Nợ BHXH, BHYT có dấu hiệu tăng trở lại
Một số doanh nghiệp còn tìm cách đối phó, trốn tránh, chiếm dụng tiền đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) của người lao động sử dụng vào mục đích khác.
Sau nhiều năm nỗ lực kiềm chế, đến nay tỉ lệ nợ BHXH, BHYT trên địa bàn TP. Hà Nội đang có dấu hiệu tăng trở lại. Mới đây, BHXH TP. Hà Nội đã tiếp tục công khai danh sách 500 doanh nghiệp (DN) nợ đọng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) lớn, kéo dài từ 6 đến 24 tháng với tổng số nợ gần 137 tỷ đồng.
Những đơn vị trong danh sách này đã có hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của 11.806 lao động, gây ảnh hưởng xấu đến an sinh xã hội trên địa bàn thủ đô.
Nợ kéo dài
Theo danh sách BHXH Hà Nội vừa công khai, đứng đầu danh sách là Công ty CP Eurowindow (quận Đống Đa), nợ 6 tháng của 2.029 lao động với số tiền gần 18 tỷ đồng; Công ty CP Anh ngữ APAX (quận Ba Đình) nợ 6 tháng của gần 1.360 lao động với số tiền hơn 15,4 tỷ đồng; Công ty CP An Việt Sông Hồng nợ 6 tháng của gần 400 lao động với số tiền gần 3,7 tỷ đồng; Công ty CP Xây lắp Xuân Mai (quận Hà Đông) nợ 7 tháng của 228 lao động với số tiền hơn 2 tỷ đồng...
Ông Vũ Đức Thuật, Phó Giám đốc BHXH Hà Nội, cho biết tính đến tháng 6/2020 Hà Nội có hơn 57.500 đơn vị nợ BHXH với tổng số tiền phải tính lãi là 1.970 tỷ đồng (bằng 4,02% số phải thu và tăng 990,8 tỷ đồng so với năm 2019), tập trung chủ yếu ở khối DN ngoài quốc doanh.
Tình trạng này cũng diễn ra ở nhiều địa phương khác. BHXH tỉnh Quảng Ninh vừa công bố danh sách 47 DN nợ BHXH, BHYT, BHTN kéo dài với tổng số tiền hơn 5,7 tỷ đồng Trong đó, có 24 DN nợ BHXH trên 24 tháng. Đơn vị nợ đọng bảo hiểm nhiều tháng nhất là Công ty CP Tư vấn quy hoạch và Kiến trúc không gian Việt nợ tới 104 tháng tiền BHXH. Tiếp đó là Công ty TNHH Thanh Nam QN nợ tới 101 tháng.
DN nợ số tiền bảo hiểm lớn nhất là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ cơ khí Sơn Thịnh với số nợ hơn 378 triệu đồng, nợ của 56 tháng. Còn theo số liệu của BHXH tỉnh Đồng Nai, trong những tháng đầu năm 2020, tình hình nợ BHXH, BHYT, BHTN có chiều hướng gia tăng, thời gian nợ dây dưa, kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động (NLĐ).
Tính đến hết tháng 6/2020, tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN là 732,4 tỷ đồng, chiếm 3,2% kế hoạch thu. Số đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN từ 3 tháng trở lên là 281 đơn vị, với tổng số tiền 273,4 tỷ đồng, trong đó, nợ BHXH gần 200 tỉ đồng; nợ BHYT 13,8 tỷ đồng; nợ BHTN 6,4 tỷ đồng; nợ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp 1,7 tỷ đồng và nợ phải tính lãi là 51,5 tỷ đồng.
Mạnh tay với DN chây ì
Đại diện Ban thu - BHXH Việt Nam cho rằng nguyên nhân của tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT là do tính tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT của nhiều đơn vị sử dụng lao động chưa tốt, nhất là ở nhóm DN nhỏ. Một số đơn vị còn tìm cách đối phó, trốn tránh, chiếm dụng tiền đóng của NLĐ sử dụng vào mục đích khác.
Đặc biệt, các quy định về quản lý, xử lý nợ chưa có nên các DN chây ì. Bên cạnh đó, số lượng đơn vị phá sản, giải thể, mất tích và chủ bỏ trốn còn cao. Gần đây nhất, do tác động của dịch Covid-19, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN, số lượng lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN giảm; số đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN nhiều hơn.
Ông Vũ Đức Thuật cho biết trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Hà Nội đã tập trung rà soát danh sách các đơn vị sử dụng lao động, số NLĐ tham gia BHXH, số thu, số nợ của từng đơn vị. Trên cơ sở đó, gọi điện và gửi văn bản đôn đốc thu để các đơn vị đối chiếu… Đối với những đơn vị, DN đặc biệt khó khăn, đủ tiêu chí đã được giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có những DN dựa vào tình hình dịch bệnh để lấy cớ chậm đóng, chây ì nợ đọng BHXH, khiến số nợ BHXH tăng cao.
Trước tình trạng chây ì nợ BHXH, BHYT, cuối tháng 12/2019 cơ quan BHXH Hà Nội đã đề nghị Công an TP. Hà Nội vào cuộc điều tra, xác minh hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN đối với 4 công ty nợ đọng bảo hiểm kéo dài, gồm: Công ty CP Công trình giao thông 116 - CIENCO 1; Công ty CP Cơ khí và Xây dựng Bắc Bộ; Công ty CP Cơ khí xây dựng 121 - CIENCO 1; Công ty CP Xây dựng và Kỹ thuật Thuận Thành. Tại thời điểm đó, 4 DN trên đang nợ BHXH, BHYT, BHTN trên 37,4 tỷ đồng.
Ông Vũ Đức Thuật cho biết cơ quan bảo hiểm đã thanh tra, kiểm tra, xử lý hành chính hành vi vi phạm của các công ty nói trên nhưng các công ty này không chấp hành, gây ảnh hưởng đến hàng ngàn lao động. Vì vậy, BHXH TP. Hà Nội đề nghị Công an TP. Hà Nội vào cuộc điều tra, xác minh hành vi vi phạm pháp luật các DN nêu trên nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp các chế độ BHXH, BHYT, BHTN của NLĐ trên địa bàn.
BHXH TP Hà Nội cũng khuyến cáo các đơn vị, DN nếu có hành vi trốn đóng, nợ đọng bảo BHXH, BHYT có thể sẽ phải đối mặt với án phạt nghiêm khắc, chịu hình phạt tù, phạt tiền theo quy định tại Bộ Luật Hình sự.
Truy thu hàng chục tỉ đồng nợ bảo hiểm
Tính đến tháng 6/2020, BHXH đã tiến hành thanh tra chuyên ngành đóng tại 834 đơn vị, qua đó đã phát hiện 2.371 lao động thuộc đối tượng phải tham gia nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng là 18,455 tỷ đồng; 9.985 lao động tham gia thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là 51,785 tỷ đồng. Số tiền nợ đóng các đơn vị đã nộp trong thời gian thanh tra là 98,147 tỷ đồng. BHXH Việt Nam đã ban hành 82 quyết định xử phạt vi phạm hành chính và thu hồi 4,326 tỷ đồng.
Từ đây đến cuối năm, BHXH các tỉnh, Thành phố sẽ thanh tra đột xuất tại các đơn vị, DN cố tình trốn đóng hoặc có dấu hiệu lạm dụng, trục lợi BHXH, BHTN, BHYT; kịp thời xử lý, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHTN, BHYT.