Những chuyển biến tích cực từ việc triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP
Sau một năm triển khai thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 (16/5/2016), bộ máy công quyền đã có nhiều chuyển biến về tư tưởng, nhận thức với tinh thần phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn tồn tại khoảng cách giữa chính sách và thực thi, dẫn đến các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong thi hành các thủ tục hành chính, gây tốn kém thời gian và chi phí. Từ thực tiễn triển khai, bài viết đề xuất khuyến nghị nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ trong thời gian tới.
Tạo lòng tin cho doanh nghiệp, tăng tinh thần phục vụ của cơ quan công quyền
Sau khi Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) đến năm 2020 được ban hành, tất cả các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực xây dựng và quyết liệt triển khai Chương trình, kế hoạch hành động hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN). Đánh giá kết quả sau một năm triển khai triển khai Nghị quyết cho thấy, bộ máy công quyền đã có nhiều chuyển biến về tư tưởng, nhận thức với tinh thần phục vụ và hỗ trợ phát triển DN.
Nghị quyết 35/NQ-CP đã thể hiện những cam kết của Chính phủ đối với cộng đồng DN, truyền đi thông điệp mạnh mẽ về Chính phủ kiến tạo, phục vụ, hỗ trợ và thúc đẩy DN phát triển; coi DN là động lực phát triển kinh tế. Hầu hết các Chương trình hành động đều bám sát các nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết 35/NQ-CP và một số chỉ tiêu cải cách hành chính.
Việc triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP đã tạo chuyển biến tích cực trong tư tưởng, nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt về lề lối, tác phong, thái độ phục vụ. Công tác phát triển DN, thu hút đầu tư đã được các địa phương quan tâm. Hoạt động hỗ trợ DN như đào tạo, xúc tiến thương mại, bảo lãnh tín dụng, vườn ươm DN… được triển khai và nhận được phản ứng tích cực từ phía cộng đồng DN. Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của nhiều địa phương đã đạt được kết quả tốt, điển hình như:
- Về thời gian thành lập DN: đa số các tỉnh là 2 ngày (giảm 1 ngày so với cam kết); Có tỉnh chỉ có 1,5 – 1,84 ngày như: Đồng Nai (1,84), Lai Châu (1,5), Hậu Giang (1,5), Hà Tĩnh (1,66)…
- Về thời gian thông quan hàng hóa: đa số các tỉnh đều đạt chỉ tiêu Nghị quyết 19-2016/NQ-CP và cam kết đã đề ra, đó là: thời gian qua biên giới dưới 10 ngày đối với hàng xuất khẩu; dưới 12 ngày đối với hàng nhập khẩu, trong đó có nhiều tỉnh vượt chỉ tiêu ở mức cao như: Quảng Ninh đạt 21 giờ 34 phút 12 giây đối với hàng xuất khẩu và 39 giờ 45 phút 12 giây đối với hàng nhập khẩu; Hà Tĩnh đạt 4 ngày 12h đối với hàng nhập khẩu và đạt 1 ngày 12 giờ 52 phút đối với hàng xuất khẩu…
- Mô hình Trung tâm hành chính công được nhiều tỉnh/thành phố đẩy mạnh nhằm giảm thiểu thời gian đi lại, giảm phiền hà cho người dân và DN.
- Các tỉnh/thành phố cũng đều tích cực triển khai thực hiện kê khai nộp thuế điện tử (đa số đạt từ 96-100%), nhất là ở các địa phương như: Đồng Nai, Quảng Trị, Gia Lai (đạt 100%), Bình Thuận (99,84%), TP. Hồ Chí Minh (99,37%), Cần Thơ (99,51%), Hưng Yên (99,6%), Hà Tĩnh (99%).
- Việc tổ chức đối thoại giữa các cấp chính quyền với DN được đa số các địa phương quan tâm. Nhiều địa phương đã có nhiều sáng tạo trong tổ chức đối thoại với DN như: tổ chức đối thoại loại theo loại hình DN, đối thoại trên truyền hình… Đặc biệt, mô hình “cà phê doanh nhân” được nhiều tỉnh triển khai nhằm tạo không khí thân thiện giữa chính quyền và DN trong đối thoại.
