Những nhóm cổ phiếu hấp dẫn trong năm 2023

Minh Lâm

Nhóm cổ phiếu ngân hàng, điện… đang có tiềm năng tăng trưởng tốt nhất trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều thách thức hiện nay.

Ngành Ngân hàng sẽ có nhiều cổ phiếu tăng trưởng cao nhất

Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng đạt 4,73% (cùng thời điểm năm trước tăng 8,51%), là mức khá thấp, cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu.

Theo khảo sát của Vietnam Report, ngành Ngân hàng vẫn đối mặt một số thách thức trong năm 2023 do biên lãi thuần có thể suy giảm, áp lực trái phiếu đáo hạn ngày càng tăng, lợi suất danh mục cho vay bị điều chỉnh giảm nhanh hơn theo lãi suất huy động mới… Đặc biệt, điều quan ngại đối với các ngân hàng trong năm nay là rủi ro chất lượng tín dụng suy giảm do doanh nghiệp ở nhiều ngành đang gặp khó khăn tạo áp lực nợ xấu gia tăng trong giai đoạn tới.

Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực hơn của thị trường được kỳ vọng sẽ giảm sức ép lên hoạt động kinh doanh của ngân hàng trong nửa cuối năm 2023. Lãi suất cho vay đang hạ nhiệt cùng với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ các nút thắt trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp được Chính phủ triển khai sẽ giúp cầu tín dụng tăng trở lại trong thời gian tới, từ đó kết quả kinh doanh của các ngân hàng sẽ dần cải thiện.

Khi lãi suất điều hành giảm, áp lực chi phí huy động của các ngân hàng bớt đi. Mặt khác, lãi suất giảm xuống, người dân, doanh nghiệp cũng mạnh dạn vay vốn hơn. Từ đó, tăng trưởng tín dụng khởi sắc hơn so với giai đoạn đầu năm. Ngoài ra, các ngân hàng cũng đang linh hoạt, chủ động tìm kiếm các hướng đi mới để vượt qua khó khăn, chẳng hạn như câu chuyện bán vốn cho đối tác chiến lược nước ngoài của một số ngân hàng.

Báo cáo Vietnam Report đã nêu ra 5 cơ hội cho sự tăng trưởng của ngành Ngân hàng trong năm 2023 bao gồm: Các ngân hàng tăng cường đầu tư công nghệ số (100%); Những chính sách mới của Ngân hàng Nhà nước (85,7%); Kỳ vọng từ các gói kích thích kinh tế (71,4%); Các ngân hàng đang chuyển hướng mạnh mẽ trong cơ cấu hoạt động (71,4%); Triển vọng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam (57,1%).

Mặc dù tất cả các ngân hàng đều điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận so với năm 2022 nhưng đây vẫn là ngành có mức điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận ít nhất. Trong bối cảnh khó khăn chung như hiện nay, ngành có vốn hóa lớn nhất thị trường là ngân hàng có tỷ lệ doanh nghiệp niêm yết kỳ vọng sẽ có nhiều cổ phiếu tăng trưởng nhất trong năm 2023 – đạt 75,7%, tăng so với mức 46,2% của năm 2022. Cổ phiếu ngân hàng vẫn đang ở vùng giá hấp dẫn và phù hợp cho mục tiêu đầu tư dài hạn.

Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, các ngân hàng thương mại quốc doanh, với lợi thế cạnh tranh là một trong những kênh phân phối nguồn vốn chính của Chính phủ, sẽ là đối tượng chính được hưởng lợi từ việc thúc đẩy đầu tư công và có thể nhận mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với các ngân hàng khác trong ngành.

Ngoài ra, TCB, HDB, VPB, MBB có thể sẽ đạt tăng trưởng tín dụng tốt hơn trong năm 2023 so với các ngân hàng cùng ngành nhờ thanh khoản dồi dào (TCB, MBB), có bộ đệm vốn tốt (ví dụ: VPB, TCB) và kế hoạch hỗ trợ trong việc tái cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém (VCB, HDB, MBB).

Nhóm ngành Điện hưởng lợi từ việc tăng giá điện

Năm nay, ngành phòng thủ như ngành Điện cũng trở nên hấp dẫn với nhiều cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng tốt hơn so với các ngành khác (+19,2% so với kết quả khảo sát cách đây một năm).

Đà tăng của nhóm ngành Điện bắt đầu từ khi mở cửa sau COVID-19, lượng điện tiêu thụ tăng khi các nhà máy dần đi vào động. Ngoài ra, việc giá điện chính thức được điều chỉnh tăng từ ngày 04/5/2023 cũng tác động đến nhiều nhóm ngành; trong đó, nhiều cổ phiếu ngành năng lượng điện dự đoán sẽ được hưởng lợi.

Đáng chú ý, việc chính thức phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) vào ngày 15/5/2023 được nhiều chuyên gia nhận định là động lực thúc đẩy mạnh đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp điện.

Quy hoạch điện VIII xác định điện là ngành hạ tầng quan trọng, phát triển điện lực phải đi trước một bước, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh năng lượng quốc gia; Nhà nước tập trung đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế để phát triển nhanh ngành điện.

Đây là cơ hội rất lớn không chỉ đối với các doanh nghiệp điện, mà còn mở ra nhiều triển vọng đầu tư. Việc đảm bảo nguồn cung cấp điện của Việt Nam sẽ đòi hỏi một khoản đầu tư lớn, mà Thỏa thuận Đối tác Năng lượng Công bằng mới (JETP) bao gồm khoản hỗ trợ 15,5 tỷ USD để cung cấp kinh phí cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh ở các quốc gia đang phát triển là chưa đủ. Vì vậy, sẽ cần vốn đầu tư tư nhân với số lượng lớn.

Với một nền kinh tế phát triển mạnh và mức tăng trưởng GDP trung bình từ 6% đến 8% mỗi năm, nhu cầu về điện của Việt Nam dường như không ngừng tăng. Cung cấp nhu cầu lớn này sẽ đòi hỏi một lượng đầu tư lớn và nhiều công ty nước ngoài có tiềm lực sẽ sẵn sàng gia nhập thị trường để hưởng lợi.

Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức và còn tồn tại một số rào cản đối với các nhà đầu tư. Do đó, sự hỗ trợ và hướng dẫn phù hợp từ Chính phủ cũng như các bên liên quan là rất quan trọng. Hơn nữa, một mùa hè nền nhiệt cao sẽ thúc đẩy mức tiêu thụ nhóm dân cư trong giai đoạn quý III/2023.

Theo khuyến nghị của VNDirect, POW, PC1 sẽ là những cổ phiếu được hưởng lợi và QTP, GEG, BCG, NT2 là những cổ phiếu đáng quan tâm. Trong đó, POW – doanh nghiệp điện khí hàng đầu sẽ hưởng lợi từ triển vọng tích cực của mảng điện khí.

Khi mọi nút thắt về cơ chế giá điện năng lượng tái tạo được giải quyết, mảng xây lắp điện, bao gồm thầu EPC điện gió và xây lắp đường dây, trạm biến áp sẽ hưởng lợi sớm nhất. Do đó, PC1 – nhà xây lắp điện và thầu EPC điện gió hàng đầu là sẽ là doanh nghiệp đón đầu xu hướng này.