Những tác động của chuyển đổi số và sự thích ứng từ phía doanh nghiệp

ThS. Phan Thùy Tâm – Trường Đại học Đại Nam

Đi cùng với Cách mạng công nghiệp 4.0, cụm từ “chuyển đổi số” ngày càng xuất hiện một cách phổ biến hơn trong bối cảnh hội nhập và thương mại hóa đa quốc gia. Bài viết khái quát các nghiên cứu trên thế giới nhằm cung cấp một cái nhìn tổng thể các nghiên cứu hiện tại về chuyển đổi số, qua đó, đưa ra đánh giá tích hợp kiến thức hiện tại về chuyển đổi số nhằm cung cấp góc nhìn toàn cảnh cho các nhà hoạch định chính sách và quản lý xem xét, đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn thế giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Giới thiệu

Trong những năm gần đây, chuyển đổi số (CĐS) trở thành một nội dung quan trọng cấp quốc gia cũng như đối với các doanh nghiệp. Ở góc độ vĩ mô, CĐS hàm chứa sự thay đổi mạnh mẽ diễn ra trong xã hội và các ngành nghề thông qua công nghệ. Trên góc độ vi mô, có thể nhận thấy các doanh nghiệp đang hướng đến CĐS với các chiến lược kinh doanh có cân nhắc vấn đề CĐS nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Nhiều nghiên cứu được đưa ra đã giúp các nhà hoạch định chính sách và quản lý có thêm những góc nhìn cụ thể hơn về CĐS.

Đánh giá về CĐS, các nghiên cứu cho rằng, nếu chỉ nói về duy nhất yếu tố công nghệ thì chưa đầy đủ để đưa ra giải pháp toàn diện cho doanh nghiệp nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 hiện nay. Chính vì bậy, bài viết khái quát về khái niệm CĐS, tác động của CĐS tới môi trường kinh doanh và cách thức các doanh nghiệp thích ứng và tạo ra giá trị trong bối cảnh mới.

Khái quát về chuyển đổi số

Chuyển đổi số là gì?

Hiện nay, các định nghĩa về CĐS được đưa ra với 3 đặc điểm chính: Thứ nhất, CĐS được định nghĩa trong các nghiên cứu chủ yếu nhằm vào đối tượng là các tổ chức, doanh nghiệp; Thứ hai, các khái niệm đưa ra có những nét khác biệt nhau về các loại công nghệ theo các nghiên cứu của Horlacher và cộng sự (2016), nghiên cứu của Westerman và cộng sự (2011); hoặc khác biệt về bản chất của quá trình chuyển đổi số đang diễn ra theo nghiên cứu của Andriole (2017), Piccinini và cộng sự (2015b); Thứ ba, mặc dù có những sự khác biệt, nhưng các định nghĩa đều sử dụng chung thuật ngữ CĐS trong nghiên cứu (Matt và cộng sự, 2015; Singh và Hess, 2017).

Tóm lại, bài viết đưa ra một định nghĩa về CĐS như sau: CĐS là một quá trình nhằm cải thiện chủ thể bởi những thay đổi quan trọng thông qua sự kết hợp của thông tin, máy móc, sự trao đổi và những công nghệ kết nối.

Nhân tố trung tâm của quá trình chuyển đổi số

CĐS là một quy trình, trong đó công nghệ kỹ thuật số đóng vai trò trung tâm trong việc tạo ra và củng cố những thay đổi ở cấp xã hội và ngành. Những thay đổi này được kích hoạt từ những thích ứng của các cá nhân, tổ chức và xã hội, trong đó sự thích ứng của các doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm. Các doanh nghiệp sử dụng công nghệ kỹ thuật số để cải thiện quy trình tạo ra giá trị mà đã từng là lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Vậy công nghệ kỹ thuật số chủ yếu là một thuật ngữ đề cập đến các công nghệ xã hội như: điện thoại di động; phân tích dữ liệu; điện toán đám mây và internet vạn vật – IOT (Petrikina và cộng sự, 2017; Richter và cộng sự, 2017)… Sự kết hợp của công nghệ kỹ thuật số là nhân tố quan trọng trong quá trình CĐS (Gray và cộng sự, 2013; Günther và cộng sự, 2017). Ví dụ: việc doanh nghiệp thực hiện các phân tích dữ liệu lớn hành vi các cá nhân sử dụng phương tiện truyền thông trên điện thoại di động, sau đó các thuật toán phân tích và hỗ trợ doanh nghiệp đưa ra quyết định (Newell và Marabelli, 2015).

