh nghiệp được hưởng lợi như thế nào?

Theo Phó Tổng Giám đốc Dương Đức Quang, khi hình thành Sàn giao dịch tín chỉ các - bon sẽ mang lại các lợi ích. Trước tiên, sàn giao dịch giúp kết nối những người mua, người bán trên thị trường với nhau. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sẽ không còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác, từ đó tối đa hoá các giao dịch trên thị trường.

Đồng thời, sàn giao dịch cũng sẽ tăng tính minh bạch của thị trường trong việc định giá các - bon. Khi tất cả người mua, người bán đều giao dịch trên thị trường tập trung, giá cả sẽ phản ánh chính xác cung-cầu của thị trường và được công khai, minh bạch. Nhờ đó, bảo đảm lợi ích của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong giao dịch được mua ở mức giá tối ưu, hiệu quả nhất.

Ngoài ra khi tham gia trên sàn giao dịch, các doanh nghiệp sẽ tăng được vị thế và tính cạnh tranh, có thêm nguồn lợi nhuận, thúc đẩy phát triển các công nghệ ít phát thải các - bon , hướng đến sản xuất bền vững, hiệu quả gắn với lợi ích xã hội.

Cũng theo ông Dương Đức Quang, về mặt vĩ mô, việc vận hành sàn giao dịch tín chỉ các - bon làm tăng tính minh bạch của thị trường các - bon , giá cả phản ánh chính xác cung cầu của thị trường là một công cụ, tín hiệu để điều tiết, định hướng, khuyến khích các doanh nghiệp phát thải nhiều phải đổi mới công nghệ, sử dụng năng lượng tái tạo để giảm phát thải khí nhà kính.

Việc dễ dàng mua bán các tín chỉ các - bon trên sàn giúp các doanh nghiệp có thêm lợi nhuận, khuyến khích các doanh nghiệp phát thải ít và không ngừng đổi mới công nghệ hơn nữa. Từ đó, hướng đến nền kinh tế xanh, đạt được các mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính.

Đồng thời, sàn giao dịch tín chỉ các - bon tập trung cũng sẽ giúp các cơ quan chức năng kiểm soát, quản lý tốt được các giao dịch mua bán tín chỉ các - bon , từ đó làm cơ sở cho việc hoạch định các chính sách, quản lý, đề ra các mục tiêu, kế hoạch về triển khai các dự án giảm phát thải khí nhà kính.