Niềm tin trở lại, các công ty chứng khoán đánh giá và hành động gì cuối năm 2023?


Lãnh đạo công ty chứng khoán cùng đánh giá niềm tin của nhà đầu tư đã trở lại, tuy nhiên cần có những chính sách, biện pháp lấy lại niềm tin về dài hạn, đặc biệt với nhà đầu tư nước ngoài.

Triển vọng trong ngắn hạn sẽ tích cực với nhóm chứng khoán và bất động sản khu công nghiệp.
Triển vọng trong ngắn hạn sẽ tích cực với nhóm chứng khoán và bất động sản khu công nghiệp.

Chia sẻ trong talkshow mới đây do Báo Đầu tư tổ chức, ông Nguyễn Vũ Long - Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán (CTCK) VNDirect (VND) cho rằng, sự hồi phục của thị trường trong giai đoạn vừa qua chính là sự hồi phục về niềm tin, cụ thể là niềm tin của các nhà đầu tư cá nhân đang tham gia thị trường.

Theo vị này, thị trường là nơi giúp doanh nghiệp huy động vốn, do vậy vai trò của các nhà đầu tư cá nhân rất quan trọng.

“Trong năm 2022, với những biến động từ vĩ mô bên ngoài chúng ta phải đón nhận mà không làm chủ được, những biến cố này ảnh hưởng niềm tin rất lớn đối với nhà đầu tư kể cả về trái phiếu lẫn cổ phiếu”, ông Long nói.

Nhưng sang đầu năm 2023, những nút thắt trên thị trường dần được tháo gỡ, thị trường chưa bao giờ chứng kiến những thay đổi quyết liệt về mặt chính sách để củng cố niềm tin, quyết định hạ lãi suất điều hành từ phía ngân hàng nhà nước đã kích thích dòng vốn quay trở lại. Quan trọng hơn là các tháo gỡ liên quan đến yếu tố cơ bản của doanh nghiệp về mặt các chính sách, pháp lý…

Tuy nhiên, theo ông Long, đây chỉ mới là những giải pháp bắt đầu, mới chỉ nhìn thấy sự quay lại của nhà đầu tư cá nhân, điều này đã được nhìn nhận bằng những con số về giá trị giao dịch trong tháng 4, 5 vừa qua. Vẫn cần có những biện pháp để thu hút các nhà đầu tư tổ chức, nước ngoài, về mặt dài hạn.

“Với sự phục hồi của thị trường trong giai đoạn vừa qua sẽ giúp doanh nghiệp bớt khó khăn hơn trong việc huy động vốn qua kênh phát hành cổ phiếu. Tuy nhiên, để lấy lại niềm tin cho thị trường, chúng ta lại cần một chính sách nhất quán, mạch lạc, rõ ràng…. Định hướng chính sách rất quan trọng để có thể lấy niềm tin về mặt dài hạn và thu hút thêm dòng vốn nước ngoài”, Chủ tịch VND nêu quan điểm.

Hai chủ điểm lớn mà VND quan tâm là câu chuyện hạ lãi suất và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Xu hướng giảm lãi suất điều hành chính sẽ tác động đến nhiều nhóm doanh nghiệp trong thời gian tới, đặc biệt nhóm tín dụng như ngân hàng sẽ là nhóm ngành đáng quan tâm. Đồng thời, việc giảm lãi suất cũng sẽ kéo dòng tiền trở lại với thị trường chứng khoán.

VND cũng nhìn nhận đầu tư công vẫn đang là một chủ đề lớn và là câu chuyện hứa hẹn xuyên suốt năm 2023. Đây cũng là động lực kéo sự hồi phục cho nền kinh tế.

Chính phủ đang đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm để hoàn thành ít nhất 95% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Đồng quan điểm, ông Vũ Đức Tiến - Tổng Giám đốc CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng, năm 2022 xảy ra khủng hoảng, là bức tranh tối nhất trong 3 năm trở lại đây, thị trường chứng khoán giảm 34%.

Nhưng với sự quyết liệt của cơ quan quản lý rõ ràng đấy là tín hiệu tốt cho nhà đầu tư, thị trường ngày càng minh bạch hơn.

Quý I/2023, bức tranh kinh tế vĩ mô Việt Nam khá xấu, GDP tăng trưởng thấp, các chỉ số về sản xuất, tiêu dùng sụt giảm, đối mặt với nguy cơ suy thoái. Trên thế giới chu kỳ tăng lãi suất không ngừng nghỉ.

