Những yếu tố tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023
Theo VinaCapital, nhìn sang năm 2023, có thể nói, nhiều sự kiện tiêu cực đã được phản ánh vào giá cổ phiếu, một số yếu tố đang trở nên tốt lên, đồng thời xuất hiện những yếu tố tích cực mới. Định giá của thị trường chứng khoán đang ở vùng thấp trong 10 năm trở lại đây, hấp dẫn cho đầu tư dài hạn. Vậy đâu là những yếu tố tích cực tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm nay?
Trong năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam không thoát khỏi xu thế chung của toàn thế giới khi chỉ số VN-Index lao dốc từ trên 1.500 điểm xuống còn 880 điểm vào tháng 11/2022, nhưng đến cuối năm đã hồi lên trên 1.000 điểm.
Bên cạnh đó, thị trường cũng chịu sức ép trước những thay đổi trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trước áp lực tỷ giá và lãi suất. Dòng tiền trong hệ thống căng thẳng trước áp lực thanh khoản và câu chuyện niềm tin khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đặc biệt là trái phiếu phát hành của các doanh nghiệp bất động sản chịu ảnh hưởng do làn sóng rút tiền của nhà đầu tư.
Thống kê có thấy, giá trị giao dịch bình quân phiên trên toàn thị trường chứng khoán năm 2022 đạt 20.700 tỷ đồng/phiên, giảm khoảng 21% so với năm 2021. Mức thanh khoản này là không thấp, nhưng dòng tiền trên thị trường đã chững lại do thanh khoản của toàn nền kinh tế gặp khó khăn.
Tuy nhiên, với sự quan tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển, thực sự trở thành kênh huy động vốn dài hạn, thị trường này sẽ phát triển chuyên nghiệp và minh bạch hơn trong năm 2023 và trong thời gian tới.
Theo báo cáo thị trường tháng 1/2023 của VinaCapital, có khá nhiều yếu tố tích cực tác động đến tăng tưởng kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng.
Trước tiên phải kể đến yếu tố lạm phát toàn cầu nhiều khả năng đã qua đỉnh. Chỉ số hàng hóa toàn cầu của Bloomberg đã lập đỉnh vào tháng 6/2022 và đã giảm khoảng 16% vào thời điểm cuối năm 2022. Lạm phát của Mỹ cũng lập đỉnh 9,1% vào tháng 6/2022, từ đó bắt đầu giảm dần theo xu hướng tháng sau thấp hơn tháng trước.
Bên cạnh đó, dự báo, trong thời gian tới, các ngân hàng trung ương sẽ bớt quyết liệt hơn trong chính sách thắt chặt tiền tệ. Trong năm 2022, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất 7 lần, từ mức 0%-0,25% lên mức 4,25%-4,5%. Dự báo Fed có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2023 nhưng mức tăng sẽ ít hơn nhiều so với năm 2022 do áp lực về lạm phát đã giảm xuống. Về tác động đối với thị trường chứng khoán, việc tăng lãi suất trong năm 2023 đã ít nhiều được phản ánh vào giá cổ phiếu.
Trong nước, dự báo áp lực về lãi suất và tỷ giá đã giảm đáng kể. Theo đó, lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã giảm về dưới 5,0% vào cuối năm 2022. Cũng trong tháng 12/2022, các tổ chức tín dụng đã thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tối đa 9,5% cho tất cả các kỳ hạn, trong khi trước đó, có một số ngân hàng nhỏ đã đẩy lãi suất huy động lên mức 11-12%.
Với xu hướng đồng USD yếu đi kể từ tháng 9/2022 (chỉ số DXY giảm 9% kể từ tháng 9/2022 đến cuối năm 2022), áp lực về tỷ giá đã giảm đáng kể. Tỷ giá USD/VND đã giảm từ khoảng 24.900 đồng/USD trong tháng 11/2022 xuống còn khoảng 23.600 đồng/USD vào cuối năm 2022. Tiền đồng được kỳ vọng sẽ được tiếp tục hỗ trợ bởi dòng vốn từ đầu tư nước ngoài và thặng dư thương mại của Việt Nam. Đồng thời, dự kiến room tín dụng lần đầu của năm 2023 sẽ nhanh chóng được cấp cho các ngân hàng trong tháng đầu năm, đáp ứng nhu cầu về vốn của nền kinh tế và giúp hỗ trợ thanh khoản cho thị trường tài chính.
Mặt khác, theo các chuyên gia chứng khoán, việc Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công sẽ được coi như một động lực chủ chốt cho tăng trưởng kinh tế, đồng thời việc này giúp cải thiện thanh khoản cho thị trường tiền tệ và thị trường chứng khoán. Cùng chung quan điểm này, đại diện VinaCapital cho rằng, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng vốn trên 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% so với kế hoạch năm 2022 và khoảng 61% so với số ước thực hiện năm 2022. Chính phủ đang rất quyết liệt trong việc đẩy nhanh tiến độ các dự án cơ sở hạ tầng. Đây là một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, kéo theo sự phục hồi và tăng trưởng của thị trường chứng khoán.
Việc Trung Quốc chấm dứt chính sách zero-COVID và mở cửa trở lại nền kinh tế sẽ tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực du lịch. Vào giai đoạn trước dịch COVID-19, khách Trung Quốc chiếm khoảng gần 1/3 khách quốc tế đến Việt Nam. Ngoài ra, việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng thời sẽ thúc đẩy xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, nhất là đối với các sản phẩm nông nghiệp.
Đặc biệt hiện nay, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được định giá hấp dẫn. Theo VinaCapital, vào thời điểm cuối năm 2022, chỉ số VN Index đang được giao dịch ở mức P/E cho năm 2023 khoảng 10 lần, thuộc vào vùng định giá rẻ nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Mức P/E này cũng thấp hơn khoảng 30% so với các thị trường mới nổi trong khu vực ASEAN, trong khi trong giai đoạn trước 2022, mức chiết khấu của thị trường Việt Nam trung bình chỉ khoảng 15%. Các nhà đầu tư nước ngoài đã thấy được sự hấp dẫn này và đã mua ròng khoảng 1,3 tỷ USD trong tháng 11 và 12/2022. Dự báo, xu hướng này tiếp tục trong thời gian tới.