Nhóm ngành cổ phiếu tiềm năng trong tháng 3?

PV.

Trước tâm lý khá thận trọng của nhà đầu tư, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể tiếp tục trong thế giằng co, VN-Index dao động trong biên độ 1.450-1.535 điểm.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong Báo cáo thị trường tháng 3, Chứng khoán An Bình (ABS) đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam không nằm ngoài guồng quay của thị trường chứng khoán thế giới. Dù dự báo vẫn còn nhiều thách thức do áp lực từ lạm phát, giá một số mặt hàng tăng mạnh, chiến sự giữa Nga và Ukraine, ABS nhận định về triển vọng tích cực của một số nhóm ngành cổ phiếu trong tháng này.

Cụ thể, đối với nhóm ngành Ngân hàng, ABS đánh giá tích cực về triển vọng của nhóm này với những thông tin về việc tăng vốn, nới room ngoại, động thái chuyển sàn của một số ngân hàng... Đây sẽ là động lực giúp cổ phiếu ngân hàng bật tăng trở lại, tiếp tục dẫn dắt thị trường như lâu này vẫn được đánh giá là "cổ phiếu vua". Bên cạnh đó, tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận của lĩnh vực ngân hàng cũng sẽ tích cực nhờ vào sự hồi phục kinh tế cùng gói kích thích của Chính phủ.

Tuy nhiên, áp lực cải thiện NIM đang dần đè nặng và áp lực nợ xấu của ngân hàng có nguy cơ gia tăng và sẽ dần lộ rõ bản chất khi TT (01, 03 và 14) về cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ hết hiệu lực có thể là thách thức cho nhóm ngân hàng. Thực tế cho thấy, trong năm 2021 cho thấy nợ xấu của các ngân hàng có xu hướng gia tăng rõ rệt tại một số ngân hàng, ví dụ như VPBank (tăng 60%), Vietinbank (49%), VIB (58%), HDB (43%)... Bình quân số dư nợ xấu 28 ngân hàng thương mại niêm yết và Agribank tăng 17,3% so với năm 2020.

Đối với nhóm Chứng khoán, ABS cho rằng đây sẽ là nhóm ngành hưởng lợi lớn từ bùng nổ thanh khoản. Đây vẫn là kênh đầu tư tiềm năng bởi lợi suất trái phiếu ước tính chỉ 2%/năm, còn cổ phiếu đến 6%/năm. Theo ABS, thị trường trái phiếu và cổ phiếu là "bình thông nhau" nên nếu không điều chỉnh gì thì cổ phiếu vẫn thu hút nhà đầu tư rót vốn. Ngoài ra, áp lực rút vốn khối ngoại không còn nhiều và sự chuyển dịch dòng tiền sang thị trường mới nổi và thị trường cận biên có thể xảy ra do tương quan hấp dẫn giữa tăng trưởng và định giá hợp lý.

Bên cạnh đó, hệ thống giao dịch chứng khoán mới (KRX) dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2022 sẽ góp phần giải quyết điểm nghẽn về tỷ lệ ký quỹ giao dịch bằng tiền mặt, từ đó có thể thúc đẩy dòng vốn nước ngoài trở lại Việt Nam.

Tuy nhiên, thách thức đối với ngành Chứng khoán trong năm 2022 là thanh khoản có khả năng chậm lại hoặc không tăng trưởng thêm, gây áp lực lên doanh thu mảng môi giới của các công ty chứng khoán. Hoạt động tự doanh vốn dĩ là mảng mang lại lợi nhuận lớn nhất cho các công ty chứng khoán được đánh giá sẽ khó khăn hơn trong năm 2022 do chứng khoán không còn hấp dẫn như năm 2021.

Bên cạnh đó là hoạt động cho vay margin. Theo ABS, tốc độ tăng trưởng trung bình hằng quý trong năm 2020 và 2021 lần lượt là 15% và 19%. Kết quả, dư nợ margin hiện tại đang ở mức cao nhất lịch sử, xấp xỉ 170 nghìn tỷ đồng, tăng 98,7%. Nhiều công ty chứng khoán tiếp tục lên kế hoạch phát hành cổ phiếu nhằm tăng vốn để có thể cải thiện năng lực cho vay margin. Cùng với đó, lãi suất tăng mạnh ngay từ đầu năm 2022 nhằm thu hút dòng tiền quay về ngân hàng sẽ ảnh hưởng tới dòng tiền trên thị trường chứng khoán.

Thủy sản cũng là nhóm ngành được kỳ vọng mang lại niềm vui cho các nhà đầu tư khi được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại như EVFTA & UKVFTA... Trong năm 2022, dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 9,2 tỷ USD, tăng khoảng 3,5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, trong đó, tôm và cá tra tiếp tục là điểm sáng của ngành. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), dự báo xuất khẩu tôm năm 2022 của Việt Nam sẽ tăng khoảng 10%, đạt 4,3 tỷ USD trong khi đó kim ngạch xuất khẩu cá tra dự báo đạt trên 1,6 tỷ USD.

Tuy nhiên, ABS nhận định, ngành Thủy sản cũng sẽ phải đối mặt với một số thách thức như giá thức ăn cho tôm và cá tăng cao, chi phí vận chuyển logistics tăng, giá dầu tăng làm tăng chi phí vận chuyển, cũng như áp lực cạnh tranh từ các nước xuất khẩu khác như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia...

Trong báo cáo của mình, ABS cũng duy trì quan điểm tích cực với nhóm cổ phiếu xây dựng và vật liệu xây dựng, nhóm ngành cảng biển...