Nhiều tổ chức quốc tế lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam
2023 được đánh giá là một năm tiếp tục khó khăn với kinh tế thế giới. Dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm mạnh từ 6% năm 2021 xuống khoảng 2,2 - 2,7% năm 2023; nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu phải đối mặt với rủi ro suy thoái và lạm phát cao. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có khá nhiều dự báo khá lạc quan của các tổ chức kinh tế - tài chính quốc tế về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Năm 2023, Quốc hội Việt Nam đã đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế là 6,5%, thấp hơn kết quả ấn tượng của năm 2022 là 8,02%. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này khá sát với các dự báo của các tổ chức kinh tế tài chính quốc tế.
Cụ thể, trong Báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam 2023 vừa được Ngân hàng UOB cập nhật, ngân hàng này cho rằng, tăng trưởng GDP của Việt Nam ước đạt 6,6%, vẫn đạt mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,5%. UOB nhận định, đà tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022 cho thấy sự bền bỉ cùng với khả năng phục hồi của Việt Nam sau thời gian khá dài chịu tác động của đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, sự phục hồi mạnh mẽ của năm 2022 khó có thể bền vững và động lực tăng trưởng tổng thể sẽ suy giảm vào năm 2023 do việc thắt chặt chính sách tiền tệ từ các ngân hàng trung ương lớn ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu của các nước trên thế giới, đặc biệt là từ Mỹ và châu Âu (chiếm 41% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam).
Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây cũng dự báo quy mô GDP của Việt Nam trong năm 2023 sẽ đứng thứ ba trong khu vực ASEAN và thứ 35 trên toàn thế giới, tăng hai bậc so với năm 2022. IMF cũng từng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Việt Nam đạt 6,2%
Theo bà Kristalina Georgieva - Tổng giám đốc IMF, kinh tế Việt Nam vẫn là điểm sáng về tăng trưởng và ổn định tại khu vực, tăng trưởng cao, có nền kinh tế mở, năng động và sức chống chịu qua đại dịch COVID-19. Bà Kristalina Georgieva nhấn mạnh việc tiếp tục đẩy mạnh các cải cách cơ cấu kinh tế, chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh, sạch, bền vững, chú trọng năng lượng tái tạo và kinh tế số sẽ đem lại động lực mới cho kinh tế Việt Nam.
Báo cáo "Việt Nam – Tiếp tục mức tăng trưởng cao" của Standard Chartered dự kiến GDP Việt Nam năm 2023 với mức lạc quan hơn rất nhiều khi đưa ra mức tăng 7,2% và năm 2024 tăng 6,7%. Con số này cao hơn mức mà Quốc hội giao cho Chính phủ 0,7 điểm phần trăm.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia của Standard Chartered, cán cân thương mại có thể được cải thiện, xuất khẩu sẽ đối mặt với các thách thức toàn cầu còn nhập khẩu có nguy cơ giảm. Vốn FDI giải ngân tiếp tục tăng, nhưng triển vọng sẽ phụ thuộc vào nền kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, lạm phát được dự đoán sẽ tăng trong suốt cả năm 2023, đạt khoảng 6% vào những tháng cuối năm và trung bình 5,5% trong cả năm 2023 và 2024 (so với mức 3,2% năm 2022).
Bên cạnh đó, một số tổ chức tài chính cũng lạc quan về triển vọng tăng trưởng GDP trong năm 2023, cụ thể: Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo đạt 6,7%; Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo đạt 6,3%...
Đánh giá lạc quan về triển vọng của tăng trưởng kinh tế Việt Nam hiện nay được dựa trên các đánh giá tích cực trên các phương diện như: bối cảnh chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định; chính sách tài khóa linh hoạt; nợ công và lạm phạt được kiểm soát chặt chẽ; tín nhiệm quốc gia ngày càng tăng...