Nhiều thuận lợi trong vay vốn chính sách

Theo Nguyễn Lương/Báo Đắk Nông

Để tạo thuận lợi cho người dân vay vốn sản xuất, việc nâng cao hiệu quả hoạt động điểm giao dịch xã luôn được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện Cư Jút chú trọng. Thông qua các điểm giao dịch xã, người dân tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí trong quá trình vay vốn.

Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Cư Jút giao dịch với người dân xã Tâm Thắng. Ảnh: Nguyễn Lương
Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Cư Jút giao dịch với người dân xã Tâm Thắng. Ảnh: Nguyễn Lương

Nhiều thuận lợi

Hàng tháng, cứ đến ngày 8, ông Nguyễn Văn Hưởng - Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn 3, xã Tâm Thắng có lịch giao dịch với phòng giao dịch NHCSXH huyện Cư Jút.

Tại đây, ông hướng dẫn các thành viên nhận vốn vay do ngân hàng giải ngân. Số tiền lãi, tiền gửi tiết kiệm của các thành viên trong tổ cũng được ông Hưởng gói gém cẩn thận rồi nộp cho ngân hàng.

“Đi xe máy từ nhà đến điểm giao dịch xã tầm 10 phút đồng hồ. Việc giao dịch với NHCSXH khá thuận tiện, không mất nhiều thời gian”, ông Hưởng cho biết.

Cũng theo ông Hưởng, ngoài nộp gốc, lãi, tiền gửi tiết kiệm cho các tổ viên, ông còn mạnh dạn phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình làm nhiệm vụ tại cơ sở.

Hầu hết những phản ánh này, về phía ngân hàng đều có cách giải quyết thấu tình, đạt lý. Nhờ đó, ông gặp khá nhiều thuận lợi trong việc thu lãi, nợ gốc từ các hộ vay.

Là người dân được vay vốn từ NHCSXH để phục vụ sản xuất, bà Lê Thị Luyến, cho hay: “Mọi hồ sơ, thủ tục vay vốn đều được Ban Quản lý Tổ TK&VV hướng dẫn. Đến ngày giao dịch, gia đình tôi được thông báo đến điểm giao dịch để nhận tiền vay”.

Theo bà Luyến, tất cả mọi hồ sơ, thủ tục đều rất đơn giản. Người dân không cần phải thế chấp, công chứng gì. Hơn thế, thời gian, địa điểm giao dịch nằm ngay tại xã, nên rất thuận tiện, giúp người dân nghèo tiết kiệm được rất nhiều chi phí.

Từng bước nâng cao chất lượng

Toàn huyện Cư Jút có 8 điểm giao dịch tại 8 xã, thị trấn. Thời gian qua, bằng nhiều giải pháp khác nhau, hoạt động các điểm giao dịch xã ngày càng được nâng cao, tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình vay vốn.

Theo ông Phạm Xuân Thành - Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cư Jút, bình quân mỗi tháng, tổ giao dịch lưu động tại các điểm xã, thị trấn luôn nghiêm chỉnh chấp hành đúng thời gian giao dịch đã quy định.

Trường hợp ngày giao dịch trùng với ngày lễ hoặc thứ 7, chủ nhật, tổ giao dịch vẫn hoạt động bình thường. Điều này tạo tính định kỳ và không làm lỡ kế hoạch giải ngân của bà con.

Trước thời điểm giao dịch với người dân, tổ giao dịch cùng với chính quyền địa phương họp giao ban, với sự tham dự của lãnh đạo xã, thị trấn. Hoạt động này được ngân hàng duy trì từ lâu đến nay, nhằm tạo sự gắn kết giữa ngân hàng, chính quyền địa phương, đơn vị nhận uỷ thác.

Thông qua họp giao ban, Ban giảm nghèo, các tổ chức chính trị nhận uỷ thác, NHCSXH thường xuyên trao đổi, chia sẻ công việc với nhau. Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình vay vốn, thu hồi vốn vay tại các thôn, bon được các bên tham dự phản ánh kịp thời.

Tại các điểm giao dịch xã, thị trấn, hệ thống các tổ TK&VV có dịp trao đổi trực tiếp với cán bộ NHCSXH. Nhiều kinh nghiệm trong quá trình xử lý vướng mắc về sử dụng vốn vay, thu hồi lãi, nợ gốc… được đề xuất kịp thời. Từ đây, NHCSXH huyện từng bước nâng cao chất lượng tín dụng tại cơ sở.

“Các điểm giao dịch xã, thị trấn hoạt động hiệu quả đã tiết kiệm, thời gian, chi phí đi lại cho người dân. Quan trọng hơn, thông qua các điểm giao dịch xã, chúng tôi nắm bắt kịp thời những tồn tại ở cơ sở, từ đó, áp dụng nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực hơn”, ông Thành cho biết.