Dồn lực triển khai chuyển đổi số ngành Hải quan
Chuyển đổi số vừa là mục tiêu vừa là giải pháp quan trọng để xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, dẫn đầu trong thực hiện chính phủ số, với mô hình hải quan số, hải quan thông minh. Toàn ngành Hải quan đã, đang và sẽ tiếp tục dồn lực để triển khai hiệu quả công tác này.
Tập trung nguồn lực thực hiện
Giai đoạn hiện nay, ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số là một trong những nội dung ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. Trong lĩnh vực hải quan, Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022 phê duyệt Chiến lược Phát triển hải quan đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ cũng đề ra mục tiêu cơ bản hoàn thành hải quan số đến năm 2025.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện chính phủ số, với mô hình hải quan số, hải quan thông minh. Từ đó, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan, quản lý hải quan...
Để triển khai hiệu quả công tác chuyển đổi số, Tổng cục Hải quan đã sớm ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của Tổng cục năm 2023; Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và dồn lực tập trung thực hiện.
Theo đó, Tổng cục Hải quan đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số do Phó Tổng cục trưởng Lưu Mạnh Tưởng làm Trưởng ban; Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo do Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan Lê Đức Thành làm Tổ trưởng.
Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số cũng đã được ban hành. Quy chế đề cao trách nhiệm cá nhân, tinh thần chủ động của các thành viên khi giải quyết công việc trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho việc tận dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của Tổng cục Hải quan; đảm bảo yêu cầu phối hợp công tác, trao đổi thông tin trong giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Thời gian qua, Ngành Hải quan đã tập trung nguồn nhân lực trong toàn Ngành nghiên cứu, xây dựng và triển khai tái thiết kế tổng thể quy trình nghiệp vụ hải quan để phục vụ Dự án xây dựng Hệ thống công nghệ thông tin thực hiện hải quan số. Tổng cục Hải quan đã hoàn thành tài liệu nghiệp vụ chuẩn hoá với gần 2.000 trang tài liệu, hoàn thành tài liệu yêu cầu kỹ thuật phục vụ Dự án.
Tổng cục Hải quan cũng đã đảm bảo vận hành ổn định 24/7 hệ thống thông quan tự động, VNACCS/VCIS và các hệ thống công nghệ thông tin của Ngành; triển khai hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và Cơ chế một cửa ASEAN (ASW). Tổng cục đã đôn đốc, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành thực hiện Kế hoạch tổng thể triển khai NSW, ASW và tạo thuận lợi thương mại. Hiện đã có 250 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối NSW, hơn 6,45 triệu bộ hồ sơ của hơn 63.500 doanh nghiệp được xử lý qua NSW…
Từng bước chuyển đổi hệ thống công nghệ thông tin
Theo ông Lê Đức Thành – Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan), chuyển đổi số sẽ thay đổi một cách căn bản các quy trình nghiệp vụ quản lý, dẫn đến thay đổi thói quen làm việc của người dân, doanh nghiệp cho đến công tác quản lý của cơ quan hải quan.
Cùng với đó là thay đổi toàn bộ hệ thống công nghệ thông tin hiện nay. Khi các vấn đề về nghiệp vụ, về giao tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan quản lý đã thay đổi thì hệ thống công nghệ thông tin phải đảm bảo tiếp nhận được các hồ sơ bản số để giúp cho cán bộ hải quan có thể tăng cường công tác quản lý cũng như giúp người dân, doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước một cách nhanh chóng, chính xác.
Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan cho biết, để thực hiện hiệu quả quá trình chuyển đổi số, ngành Hải quan cần căn cứ vào những định hướng, chiến lược về chuyển đổi số để điều chỉnh các phương thức quản lý, các quy định, văn bản pháp lý, luật, nghị định, thông tư liên quan.
Khi thực hiện chuyển đổi số, việc chuyển đổi hệ thống công nghệ thông tin hiện nay sang hệ thống mới cũng cần có kế hoạch, phương thức, bước đi phù hợp để giảm thiểu sự ảnh hưởng đến hoạt động của người dân, doanh nghiệp; không gây xáo trộn, ảnh hưởng đối với quá trình xuất nhập khẩu.
Cũng theo Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan, trong quá trình thay đổi, người dân, doanh nghiệp sẽ bỡ ngỡ, khó khăn, vướng mắc và cần sự hỗ trợ. Lúc này, cơ quan hải quan các cấp phải có kế hoạch hướng dẫn, giúp đỡ người dân, doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi.
Ngoài ra, cần có sự phối hợp nhịp nhàng của các bộ, ngành, cơ quan khác trong việc số hóa các văn bản, giấy tờ khi chuyển đến cơ quan hải quan làm thủ tục cho người dân, doanh nghiệp.