Tác động của các chính sách tài chính thế giới đến Việt Nam
Chính sách tài chính thế giới trong tháng 7 vừa qua đã có tác động không nhỏ tới kinh tế - tài chính Việt Nam thời gian này.
Chính sách tài chính thế giới tháng 7/2015
Mỹ
Sau cuộc họp chính sách ngày 16-17/6/2015, Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 0-0,25% do tình hình kinh tế chưa có dấu hiệu hồi phục rõ rệt, nhưng vẫn để ngỏ khả năng sẽ tăng lãi suất vào cuối năm. Trong phát biểu trước Ủy ban Dịch vụ Tài Chính Nhà đất (7/2015), chủ tịch FED dự báo kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục hồi phục trong khoảng từ nay tới cuối năm, mở ra khả năng Mỹ sẽ tăng lãi suất sớm hơn trong năm nay.
Bên cạnh đó, thị trường lao động đang hồi phục khả quan cũng là yếu tố quan trọng quyết định việc tăng lãi suất. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm xuống còn chỉ 5,3% trong tháng 6/2015 và đã gần đạt mức toàn dụng
Eurozone
Tình hình vỡ nợ của nền kinh tế Hy Lạp đã có dấu hiệu bớt căng thẳng hơn khi ngày 13/7, Liên minh châu Âu đã đạt được thỏa thuận cho Hy Lạp vay 7,18 tỷ EUR để thanh toán các khoản vay lớn cho các chủ nợ quốc tế. Chính phủ Hy Lạp đã trả khoản vay 2 tỷ EUR cho Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), và khoản nợ trị giá 4,2 tỷ euro cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Ngày 20/7, IMF thông báo Hy Lạp đã thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ đồng thời IMF tuyên bố sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Hy Lạp để khôi phục đà tăng trưởng và sự ổn định tài chính. Ngày 20/7 vừa qua, hệ thống ngân hàng tại Hy Lạp đã được mở cửa hoạt động bình thường sau khi Quỹ hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp cho các ngân hàng Hy Lạp tăng lên 900 triệu EUR, yếu tố then chốt giúp hệ thống ngân hàng nước này hoạt động trở lại.
Người dân Hy Lạp được rút tối đa 420 euro/lần/tuần chứ không phải theo hạn mức 60 euro/ngày như trước. Theo nhật báo Kathimerini, việc các ngân hàng đóng cửa suốt ba tuần khiến nền kinh tế Hy Lạp thiệt hại 3 tỉ EUR (3,3 tỉ USD) vì rối loạn thị trường và xuất khẩu đình trệ. Hiện tại, Hy Lạp tiếp tục cấm chuyển tiền ra các ngân hàng nước ngoài.
Tuy nhiên, mặc dù thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ tạm thời song Hy Lạp vẫn phải đối mặt với tình trạng căng thẳng mâu thuẫn nội bộ, khi Chính phủ Hy Lạp đã cam kết sẽ áp dụng các chính sách thắt lưng buộc bụng khắt khe hơn nữa để được nhận gói cứu trợ, trong đó gần nhất là việc tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với một loạt hàng hóa và dịch vụ từ 13% đến 23%.
Đối với các mặt hàng như nước uống, năng lượng, các mặt hàng thực phẩm chủ lực, đặc biệt là các sản phẩm tươi sống sẽ áp mức thuế giá trị gia tăng 13%. Các sản phẩm không thuộc loại hàng mau hỏng bị áp thuế ở mức 23%. Mức thuế tối đa này cũng áp dụng cho các dịch vụ phương tiện giao thông công cộng, taxi, nhà hàng và các dịch vụ khác. Dự kiến khoản tăng thuế này sẽ đem về cho Chính phủ Hy Lạp 867 triệu USD vào cuối năm nay. Đây là điều kiện Hy Lạp phải chấp nhận để được cấp gói cứu trợ mới.