Những vấn đề tồn tại và hạn chế
Bên cạnh những chuyển biến tích cực sau một năm triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP, thực tiễn cũng còn một số hạn chế như:
- Nhiều bộ ngành, địa phương triển khai sớm, hiệu quả, quyết liệt Nghị quyết 35/NQ-CP nhưng vẫn còn một số bộ ngành, địa phương chậm triển khai thực hiện Nghị quyết, hoặc triển khai Nghị quyết mang tính chất hình thức. Điều này dẫn tới tình trạng “nóng trên” nhưng “lạnh dưới”, làm giảm hiệu quả và tác động của Nghị quyết tới môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển DN một cách kịp thời.
Một số tỉnh, thành phố chưa quy định rõ thời gian triển khai các hoạt động thực hiện Chương trình hành động. Đa số các tỉnh chưa đề cao vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các hiệp hội DN và các tổ chức đoàn thể, xã hội nghề nghiệp.
- Công tác cải cách TTHC mặc dù đã được triển khai thực hiện tốt nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của DN, nhà đầu tư. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức làm công tác giải quyết TTHC cho DN, nhà đầu tư có trình độ, năng lực còn hạn chế, gây phiền hà, bức xúc cho DN.
- Tình trạng DN than phiền về việc các TTHC chậm trễ, gây khó khăn, phiền hà cho DN vẫn còn nhiều.
- Một số tỉnh còn nhẫm lẫn giữa chỉ tiêu DN hoạt động hiệu quả với chỉ tiêu đăng ký thành lập DN mới; một số khác không chỉ rõ số lượng DN cụ thể mà chỉ đăng ký chỉ tiêu chung chung, số DN đến năm 2020 tăng gấp đôi so với hiện tại.
- Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin ở mức 3, mức 4 trong giải quyết thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực liên quan đến DN còn chậm. Số lượng các thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4 còn rất ít.
- Công tác cải cách việc giải quyết các tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại liên quan đến DN của tòa án các cấp còn chậm, kéo dài khiến DN ít lựa chọn phương án kiện ra tòa khi có tranh chấp.
Đề xuất, kiến nghị
Nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, khó khăn, thời gian tới cần thiết phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các nhóm giải pháp đã đề ra, trong đó tập trung vào các nội dung chủ yếu như:
- Cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho DN: Tiếp tục có giải pháp mạnh mẽ, đột phá để cải cách TTHC cũng như trong tổ chức, triển khai, giám sát thực hiện mô hình một cửa, trung tâm hành chính công; Cải tiến hình thức tổ chức đối thoại giữa DN với chính quyền địa phương...
- Tiếp tục tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ DN đổi mới sáng tạo: Các địa phương cần phải thực sự coi trọng và tiến hành có hiệu quả hoạt động khởi sự DN, đồng thời hạn chế những hoạt động có tính chất “phong trào”…
- Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận các nguồn lực và cơ hội kinh doanh của DN: Các bộ, ngành và cơ quan có liên quan cần tăng cường đối thoại chính sách giữa DN và các cơ quan nhà nước; Ưu tiên vốn cho các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia…
- Giảm chi phí kinh doanh cho DN: Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, giảm trừ thuế, tạo thuận lợi cho DN ổn định đầu tư, phát triển trong thời kỳ khó khăn hiện nay; Cân nhắc việc tăng lương tối thiểu vùng phù hợp với sức chịu đựng của DN….
- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của DN: Tiếp tục rút ngắn thời gian, thủ tục phá sản DN; Nâng cao hiệu quả của công tác thi hành án dân sự; Xây dựng các chế tài đủ mạnh để răn đe các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo uy tín ngành và thương hiệu hàng hóa Việt Nam…
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020;
2. VCCI (2017), Kết quả khảo sát ý kiến đánh giá của DN sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ ngày 16/5/2016 về hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020;
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2017), Báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020.