Tác động của chuyển đổi số

Quá trình CĐS ở cấp độ vi mô và vĩ mô đã đặt các doanh nghiệp dưới áp lực đổi mới để duy trì năng lực cạnh tranh. CĐS mang lại cơ hội thay đổi cuộc chơi, đồng thời ẩn chứa mối đe dọa hiện hữu đối với các doanh nghiệp (Sebastian và cộng sự, 2017). CĐS được nhận định là một hiện tượng phát sinh từ trong bên trong nội bộ doanh nghiệp, trong đó các hoạt động đổi mới sáng tạo là để hướng đến những cơ hội do CĐS mang lại (Tan và cộng sự, 2015). Ngược lại, một số nghiên cứu coi CĐS là mối đe dọa từ bên ngoài cho các doanh nghiệp (Li và cộng sự, 2016; Lucas Jr. và Goh, 2009; Sia và cộng sự, 2016).

Những thay đổi lớn trong bối cảnh thị trường dưới tác động của CĐS từ các nghiên cứu trên, trong phạm vi nghiên cứu, tác giả tổng hợp thành những thay đổi quan trọng như sau: thay đổi về hành vi và kỳ vọng của người tiêu dùng; làm biến đổi các đặc điểm vốn có của các thị trường; gia tăng vai trò của thông tin và phân tích dữ liệu.

Thay đổi về hành vi và kỳ vọng của người tiêu dùng

CĐS đã có tác động sâu sắc đến hành vi khi người dùng có thể truy cập thông tin và trao đổi với nhau một cách dễ dàng và nhanh chóng, ví dụ như thông qua việc sử dụng các trang mạng xã hội ngay trên điện thoại di động của cá nhân. Người tiêu dùng ngày nay có thể trực tiếp đóng vai trò trong cuộc họp giữa các doanh nghiệp và các bên có liên quan, dẫn tới người tiêu dùng không chỉ nhận mà còn đưa các phản hồi và ngày càng gia tăng những đòi hỏi của mình đối với sản phẩm và dịch vụ được cung cấp. Trường hợp nghiên cứu tại thị trường người dùng châu Á đối với dịch vụ ngân hàng số, Sia và cộng sự (2016) nhận thấy, người tiêu dùng mong muốn thực hiện hầu hết các hoạt động thông qua dịch vụ ngân hàng số, đòi hỏi các ngân hàng phải phát triển các dịch vụ này để duy trì tính cạnh tranh (Phạm Ngọc Diệp, 2022).

Biến đổi các đặc điểm vốn có của các thị trường

Môi trường kinh doanh ngày này của các doanh nghiệp đã có biến động lớn. Doanh nghiệp có cơ hội tạo ra các sản phẩm mới bằng cách kết hợp các sản phẩm dịch vụ hiện có với sự xuất hiện của công nghệ kỹ thuật số. Ngày nay, các dịch vụ được ưu tiên hơn sản phẩm, rào cản gia nhập ngành thấp, sự độc quyền dựa vào lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp trở nên khó duy trì. Ví dụ như, sự xuất hiện của các hãng vốn trước đây không kinh doanh về âm nhạc như Apple, Spotify nay phát triển thêm dịch vụ này, hoặc rất nhiều doanh nghiệp tận dụng các nền tảng kỹ thuật số để xác định lại thị trường khi rào cản được xây dựng bởi không gian đã bị phá vỡ, các doanh nghiệp có thể trao đổi hàng hóa và dịch vụ kỹ thuật số trên không gian phẳng của thế giới mạng (Tiwana và cộng sự, 2010).