Trung Quốc
Ngày 27/6/2015, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã hạ lãi suất cơ bản xuống mức hấp kỷ lục, đồng thời hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với một số ngân hàng. Đây là lần hạ lãi suất thứ 4 kể từ tháng 11/2014. Ngoài ra, Trung Quốc đã dành sẵn 483 tỷ USD để ổn định thị trường chứng khoán nước này, vốn đang đe dọa đến tăng trưởng của nền kinh tế. Theo đó, Tập đoàn tài chính chứng khoán Trung Quốc (CSF) có thể sử dụng số tiền này để mua cổ phiếu và hỗ trợ thanh khoản cho thị trường.
Các nền kinh tế khác
Ngày 9/7, chính phủ Hàn Quốc đã công bố một gói tín dụng trị giá hơn 14 tỷ USD kéo dài tới năm 2016 để giúp các ngành công nghiệp xuất khẩu của nước này có thể vượt qua những khó khăn trong thời gian tới. Mục tiêu của gói tín dụng 14,26 tỷ USD này là giúp các nhà xuất khẩu nhỏ lẻ có thể tiếp cận với các khoản vay giá rẻ hay mua bảo hiểm, để ứng phó với tình hình kinh doanh đi xuống. Ngoài ra, dịch bệnh MERS cũng làm ảnh hưởng đáng kể tới tình hình tiêu thụ trong nước. Trước khi đưa ra gói tín dụng hỗ trợ xuất khẩu, chính phủ Hàn Quốc đã tung ra một gói kích cầu khác với trị giá 14,3 tỷ USD để giảm thiểu ảnh hưởng của MERS.
Tác động đến kinh tế Việt Nam
Sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tuyên bố sẽ nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên 100% thay vì 60%, ngoại trừ một số lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến an ninh quốc phòng, các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm nhiều hơn đến thị trường Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm nay, khối ngoại đã mua ròng hơn 233 triệu USD cổ phiếu Việt Nam, cao hơn so với 128 triệu USD cả năm năm 2014.
Trước tình hình giá chứng khoán liên tục lao dốc và các dòng vốn tìm mọi cách thoát ra khỏi thị trường Trung Quốc, Chính phủ nước này đã ban hành một loạt các chính sách hỗ trợ thị trường, trong đó có biện pháp phá giá đồng nhân dân tệ so với đồng USD. Theo đó, đồng nhân dân tệ yếu đi sẽ giúp các nhà xuất khẩu tăng sức cạnh tranh so với những thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Điều này sẽ gây tổn hại đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc, đặc biệt là hàng hóa nông sản khi Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính của Việt Nam.
Ngược lại. hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có thể sẽ tăng lên do khi phá giá đồng tiền, hàng hóa Trung Quốc sẽ rẻ hơn hàng hóa cùng loại của các nước khác. Ngoài ra, khi nền kinh tế giảm tốc cũng sẽ khiến nhu cầu tiêu dùng tại thị trường Trung Quốc giảm mạnh nên các nhà xuất khẩu Trung Quốc phải tìm cách xuất khẩu ra bên ngoài để mong tìm kiếm lợi nhuận.
Bên cạnh đó, giá dầu thế giới có xu hướng giảm sẽ kéo theo giá xăng dầu trong nước giảm. Ngày 20/7/2015, giá mặt hàng xăng RON 92 đã giảm 260 đồng/lít xuống mức bán lẻ là 20.120 đồng/lít; dầu diesel giảm 1.112 đồng/lít, xuống mức giá 14.681 đồng/lít. Dầu hoả có giá bán lẻ không cao hơn 13.750 đồng/lít, tức giảm 1.128 đồng/lít. Dầu madut giảm 872 đồng/lít và có giá bán lẻ không cao hơn 11.434 đồng/lít. Tháng 7/2015, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên cả nước được cơ quan thống kê ghi nhận tăng 0,13% so với tháng 6/2015.