Những sức ép lớn ảnh hưởng tỷ giá cuối năm?

Theo enternews.vn

Trong khoảng thời gian còn lại của năm 2017, tỷ giá VND/USD sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất từ phía cầu ngoại tệ do sức ép nhập siêu tăng cao.

Tỷ giá những tháng cuối năm chịu nhiều sức ép lớn. Nguồn: internet.
Tỷ giá những tháng cuối năm chịu nhiều sức ép lớn. Nguồn: internet.

Báo cáo mới nhất của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho hay, hiện tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng thương mại và trên thị trường tự do tiếp tục có xu hướng giảm so với tháng trước cũng như so với đầu năm.

Đưa ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết, do nguồn cung ngoại tệ dồi dào đến từ nguồn vốn FII (mua bán sáp nhập) và FDI tăng mạnh. Hiện nay chênh lệch giữa lãi suất VND và USD vẫn nghiêng về việc nắm giữ VND, việc FED tăng lãi suất trong ngắn hạn với những bước điều chỉnh nhỏ chưa gây áp lực đối với tỷ giá.

Tuy nhiên, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng cho rằng, trong khoảng thời gian còn lại của năm 2017, tỷ giá sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất từ phía cầu ngoại tệ do sức ép nhập siêu tăng cao.

Cụ thể, cán cân thương mại có thể đảo chiều từ mức thặng dư trong năm 2016 sang thâm hụt dự báo ở mức khoảng 3,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Về dài hạn, đơn vị này cho biết, với lộ trình tăng lãi suất thêm nhiều lần của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) trong các năm tiếp theo, tỷ giá có thể sẽ chịu áp lực. Thêm vào đó là xu hướng biến động khôn lường đồng nhân dân tệ và yên nhật sẽ tác động không nhỏ đến VND.

Đây không phải là lần đầu tiên đơn vị này cảnh báo về việc cần lưu ý biến động của đồng NDT. Trong các báo cáo trước đó, NFSC đã cho rằng việc mất giá mạnh của đồng NDT sẽ tác động lớn đến kinh tế Việt Nam do thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc đang có xu hướng tăng, từ mức 23,7 tỷ USD trong năm 2013 lên mức 28 tỷ USD trong năm 2016. Nếu so với GDP, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc là 14%, cao hơn nhiều mức 2% thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc.

Mặc dù Ngân hàng nước không cam kết sẽ phá giá VND ở mức cụ thể là bao nhiêu, chỉ cho biết sẽ điều hành tỷ giá linh hoạt theo mục tiêu kiểm soát lạm phát và không để VND mất giá quá lớn. Tuy nhiên, nhiều dự báo của các chuyên gia kinh tế mức tăng tỷ giá USD/VND năm 2017 từ 2-4%.

Nếu tỷ giá trung tâm chỉ cần tăng 2% lên mức 22.601 USD/VND, tỷ giá trần lúc đó đã là 23.279 USD/VND.

Về nguồn cung tín dụng cho nền kinh tế, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết, tín dụng tháng 5 tiếp tục tăng trưởng khả quan. Ước tính đến hết tháng, tín dụng tăng 6,8% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ 2016 tăng 5,7%).

Trong đó, cơ cấu tín dụng theo kỳ hạn thay đổi theo chiều hướng giảm tỷ trọng tín dụng dài hạn. Ước tính tỷ trọng tín dụng ngắn hạn là 45,4% (cuối năm 2016 là 44,9%). Ước tính tỷ trọng tín dụng trung và dài hạn giảm xuống còn 54,6% (cuối năm 2016 là 55,1%).

Cơ cấu tín dụng theo loại tiền tiếp tục ổn định, khi tỷ trọng tín dụng VND tăng nhẹ (chiếm khoảng 91,8% tổng tín dụng (cuối năm 2016 là 91,6%). Trong khi đó, tỷ trọng tín dụng ngoại tệ giảm nhẹ, chiếm 8,2% tổng tín dụng (cuối năm 2016 là 8,4%).

Theo tính toán của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, chỉ số chênh lệch tín dụng/GDP đã có xu hướng tăng liên tục từ quý IV/2015 cho đến nay, và hiện đã ở mức 11% trong quý I/2017. Đây là mức cao thứ hai trong giai đoạn 2009 – 2017, chỉ đứng sau mức 13% của mức quý I/2011.