Gia tăng vai trò của thông tin và phân tích dữ liệu

Hiện nay, quá trình CĐS còn thúc đẩy việc tạo dữ liệu. Trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp cố gắng khai thác tiềm năng của dữ liệu vì lợi ích của chính họ hoặc khai thác để bán lại cho các đối tác khác (Loebbecke và Picot, 2015). Bên cạnh đó, việc phân tích dữ liệu, hoặc sử dụng thuật toán để hỗ trợ quá trình ra quyết định là những lợi thế quan trọng, bởi nó giúp các doanh nghiệp có thể đáp ứng được nhu cầu khách hàng tốt hơn trong quá trình cung cấp dịch vụ hoặc cải thiện các quy trình sản xuất hiệu quả hơn (Günther và cộng sự, 2017). Ví dụ, hãng hàng không quốc gia của Hà Lan đã sử dụng mạng xã hội như Twitter và Facebook để thực hiện các dịch vụ khách hàng. Sau đó, hãng sử dụng dữ liệu thu thập qua các tương tác đó phân tích nhu cầu của khách hàng, từ đó đưa ra những hoạt động cải thiện tương ứng.

Thích ứng trong bối cảnh chuyển đổi số

Theo Kane (2014), CĐS là một quá trình có thể đưa tới thành công. Các doanh nghiệp có thể xác định lại các mô hình kinh doanh hoặc khám phá ra những phương thức mới để tạo ra giá trị trong bối cảnh CĐS. Bài viết này, đưa ra các biến đổi của xã hội nhằm thích ứng với bối cảnh CĐS, bao gồm: (1) Tìm ra sản phẩm, dịch vụ mới để đáp ứng xu hướng nhu cầu của thị trường; (2) Thay đổi cách thức phối hợp và vai trò của chủ thể trong chuỗi giá trị; (3) Thu hẹp khoảng cách bằng IOT và công nghệ thông minh và (4) Biến đổi linh hoạt và sở hữu các cách thức vận hành đa dạng.

Tìm ra sản phẩm, dịch vụ mới để đáp ứng xu hướng nhu cầu của thị trường

CĐS dường như thúc đẩy các sáng tạo sản phẩm mới, với đặc tính ngày càng phụ thuộc nhiều hơn những dịch vụ đi kèm (Barrett và cộng sự, 2015). Các doanh nghiệp sử dụng công nghệ kỹ thuật số để chuyển doanh số bán các sản phẩm vật lý sang các sản phẩm dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng đồng thời cung cấp các giải pháp sáng tạo cũng như thu thập dữ liệu về tương tác của khách hàng với các sản phẩm và dịch vụ của hãng (Porter và Heppelmann, 2014; Wulf và cộng sự, 2017).

Thay đổi cách thức phối hợp và vai trò của chủ thể trong chuỗi giá trị

CĐS cho phép xác định lại chuỗi giá trị. Theo AndalAncion và cộng sự (2003), các doanh nghiệp có thể sử dụng các công nghệ kỹ thuật số để thực hiện phân chia lại vai trò trong chuỗi giá trị của mình. Ví dụ, thực hiện chiến lược loại bỏ đối tác trung gian, các doanh nghiệp có thể là tiến hành trao đổi trực tiếp thay vì phải thông qua cho đối tác trung gian như trước đây (Hansen và Sia, 2015). Tuy nhiên, các chủ thể trong chuỗi tạo giá trị có thể củng cố mối quan hệ nhờ sự cộng tác và phối hợp chặt chẽ thông qua các nền tảng công nghệ kỹ thuật số.

Thu hẹp khoảng cách bằng IOT và công nghệ thông minh

Hansen và Sia (2015) nhận xét rằng, các doanh nghiệp có thể thu hẹp khoảng cách giữa thế giới thực và thế giới kỹ thuật số thông qua một trong các cách tiếp cận đa kênh tích hợp để bán hàng và tiếp thị. Các doanh nghiệp có thể xây dựng các kênh để tìm kiếm khách hàng mới, ví dụ cách thức giao tiếp trực tiếp với khách hàng một cách giải trí thông qua phương tiện truyền thông xã hội (Hansen và Sia, 2015). Hiện nay, nhiều doanh nghiệp có thể thay đổi kênh phân phối và bán hàng thông qua việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số.

