Nội dung kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia và tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương?
Nội dung kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia và tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là những quy định đáng chú ý tại Nghị định số 45/2017/NĐ-CP vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Các quy định này bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 05/6/2017 và áp dụng từ năm ngân sách 2017.
Nội dung kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia
Nghị định số 45/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ nội dung kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia, gồm:
Thứ nhất, đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu trong kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia giai đoạn trước, những kết quả đạt được, những hạn chế yếu kém và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm.
Thứ hai, xác định mục tiêu tổng quát của kế hoạch tài chính 05 năm.
Thứ ba, xác định mục tiêu cụ thể, chủ yếu về tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN), gồm: Thu và cơ cấu thu ngân sách, chi và cơ cấu chi ngân sách; bội chi NSNN; nợ Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia; huy động vốn vay trong và ngoài nước; huy động và phân phối các nguồn lực, cơ cấu NSNN trong thời gian 05 năm kế hoạch;
Thứ tư, xác định khung cân đối NSNN, bao gồm:
- Tổng thu NSNN (số tuyệt đối và tỷ lệ so với tổng sản phẩm trong nước - GDP), chi tiết cơ cấu thu theo khu vực; các giải pháp về chính sách và quản lý nhằm huy động nguồn thu NSNN.
- Tổng chi NSNN (số tuyệt đối và tỷ lệ so với GDP), chi tiết theo cơ cấu chi đầu tư phát triển, chi dự trữ quốc gia, chi thường xuyên, chi trả nợ lãi, chi viện trợ, các khoản chi khác; các yếu tố tác động đến chi NSNN và các giải pháp về chính sách và quản lý nhằm đảm bảo cơ cấu chi hợp lý, bền vững, nâng cao hiệu quả chi NSNN.
- Về cân đối NSNN, Bội chi hoặc bội thu NSNN (số tuyệt đối và tỷ lệ so với GDP); tổng mức vay của NSNN, bao gồm vay bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của NSNN; các giải pháp để đảm bảo an toàn, bền vững NSNN.
- Về các chỉ tiêu về quản lý nợ, gồm: Các chỉ tiêu giới hạn về nợ; mức dư nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia; tỷ lệ trả nợ so với tổng thu NSNN; tổng mức huy động; các giải pháp về chính sách và quản lý nhằm đảm bảo an toàn, bền vững nợ công.
- Dự báo những rủi ro tác động đến khung cân đối NSNN và các chỉ tiêu quản lý về nợ.
- Các giải pháp tài chính khác nhằm thực hiện kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia.
Nội dung kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Theo Nghị định số 45/2017/NĐ-CP của Chính phủ, nội dung kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, gồm:
Một là, đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu trong kế hoạch tài chính 05 năm của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn trước, những kết quả đạt được, những hạn chế yếu kém và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm.
Hai là, xác định mục tiêu tổng quát của kế hoạch tài chính 05 năm.
Ba là, xác định mục tiêu cụ thể, chủ yếu về tài chính - ngân sách của địa phương, gồm: thu và cơ cấu thu ngân sách, chi và cơ cấu chi ngân sách; bội chi ngân sách địa phương; nợ của ngân sách cấp tỉnh; huy động và phân phối các nguồn lực, cơ cấu ngân sách địa phương trong thời gian 05 năm kế hoạch.
Bốn là, xác định khung cân đối ngân sách địa phương, bao gồm:
- Thu NSNN trên địa bàn và thu cân đối ngân sách địa phương, gồm tổng thu; số thu và cơ cấu theo thu nội địa, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu; các yếu tố tác động đến thu NSNN trên địa bàn và các giải pháp về chính sách và quản lý nhằm huy động nguồn thu ngân sách địa phương;
- Chi ngân sách địa phương, gồm: Tổng chi; số chi và cơ cấu theo chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên, chi trả nợ lãi; các yếu tố tác động đến chi ngân sách địa phương và các giải pháp về chính sách và quản lý nhằm đảm bảo cơ cấu chi hợp lý, bền vững, nâng cao hiệu quả chi ngân sách địa phương;
- Cân đối ngân sách địa phương: Bội chi hoặc bội thu ngân sách địa phương; tổng mức vay của ngân sách địa phương, bao gồm vay bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của ngân sách địa phương; các giải pháp để đảm bảo an toàn, bền vững ngân sách địa phương.
- Các chỉ tiêu về quản lý nợ của địa phương, gồm: Hạn mức vay, dư nợ vay của chính quyền địa phương; dự kiến vay, trả nợ; các giải pháp về chính sách và quản lý nhằm đảm bảo an toàn, bền vững nợ của chính quyền địa phương.
- Dự báo những rủi ro tác động đến khung cân đối ngân sách địa phương và các chỉ tiêu quản lý về nợ của chính quyền địa phương.
- Các giải pháp tài chính khác nhằm thực hiện kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.