Nhiều ông lớn ồ ạt nhảy vào hàng không
Đằng sau sự bùng nổ của ngành hàng không là điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng và nhân lực.
Đến thời điểm này đã có sáu hãng hàng không Việt Nam cất cánh và hiện có bốn hãng hàng không đang xếp hàng xin giấy phép bay. Việc một loạt đại gia tham gia thị trường hàng không khiến cho cả bầu trời lẫn mặt đất trở nên đông đúc và chen chúc.
Thêm nhiều gương mặt mới
Công ty cổ phần Hàng không Vinpearl Air thuộc Tập đoàn Vingroup mới đây thông báo đã đăng ký thành lập doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không và mở học viện đào tạo hàng không. Trước Vinpearl Air, VN đã có năm hãng hàng không gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, VietJet Air, Bamboo Airways và Vasco.
Ngoài ra, Công ty cổ phần Hàng không Thiên Minh cũng đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng và đang xếp hàng chờ cấp phép bay. Tương tự, Vietravel Airlines, Vietstar… cũng đang chờ được cấp phép bay.
Đây là những tên tuổi hoàn toàn có khả năng tạo sự bùng nổ cạnh tranh cho ngành hàng không Việt Nam. Ví dụ, Thiên Minh là tên tuổi có kinh nghiệm hoạt động trong ngành này với các máy bay loại nhỏ. Vietravel Airlines có lợi thế về khách du lịch đến từ Công ty Du lịch Vietravel, thường thuê cả chuyến bay cho khách đoàn trên các tuyến du lịch trong và ngoài nước.
Sức hấp dẫn của thị trường hàng không là nguyên nhân chính thúc đẩy bùng nổ các hãng hàng không mới gia nhập thị trường. Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), trong một thập niên qua, VN là thị trường hàng không phát triển nhất thế giới với sự tăng trưởng doanh thu bình quân đạt 17,4%, cao hơn hai lần so với khu vực châu Á là 7,9%.
Nếu xét về kinh doanh thì các hãng hàng không cũng đang ăn nên làm ra. Chẳng hạn trong giai đoạn 2016-2018, Vietnam Airlines có doanh thu và lợi nhuận tăng theo từng năm. Tính riêng năm 2018, Vietnam Airlines có doanh thu đạt gần 97.000 tỷ đồng, lãi ròng là hơn 2.300 tỷ đồng. Dù doanh thu chỉ đạt bằng một nửa Vietnam Airlines nhưng lãi ròng của VietJet Air không thua kém, thậm chí cao gấp đôi, như năm 2018 là hơn 5.300 tỷ đồng.
Theo giới phân tích, nhìn về cung cầu, thị trường hàng không còn nhiều dư địa phát triển, đầy tiềm năng trong tương lai bởi mức thu nhập người dân tăng lên, cơ cấu dân số vàng với tỉ trọng tầng lớp trung lưu tăng lên, đặc biệt tỉ lệ hành khách nội địa trên tổng dân số vẫn ở mức thấp.
Do đó, việc xuất hiện ngày càng nhiều các hãng hàng không giúp đáp ứng nhu cầu đi lại, đặc biệt các hãng hàng không giá rẻ ra đời đưa ra mức giá hợp lý sẽ kích thích nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không.
Chen chúc nhau trên mặt đất lẫn bầu trời
Sự bùng nổ của ngành hàng không là tín hiệu đáng mừng khi đem lại nhiều sự lựa chọn cho khách hàng. Tuy vậy, việc bùng nổ hàng không cũng đem đến nhiều hệ lụy khi hạ tầng và nhân lực không theo kịp tốc độ tăng trưởng. Chính vì vậy chất lượng dịch vụ đang có vấn đề.