Đặc biệt hơn, các tổ chức thông qua các thuật toán đưa ra các quyết định cũng như sử dụng các công nghệ để quản lý các hoạt động từ xa một cách hiệu quả. Trong lĩnh vực sản xuất, khoa học công nghệ cùng IOT có thể chủ động thay đổi nguồn cung một cách hiệu quả hơn, như là hành vi tự động mua sắm thông minh theo Porter và Heppelmann (2014). Mặc dù, sự phát triển của IOT vẫn còn ở giai đoạn sơ khai khi so sánh với các công nghệ kỹ thuật số khác (ví dụ như mạng xã hội) nhưng sự phát triển của các sản phẩm thông minh, các sản phẩm kỹ thuật số và sự nổi lên của các bản cập nhật sản phẩm thông qua mạng internet đang thu hẹp các khoảng cách không gian đang tồn tại giữa con người và các sản phẩm.

Biến đổi linh hoạt và sở hữu các phương thức đa dạng

CĐS và các công nghệ kỹ thuật số giúp các doanh nghiệp thích nghi nhanh chóng bằng cách thay đổi tài sản tri thức và các mối quan hệ mà doanh nghiệp sở hữu nhằm dành lấy cơ hội cạnh tranh trên thị trường (Fitzgerald, 2016b; Günther và cộng sự, 2017).

Khả năng xử lý dữ liệu và IOT có thể được tận dụng để tối ưu hóa những quy trình hiện đang được sử dụng và giảm những nguồn lực lãng phí. Hoặc các công nghệ này có thể được thực hiện để tiếp cận các thị trường mới chưa được khai thác hoặc gia tăng khả năng tiếp cận khách hàng (Hansen và Sia, 2015; Setia và cộng sự, 2013).

Chuyển đổi số trên các trụ cột tại Việt Nam

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao dù phải hứng chịu các cú sốc, trong đó có đại dịch COVID-19. Theo Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 3/2023, Ngân hàng Thế giới dự báo GDP của Việt Nam tăng 6,3% trong năm 2023. Để tiếp tục có những bước phát triển đột phá trong giai đoạn mới, thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển, hướng tới một nền kinh tế phát triển bền vững, một trong những giải pháp cơ bản, nền tảng nhất là phải CĐS mạnh mẽ, đi đầu khu vực trong CMCN 4.0. CĐS ở Việt Nam hiện nay hướng tới 3 trụ cột là: Hạ tầng số; Chính phủ số; Kinh tế số và xã hội số trên cơ sở “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Với mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI), CĐS ở Việt Nam đã có những bước đi cụ thể như sau:

- Đối với Chính phủ số: Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ 86/193 quốc gia về chính phủ số, chính phủ điện tử. Thời gian qua, công nghệ thông tin đã được ứng dụng trong cơ quan quản lý nhà nước để phát triển chính phủ điện tử, góp phần cải cách hành chính. Về dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), mặc dù Việt Nam đã nỗ lực rất cao nhưng chất lượng của DVCTT chưa ngang bằng với các nước dẫn đầu trong khu vực. Theo đánh giá của Liên hiệp quốc về DVCTT với 5 tiêu chí, tồn tại hạn chế lớn nhất mà chúng ta cần cải thiện đó là cung cấp DVCTT toàn trình, nghĩa là người dân ngồi nhà có thể dễ dàng sử dụng dịch vụ công trực tuyến và người dân sử dụng nhiều DVCTT. Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 3.699 DVCTT mức độ 3, 4 (nộp hồ sơ trực tuyến và nhận kết quả tại nhà); hơn 2,1 triệu tài khoản đăng ký (tăng hơn 2,8 lần so với cùng kỳ); hơn 122,7 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái (tăng hơn 2 lần). Toàn bộ các tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã triển khai gần 69.000 tổ công nghệ số cộng đồng đến tận các thôn xóm với khoảng 320.000 thành viên.

- Đối với hạ tầng số: Hạ tầng viễn thông đã phủ rộng khắp toàn quốc hơn 600.000 km cáp quang, với tốc độ truy nhập cao (> 27 MBps). Số thuê bao băng rộng cố định hơn 13 triệu (trong đó hơn 12 triệu thuê bao sử dụng cáp quang FTTx, tốc độ truy nhập hơn 10 MBps). Tổng băng thông quốc tế đạt hơn 8,1 TBps. Mạng di động phát triển, tỷ lệ phủ sóng đạt 99,7%. Mạng di động 5G đã được cấp phép thử nghiệm, khi triển khai sẽ là bước đột phá về tốc độ kết nối, là nền tảng quan trọng kết nối hạ tầng IoT trong chuyển đổi số. Tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh và có đường internet cáp quang băng thông rộng chiếm tỷ trọng lớn và gia tăng trong tương lai. Như vậy, mạng viễn thông đã đi trước một bước trong chuẩn bị hạ tầng cho chuyển đổi số.