Nhưng Việt Nam đang đối phó với khủng hoảng sau đại dịch tốt hơn thế giới. Chính phủ đang có động thái tốt hỗ trợ nền kinh tế, giải tỏa nỗi lo âu về thị trường trái phiếu, thực thi giãn nợ, giảm lãi suất, giảm thuế VAT, quyết liệt trong đầu tư công để giải ngân.

Tất cả các yếu tố đó đang hướng tới mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp bớt khó khăn, kích thích tăng trưởng GDP.

Các yếu tố kể trên cộng với TTCK đang khởi sắc, thể hiện thanh khoản tăng lên, nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại, theo đánh giá của lãnh đạo SHS, thị trường đã tạo đáy trung hạn ở vùng giá quanh 900 điểm.

Thanh khoản từ quý I/2023 đến hết tháng 4/2023 khoảng 12.400 tỷ đồng/phiên, nhưng bước sang tháng 5 và tháng 6 đã tốt hơn.

SHS đánh giá thị trường có sự tăng trưởng tốt nhìn từ động thái quyết liệt của Chính phủ trong vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp bớt khó khăn, cộng các giải pháp thúc đẩy đầu tư công kích cầu nền kinh tế, mạnh mẽ hơn trong chính sách về lãi suất.

“Trong kịch bản đầu tư, chúng tôi nhìn thấy tín hiệu tích cực. Nếu nhìn trung và dài hạn và xác định vùng đáy chọn cổ phiếu tốt sẽ sinh lời. Nếu đầu tư từ tháng 3/2022 hoặc đầu tháng 5-6/2022 đến nay đã có lời”, ông Tiến chia sẻ.

Theo đó,  Tổng giám đốc SHS cho rằng, các ngành được quan tâm hiện nay gồm: Đầu tư công, sản xuất, tiêu dùng, chứng khoán và ngân hàng, bất động sản.

Cùng góc nhìn, ông Trần Huy Doãn - Giám đốc khối Thị trường Phái sinh, CTCK ACB (ACBS)  đánh giá, thị trường chứng khoán (TTCK) đã trải qua nhiều biến động, một phần do những biến động nhanh và không thể dự đoán từ chính trị và kinh tế thế giới, một phần do những sự kiện không thuận lợi từ nội tại trong nước.

Nhà đầu tư trên thị trường đã bị "đổ vỡ" từ những biến động trồi sụt của thị trường, kéo dài từ tháng 10/2022 đến giai đoạn vừa qua.

Tuy nhiên, diễn biến trên TTCK trong một vài tháng trở lại đây cho thấy, niềm tin của nhà đầu tư đang dần ổn định trở lại. Đây là một điều rất đáng mừng. Bởi về dài hạn, nhà đầu tư vẫn kỳ vọng vào sự hồi phục của nền kinh tế.

Vị này cho rằng, trong 6 tháng cuối năm 2023, việc tiếp tục đẩy mạnh chính sách giải ngân vốn đầu tư công sẽ giúp cải thiện dòng vốn kích cầu cho nền kinh tế, nhưng vẫn cần thêm thời gian để nền kinh tế thực sự khởi sắc, bởi nguy và cơ trong giai đoạn hiện tại đang có những điểm tương đồng với nhau.

Chuyên gia ACBS đánh giá, triển vọng trong ngắn hạn sẽ tích cực với nhóm chứng khoán và bất động sản khu công nghiệp. Trong đó, việc hạ lãi suất điều hành cũng như lãi suất huy động của Ngân hàng Nhà nước sẽ tác động tích cực đến nhóm chứng khoán.

Đối với nhóm bất động sản khu công nghiệp, các doanh nghiệp sẽ hưởng lợi từ xu hướng mở rộng, di dời hoặc đa dạng hoá cơ sở sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia.

“Dự kiến nguồn cung đất công nghiệp ở phía Bắc nhiều hơn phía Nam nhờ cơ sở hạ tầng phát triển và giá thuê đất có thể tiếp tục tăng, nhưng với tốc độ chậm hơn.

Xét trong dài hạn, ACBS kỳ vọng vào nhóm ngân hàng; bất động sản khu công nghiệp; hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng gồm FMCG, dệt may, bán lẻ và năng lượng điện sẽ được hưởng lợi”, ông Doãn chia sẻ quan điểm.

Theo Huyền Châm/thitruongtaichinhtiente.vn