Chị Hoàng Oanh, phó giám đốc một công ty tư nhân tại TP. Hồ Chí Minh, than phiền đi máy bay giờ như một cực hình. Chẳng hạn, bay chặng TP. Hồ Chí Minh-Nha Trang không đầy 30 phút nhưng mất thời gian rất lâu để làm thủ tục, kiểm tra an ninh rồi chậm chuyến, hủy chuyến… Đó là chưa kể khi leo lên ngồi máy bay còn phải chờ đường lăn đến khi cất cánh mất cả 30 phút. “Thị trường hàng không đang phát triển rất nóng nhưng hạ tầng cơ sở vật chất lại thiếu thốn, chắp vá dẫn đến tình trạng quá tải, chậm/hủy chuyến là điều tất yếu” - chị Oanh bình luận.
Những trải nghiệm của chị Oanh được xem là điều hiển nhiên của những người chọn máy bay là phương tiện di chuyển bởi tình trạng quá tải trầm trọng tại sân bay. Điển hình dễ thấy nhất là sân bay Tân Sơn Nhất luôn quá tải lượt hành khách lẫn máy bay. Hàng dài người nối nhau xếp hàng tại cửa an ninh thường mất gần 20-30 phút mới hoàn tất việc kiểm tra và máy bay chờ đường lăn, cất hạ cánh cả nửa tiếng không còn là chuyện hiếm.
Không chỉ quá tải về hạ tầng, việc ra đời nhiều hãng hàng không và sự gia tăng nhanh chóng số lượng máy bay còn dẫn đến việc thiếu hụt phi công, kỹ thuật viên... một cách nghiêm trọng. Mỗi khi có hãng hàng không mới ra đời hay ký hợp đồng mua thêm máy bay thì lại xảy ra “cuộc chiến” giành giật nhân lực hàng không, gây ra tình trạng căng thẳng giữa các hãng bay với nhau.
Hãng hàng không lớn nhất Việt Nam là Vietnam Airlines đã nhiều lần than phiền về tình trạng phi công nghỉ việc để sang hãng khác làm trong khi chi phí đào tạo một phi công không hề nhỏ. Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành từng đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có những quy định để ngăn chặn tình trạng “săn” phi công của nhau.
TS. Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam, nhìn nhận việc tăng trưởng quá nóng của ngành hàng không Việt Nam đã bộc lộ nhiều vấn đề cần giải quyết ngay. Đó là quá tải cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực đang bị tắc nghẽn cổ chai cho các hãng hàng không nội địa.
“Sự thiếu hụt nhân lực không chỉ mỗi phi công mà còn cả nhân lực giám sát chuyến bay, quản lý không lưu và kỹ sư máy bay mà nguyên nhân chủ yếu là đào tạo không theo kịp nhu cầu” - ông Châu nói.
Để giải quyết bài toán này, cách tiếp cận thị trường hàng không của Vinpearl Air được xem là khá hợp lý khi chọn hợp tác với Học viện hàng không CAE Oxford của Canada để mở trường đào tạo phi công. Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch của Vingroup, cho biết sự khan hiếm phi công đang xảy ra không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Do vậy, Vinpearl Air sẽ tập trung vào việc đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.
Có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh
Kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ vào giữa tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá ngành hàng không đã khởi sắc với việc ra đời các hãng hàng không mới. Qua đó đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân, tạo sự cạnh tranh có lợi cho khách hàng.
Tuy nhiên, Thủ tướng nhận định vẫn có một số bất cập nảy sinh có nguy cơ uy hiếp an ninh, an toàn hàng không. Đồng thời, chất lượng dịch vụ chưa bảo đảm (tình trạng chậm, hủy chuyến còn nhiều…), bắt đầu có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh.
Còn theo Cục Hàng không Việt Nam, sáu tháng đầu năm nay, các hãng hàng không VN thực hiện hơn 153.000 chuyến bay, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, số chuyến bay cất cánh đúng giờ là 130.000 chuyến, chiếm tỉ lệ 84,8%, tỉ lệ chuyến bay đúng giờ giảm 1,3 điểm so với cùng kỳ năm 2018. Số chuyến bay hủy là 274 chuyến và chậm chuyến lên con số là 23.351.