Những khoản lợi nhuận trừ lùi theo đà giảm lãi suất

Theo Vân Linh/tinnhanhchungkhoan.vn

Nhà đầu tư nào cũng hiểu lợi nhuận nhà băng năm nay sẽ giảm, nhưng giảm ở mức nào thì khó xác định.

Các ngân hàng cũng cho hay, dư nợ cho vay khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ là yếu tố tác động tiêu cực lên lợi nhuận.
Các ngân hàng cũng cho hay, dư nợ cho vay khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ là yếu tố tác động tiêu cực lên lợi nhuận.

Ngân hàng lớn, lợi nhuận giảm lớn

Ðã có nhiều báo cáo phân tích về các kịch bản diễn biến dịch Covid-19 và trên mỗi kịch bản là kết quả kinh doanh dự kiến các ngân hàng năm nay. Nhưng tất nhiên, dự báo chỉ là dự báo và có tính… tham khảo.

Ngay năm 2019, rất ít dự báo chuẩn về lợi nhuận ngành ngân hàng thời điểm đầu năm, để rồi cuối năm hầu hết các ngân hàng đều vượt… dự báo.

Năm 2020 cũng vậy, thậm chí các dự báo trở lên khó khăn hơn vì không ai tính toán được diễn biến dịch Covid-19, yếu tố ảnh hưởng chủ đạo tới lợi nhuận nhà băng 2020 sẽ diễn ra thế nào. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vẫn có những hé lộ từ những ngân hàng lớn nhất hệ thống.

Vietcombank dự kiến giảm 2.240 tỷ đồng lợi nhuận sau 2 đợt giảm lãi suất được công bố từ đầu năm đến nay.

Theo đó, ngân hàng này sẽ hạ 5% lãi phải trả với khách hàng bị ảnh hưởng gián tiếp và 10% với khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp, trong đợt giảm lãi suất thứ 2 kể từ ngày 15/4 nhằm tiếp tục hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp và cá nhân chịu ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Ðồng thời, Vietcombank sẽ giảm 10% số tiền lãi phải trả cho các khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19.

Thời gian giảm lãi suất từ ngày 15/4 đến hết 30/9. Còn các khách hàng bị ảnh hưởng gián tiếp sẽ được giảm 5% số tiền lãi phải trả với thời gian áp dụng từ 15/4 đến 30/6.

Theo lãnh đạo Vietcombank, tổng số khách hàng được giảm lãi suất đợt 2 là 90.000 với quy mô tín dụng là 300.000 tỷ đồng, chiếm gần 50% dư nợ hiện hữu tại Ngân hàng. Ðối tượng giảm lãi suất đợt 2 không bao gồm các khoản dư nợ đang được áp dụng chính sách ưu đãi lãi suất của Vietcombank.

Trước đó, Vietcombank cũng đã có nhiều giải pháp ưu đãi dành cho khách hàng như giảm lãi suất cho vay đợt 1, triển khai chương trình cho vay mới với quy mô dư nợ 30.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi từ 4,5-5%/năm.

Tương tự, VietinBank, BIDV, Agribank cũng sẽ bị tác động lợi nhuận sau các đợt giảm lãi vay cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch bệnh.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Ðào Minh Tú cho biết, lợi nhuận tất cả ngân hàng có vốn nhà nước chi phối năm nay phải giảm tối thiểu là 40% để đóng góp vào việc giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp.

Trước đó, Thủ tướng đã chỉ đạo NHNN tiếp tục yêu cầu các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp thông qua mở rộng gói chính sách tiền tệ từ 185.000 tỷ đồng lên 300.000 tỷ đồng.

Thời gian qua, các ngân hàng thương mại đã triển khai nhiều biện pháp theo chỉ thị của NHNN nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong đó có cơ cấu nợ giãn nợ, giảm lãi suất phổ biến từ 2-2,5%/năm.

Agribank dành 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch, để phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất - kinh doanh.

Lãi suất cho vay thấp hơn 1%/năm (đối với VND và thấp hơn 0,5%/năm đối với ngoại tệ) so với lãi suất cho vay cùng loại.

VietinBank cũng công bố chương trình tín dụng quy mô 60.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm 2%/năm.

Trước đó, ngân hàng này giảm từ 0,5-1,5%/năm lãi suất tùy theo khách hàng và tùy từng mục đích vay vốn cho gần 3.000 khách hàng với số tiền giải ngân khoảng 60.000 tỷ đồng trong giai đoạn dịch Covid-19.

VietinBank cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ khoảng 350 khách hàng với dư nợ khoảng 18.000 tỷ đồng, chiếm 2% tổng dư nợ.

BIDV công bố gói tín dụng 20.000 tỷ đồng nhằm đáp ứng nhu cầu mua nhà, ô tô hay sản xuất - kinh doanh của khách hàng cá nhân, có lãi suất từ 7,3%/năm.

