Nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến tăng trưởng xanh của Việt Nam
Dòng vốn FDI vào Việt Nam có nhiều tín hiệu tích cực cho thấy các nhà đầu tư tiếp tục tin tưởng vào khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 5 tháng đầu năm, có 1.227 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào Việt Nam (tăng 27,5% so với cùng kỳ năm ngoái) với tổng vốn đăng ký đạt gần 7,94 tỷ USD (tăng 50,8% so với cùng kỳ 2023). Ngoài ra, vốn thực hiện của dự án FDI đạt khoảng 8,25 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Việc dự án FDI đăng ký mới tăng mạnh cả về số lượng lẫn số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023 cho thấy môi trường đầu tư Việt Nam tiếp tục tạo sức hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Còn trong báo cáo mới nhất được công bố, ngân hàng UOB nhận định, dòng vốn FDI tích cực cho thấy các nhà đầu tư tiếp tục tin tưởng vào khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
Ngoài những nhận định trên, ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế trong thu hút FDI như tăng trưởng GDP nhanh và bền vững; chi phí đầu tư cạnh tranh; chính sách thu hút FDI cởi mở, thông thoáng và thuận lợi… Đặc biệt, nằm ở vị trí trung tâm của khu vực châu Á, Việt Nam là thị trường nối kết giữa thị trường Trung Quốc với thị trường ASEAN, Ấn Độ.
Việt Nam cũng là thành viên của 19 hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Trong khi đó, thị trường trong nước với 100 triệu dân và thu nhập trung bình ngày càng tăng lên tạo ra nhiều tiềm năng và sức hấp dẫn. Đây là những yếu tố đảm bảo tính liên tục cho mỗi quan hệ thương mại năng động giữa Việt Nam với nhiều thị trường quan trọng trên thế giới.
Không chỉ các nhà đầu tư châu Á mà các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến từ châu Âu, Mỹ… ngày càng quan tâm đến thị trường Việt Nam. Trong đó, nhiều tập đoàn hàng đầu châu Âu đang rất quan tâm đến Chiến lược tăng trưởng xanh cũng như cam kết của Việt Nam trong việc đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Theo khảo sát của EuroCham, nhiều doanh nghiệp châu Âu có kế hoạch đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.
Ngoài ra, với nền kinh tế số có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á và có tiềm năng trở thành nền kinh tế số có quy mô lớn thứ 2 vào năm 2030, Việt Nam cũng được nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu quan tâm, tìm hiểu các cơ hội đầu tư.
Những lĩnh vực trên cũng nằm trong danh mục những dự án được định hướng thu hút FDI vào Việt Nam trong giai đoạn tới. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, thu hút FDI vào Việt Nam hướng đến các dự án chất lượng cao, chú trọng đến yếu tố môi trường và công nghệ, có giá trị tăng cao. Đó là các dự án thuộc lĩnh vực điện tử và bán dẫn, về năng lượng tái tạo, đổi mới sáng tạo và nghiên cứu phát triển (R&D); kinh tế số, dự án nông nghiệp công nghệ cao.
Đặc biệt, khuyến khích các dự án có sự liên kết với doanh nghiệp trong nước, tạo sức lan toả nhằm thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Để hiện thực hoá mục tiêu trên, Việt Nam sẽ tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện hiệu quả 3 trụ cột về thu hút FDI liên quan đến cải cách thể chế, đào tạo nguồn nhân lực và hoàn thiện hạ tầng.