- Đối với kinh tế số và xã hội số: Kinh tế số của Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 28%, đứng đầu khu vực Đông Nam Á, trong khi về xã hội số, Việt Nam xếp hạng thứ 9 về lượt tải mới ứng dụng di động. 8 ứng dụng Việt Nam có trên 10 triệu người dùng thường xuyên. Việt Nam xếp hạng 25/193 quốc gia về an toàn an ninh mạng. Hiện nay, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ (B2C) của Việt Nam có sự tăng trưởng đáng kể. Năm 2015, doanh thu B2C đạt 5 tỷ USD, đến năm 2022, doanh thu đã tăng trưởng lên 16,4 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2021 và chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Theo số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%, tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán đạt 66%, tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nền tảng số đạt 30,07%, tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 7,5%. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông - cơ quan thường trực của Ủy ban quốc gia về CĐS, năm 2022, tỷ trọng kinh tế số của Việt Nam đạt 14,26% GDP cao hơn năm 2021 (11,91%) và mục tiêu đặt ra đến năm 2025 là 20%. Bên cạnh đó, công nghệ thông tin đã được ứng dụng khá rộng rãi trong xã hội góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, giảm khoảng cách xã hội, đặc biệt là trong các lĩnh vực giáo dục và y tế. Nhiều ứng dụng công nghệ được triển khai trong công tác đào tạo, quản lý giáo dục cũng như lĩnh vực y tế.

Kết luận

Như vậy, những lợi ích cũng như ảnh hưởng của CĐS và nhấn mạnh đến sự phức tạp ngày càng tăng cho môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp. Các công nghệ kỹ thuật cung cấp ngày càng nhiều thông tin, giải pháp và các kênh liên kết sẽ tạo ra nhiều hình thức kết hợp của các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị. Đồng thời, điều này cũng tạo ra sự phụ thuộc giữa các doanh nghiệp dù lợi ích có thể là khác nhau. Bối cảnh mới này mang lại tiềm năng cho sự đổi mới và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, đồng thời mở rộng ra ngoài phạm vi doanh nghiệp để tác động đến các cá nhân, đến ngành và xã hội.

Tài liệu tham khảo:

  1. Phạm Ngọc Diệp (2022), Yếu tố tác động đến thành công trong chuyển đối số của các ngân hàng, Tạp chí Công thương số 19, tháng 08/2022;
  2. Vũ Thanh Nguyên, Phạm Lan Anh (2023), Chuyển đổi số quốc gia: Thực trạng và hàm ý chính sách cho Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 11, tháng 04/2023;
  3. Agarwal, R., Gao, G., DesRoches, C., Jha, A. K. (2010), Research commentary-The digital transformation of healthcare: Current status and the road ahead, Information systems research, 21(4), 796-809;
  4. Bharadwaj, Anandhi, Omar A. El Sawy, Paul A. Pavlou, and N. V. Venkatraman (2013), Digital business strategy: toward a next generation of insights, MIS quarterly;
  5. Carlo Bertot, J., Jaeger, P. T., Grimes, J. M. (2012), Promoting transparency and accountability through ICTs, social media, and collaborative e‐government, Transforming government: people, process and policy, 6(1), 78-91;
  6. Piccinini, E., Hanelt, A., Gregory, R., Kolbe, L. (2015), Transforming industrial business: the impact of digital transformation on automotive organizations;
  7. Selander, L., Jarvenpaa, S. L. (2016), Digital action repertoires and transforming a social movement organization, MIS quarterly, 40(2), 331-352;
  8. Svahn, F., Mathiassen, L., Lindgren, R. (2017), Embracing digital innovation in incumbent firms, MIS quarterly, 41(1), 239-254;
  9. Westerman, G., Mitra, S., Sambamurthy, V. (2011), Measuring IT performance and communicating value, MIS Quarterly Executive, 10(1).
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 7/2023