Những vấn đề xoay quanh thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc

Theo ncseif.gov.vn

Trung Quốc hiện là thị trường chứng khoán (TTCK) lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Sự biến động mạnh trên thị trường này vẫn là chuyện phổ biến, khi các chỉ số chứng khoán tiêu chuẩn có thể dao động tới 10% chỉ trong vài giờ. Tuy nhiên trong thời gian gần đây TTCK của nền kinh tế thứ hai thế giới này đã sụt giảm nghiêm trọng. Tính từ mức đỉnh ngày 12/6/2015, chỉ số Shanghai Composite đã giảm khoảng 32%. Tính tới thời điểm hiện tại, chứng khoán Trung Quốc đã thổi bay gần 4.000 tỷ USD vốn hóa khiến gần một nửa cổ phiếu niêm yết phải ngừng giao dịch.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trước tình hình ngày càng xấu đi của thị trường chứng khoán, Chính phủ nước này đã có những biện pháp mạnh mẽ để nhằm cứu thị trường. Nổi bật trong số đó phải kể đến việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục, đồng thời bơm tiền mặt vào Công ty Chứng khoán Tài chính Trung Quốc (CSF), một công ty nhà nước cung cấp khoản vay 42 tỉ USD đến 21 công ty môi giới để mua những cổ phiếu hàng đầu. Đồng thời, các công ty môi giới còn cam kết sẽ đưa hơn 20 tỉ USD vào thị trường. Với việc kích thích nguồn cầu bằng giải pháp này, chính quyền Bắc Kinh mong muốn ngăn chặn TTCK tiếp tục rớt giá.

Khoảng một nửa các doanh nghiệp được niêm yết trên sàn giao dịch phải dừng mọi hoạt động. Trong đó các cá nhân nắm giữ hơn 5% cổ phần doanh nghiệp và thành viên hội đồng quản trị của các công ty đều không được bán cổ phiếu trong vòng sáu tháng. Mặt khác, chính phủ dừng niêm yết cổ phiếu mới khi thị trường đang trong giai đoạn hàng triệu nhà đầu tư lớn nhỏ đang cần “bán đổ bán tháo” hơn là mua vào. Ủy ban Quản lý Chứng khoán Trung Quốc còn yêu cầu các doanh nghiệp phải mua hoặc khuyến khích các thành viên hội đồng quản trị, nhân viên công ty mua cổ phiếu của chính công ty mình.

Ngân hàng Trung Quốc còn tạo điều kiện để nhiều nhà đầu tư được thế chấp nhà để mua cổ phiếu khi giá cổ phiếu đang xuống mức chạm đáy. Ai cũng hy vọng và có niềm tin rằng các biện pháp của chính phủ sẽ kéo giá cổ phiếu tăng lại và họ sẽ có thu lợi từ chênh lệch giá. Trong khi đó, giá đồng nhân dân tệ cũng giảm mạnh nhằm kích thích xuất khẩu để tăng trưởng thị trường.

Ngoài ra, Theo nguồn tin của hãng Bloomberg Trung Quốc đã dành sẵn 483 tỉ USD để ổn định TTCK nước này, vốn đang đe dọa đến tăng trưởng của nền kinh tế. Theo đó, Tập đoàn tài chính chứng khoán Trung Quốc (CSF) có thể sử dụng số tiền này để mua cổ phiếu và hỗ trợ thanh khoản cho thị trường.

Tình thế khó cứu vãn

Trung Quốc không phải là nước duy nhất có lịch sử can thiệp vào TTCK nhưng các biện pháp có phát huy được hiệu quả hay không thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Chính quyền Hồng Kông đã mua 15 tỷ USD cổ phiếu để trợ giá trong suốt khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998, trong khi Ủy ban chứng khoán Mỹ cũng cấm bán khống trong khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây 7 năm. Quốc hội Mỹ bơm 800 tỷ USD vào thị trường thông qua chương trình TARP nhằm tái cấp vốn cho toàn bộ hệ thống ngân hàng.Thị trường tăng điểm mạnh sau khi Chính phủ Trung Quốc dồn dập triển khai các biện pháp can thiệp.

Tuy nhiên thị trường lại đang đảo chiều sau khi hàng trăm cổ phiếu được giao dịch trở lại. Một nguyên nhân khác là Trung Quốc vừa công bố báo cáo cho thấy GDP của nước này tăng trưởng 7% trong quý II/2015 không thay đổi so với quý I - tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, doanh thu bán lẻ trong quý II/2015 tăng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái . Một khi kinh tế ổn định ở mức 7% như mục tiêu chính phủ đề ra đợt đầu năm 2015, rất có thể các biện pháp kích thích kinh tế sẽ được dừng lại. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của các nhà đầu tư.

Ảnh hưởng không nhỏ

Một câu hỏi đặt ra là: Tại sao Chính Phủ trung Quốc lại can thiệp sâu đến TTCK như vậy? Phải chăng họ nhìn thấy những nguy cơ nền kinh tế sụp đổ và đang cố gắng ngăn “vết thương” lây lan và cuối cùng gây nên bất ổn xã hội. Tâm trạng hoảng loạn của thị trường có thể ảnh hưởng đến quá trình cải cách kinh tế ở Trung Quốc mà nổi bật là quyết tâm để các yếu tố thị trường đóng vai trò quan trọng hơn thay vì những chính sách can thiệp của Chính phủ.

Hiện nay, nợ xấu trong quý I/2015 đã tăng cao kỷ lục lên 140 tỷ nhân dân tệ (23 tỷ USD) trong khi GDP tăng trưởng chậm lại. Riêng trong tháng 6/2015, các khoản vay của các doanh nghiệp và hộ gia đình tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Các biện pháp kích thích của chính phủ, kể cả hạ lãi suất và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhằm thúc đẩy tăng trưởng, đang đe dọa ảnh hưởng xấu đến nỗ lực cắt giảm nợ, gây nguy hiểm cho sự ổn định tài chính của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.

Ngoài ra, chứng khoán rớt giá nhanh thường là dấu hiệu của một nền kinh tế đang bị xáo trộn. Khi chứng khoán mất đà, cầu trong nước sẽ bị ảnh hưởng mạnh. Điều này có thể khiến cỗ máy tăng trưởng của toàn cầu thập kỷ qua gặp trục trặc. Vì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của cả Mỹ và Châu Âu, nên nếu kinh tế Trung Quốc có vấn đề thì các nền kinh tế này sẽ bị tác động rất tiêu cực và do đó tác động đến nền kinh tế toàn cầu.