Trước đó, cuối tháng 3/2020, BIDV cũng tung gói tín dụng quy mô 30.000 tỷ đồng, áp dụng từ 31/3 đến 31/7 hoặc khi giải ngân hết gói này, nhằm hỗ trợ khách cá nhân tiếp tục sản xuất - kinh doanh trong thời kỳ khó khăn bởi dịch Covid-19.

Một gói khác cũng của BIDV quy mô 7.000 tỷ đồng triển khai từ ngày 19/3 và kết thúc trước hạn vào ngày 31/3.

BIDV cho biết, từ đầu năm nay đã giải ngân hơn 17.000 tỷ đồng lãi suất ưu đãi từ 6,5%/năm cho khách hàng cá nhân sản xuất - kinh doanh. Năm nay, BIDV lên kế hoạch lãi trước thuế 12.500 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước trong điều kiện dịch Covid-19 sớm được kiểm soát.

Trường hợp dịch bệnh kéo dài, lãnh đạo BIDV cho biết, sẽ điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận khi cần thiết và thực tế với các gói ưu đãi lãi vay kể trên, nhà băng này khó giữ nguyên kế hoạch lợi nhuận.

Ngân hàng nhỏ thận trọng

Với các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, kế hoạch giảm 40% lợi nhuận khá là rõ ràng và thực sự các ngân hàng này đang là đầu tàu trong yêu cầu thực hiện gói hỗ trợ doanh nghiệp như chỉ đạo của Chính phủ và NHNN.

Ở phần còn lại, mặc dù các gói hỗ trợ đã được công bố, nhưng mức độ tác động tới lợi nhuận 2020 thì rất ít ngân hàng đề cập.

SHB là số ít đó. Không chỉ công bố công khai về việc giảm lương nhân sự, nhà băng này cũng cho biết khả năng sẽ giảm 1.000 tỷ đồng lợi nhuận so với mục tiêu đặt ra cuối năm ngoái.

Nam A Bank cũng vậy, dù con số nhỏ hơn vì quy mô ngân hàng cũng thuộc lại nhỏ. Lãnh đạo ngân hàng này cho biết, mục tiêu lợi nhuận đưa ra năm nay giảm 100 tỷ đồng so với năm 2019.

Nam A Bank đã có 2 đợt giảm lãi vay cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 kể từ khi dịch bệnh bùng phát và gần đây nhất là đưa ra 15.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng, lãi vay giảm khoảng 2,5%/năm so với mức lãi vay thông thường.

Các nhà băng khác thì thông tin công bố ra chủ yếu là thông tin chi tiết về gói hỗ trợ, điều kiện hỗ trợ khách hàng, mà không đề cập tới dự phóng tài chính 2020, dù tất cả lãnh đạo ngân hàng đều khẳng định sẽ không thể bằng năm 2019.

Trong báo cáo quý I/2020 của các ngân hàng, do tháng 1 chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch và 2 tháng còn lại sau Tết Nguyên đán trùng với giai đoạn thấp điểm kinh doanh hàng năm nên số báo cáo so với cùng kỳ vẫn khá tích cực.

Nhưng bức tranh này dự báo sớm đổi màu vào quý II khi ngay từ tháng 4, lợi nhuận từ hoạt động tín dụng đã bị ảnh hưởng không chỉ do cắt lãi suất, mà mức tăng trưởng còn âm.

Vụ trưởng Vụ tín dụng (NHNN) Nguyễn Quốc Hùng cho biết, tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng từ mức 1,3% đến cuối tháng 3/2020 đã giảm về mức 0,8% hiện nay.

Tổng dư nợ tín dụng hiện ở mức hơn 8 triệu tỷ đồng. Như vậy, riêng trong nửa đầu tháng 4, tín dụng sụt giảm 0,5%.

Các ngân hàng cũng cho hay, dư nợ cho vay khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ là yếu tố tác động tiêu cực lên lợi nhuận.

Nhìn lại các dự báo thì điểm lạc quan hầu hết đều là dịch Covid-19 sẽ tác động ngắn hạn. Ðây có thể là lý do một số nhà băng thận trọng khi đánh giá về kinh doanh cả năm 2020. Kịch bản phục hồi chữ V vẫn có thể xảy ra.

Theo Fitch Ratings, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế này vừa hạ tín nhiệm một loạt ngân hàng Việt Nam, thì sự phục hồi kinh tế vững chắc có thể hy vọng vào năm 2021, dù những tác động xấu từ đại dịch sẽ còn kéo dài đối với các ngân hàng.

Fitch Ratings nhận định, lợi nhuận của các ngân hàng sẽ chịu áp lực đáng kể do nhu cầu tín dụng giảm và lãi suất cho vay thấp hơn sau khi NHNN tuyên bố cắt giảm lãi suất, yêu cầu các ngân hàng chung tay hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi không giảm quá nhiều do đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền.

Tăng trưởng tín dụng chậm hơn và thu nhập từ phí thấp hơn, đồng nghĩa các ngân hàng có thu nhập lõi thấp hơn để chi trả cho các chi phí tín dụng.