Quy định mới về tạm ứng quỹ nhà nước cho ngân sách nhà nước

PV.

Việc tạm ứng ngân quỹ nhà nước cho ngân sách nhà nước sẽ được thực hiện theo quy định mới tại Thông tư số 30/2017/TT-BTC được Bộ Tài chính ban hành ngày 18/4/2017. Có hiệu lực từ ngày 05/6/2017, Thông tư này sẽ thay thế Thông tư 162/2012/TT-BTC ngày 03/10/2012 và Thông tư 62/2015/TT-BTC ngày 05/5/2015 của Bộ Tài chính.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thông tư số 30/2017/TT-BTC được Bộ Tài chính ban hành nhằm xử lý thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách trung ương, đáp ứng các yêu cầu chi đột xuất ngân sách trung ương chưa tập trung kịp nguồn thu. Hoặc thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc kế hoạch đầu tư công hàng năm và trung hạn của địa phương.

Tuy nhiên, kế hoạch đầu tư của các địa phương phải là kế hoạch đã được HĐND tỉnh quyết định và được ghi trong dự toán ngân sách hàng năm được HĐND tỉnh phê duyệt nhằm đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng.

Theo đó, Bộ Tài chính bổ sung một điểm mới so với hiện hành là điều kiện tạm ứng ngân quỹ nhà nước cho ngân sách cấp tỉnh đối với các khoản được thực hiện và hoàn trả trong cùng năm ngân sách cần đảm bảo các điều kiện sau:

Một là, có Nghị quyết của HĐND tỉnh hoặc công văn phê duyệt của Thường trực HĐND tỉnh về việc tạm ứng ngân quỹ nhà nước để thực hiện dự án;

Hai là, ngân sách cấp tỉnh không có dư nợ tạm ứng ngân quỹ nhà nước quá hạn tại thời điểm đề nghị tạm ứng.

Thông tư cũng hướng dẫn, địa phương cần cung cấp thêm mức đề nghị tạm ứng phải nằm trong hạn mức dư nợ vay còn lại của ngân sách cấp tỉnh theo quy định tại Luật NSNN 2015 và các văn bản hướng dẫn.

Mức đề nghị tạm ứng phải nằm trong mức bội chi của ngân sách cấp tỉnh được Quốc hội quyết định hàng năm theo quy định của Luật NSNN 2015 và các văn bản hướng dẫn.

Đồng thời, phải đảm bảo giới hạn tỷ lệ các khoản vay bù đắp bội chi của ngân sách địa phương có thời hạn vay ngắn hạn theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Việc tạm ứng ngân quỹ nhà nước cho NSNN được thực hiện một cách an toàn và hiệu quả; đảm bảo không ảnh hưởng đến khả năng thanh toán, chi trả của Kho bạc Nhà nước.

Mặt khác, việc tạm ứng phải được cấp có thẩm quyền quyết định và tuân thủ các quy định của Luật NSNN 2015, các văn bản hướng dẫn và quy định tại Thông tư này. 

Đồng thời, được thực hiện tại Kho bạc Nhà nước Trung ương và Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh; Kho bạc Nhà nước cấp huyện không được tạm ứng ngân quỹ nhà nước cho ngân sách địa phương cũng như bất kỳ đối tượng khác trái quy định. 

Cùng với những quy định trên, Bộ Tài chính cũng quy định, mức tạm ứng ngân quỹ nhà nước đối với trường hợp tạm ứng cho ngân sách trung ương sẽ căn cứ vào khả năng thu và nhu cầu chi của ngân sách trung ương, do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định.

Đối với tạm ứng cho ngân sách cấp tỉnh, trường hợp tạm ứng ngân quỹ nhà nước được thực hiện và hoàn trả trong cùng năm ngân sách. Mức tạm ứng ngân quỹ nhà nước cụ thể cho từng ngân sách cấp tỉnh do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định.

Trường hợp tạm ứng ngân quỹ nhà nước có thời hạn tạm ứng kéo dài qua năm ngân sách thì mức tạm ứng tối đa cho từng ngân sách cấp tỉnh không vượt quá hạn mức dư nợ vay còn lại của ngân sách cấp tỉnh và giới hạn tỷ lệ các khoản vay bù đắp bội chi của ngân sách địa phương có thời hạn vay ngắn hạn theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Thời hạn tạm ứng ngân quỹ nhà nước tối đa cho NSNN (bao gồm ngân sách trung ương và ngân sách cấp tỉnh) là 12 tháng kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Tài chính ký Quyết định phê duyệt tạm ứng ngân quỹ nhà nước.

Thời hạn rút vốn đối với các khoản tạm ứng được Bộ Tài chính phê duyệt trong năm ngân sách chậm nhất là đến hết ngày 31/12 của năm ngân sách đó. Sau thời gian trên, khoản tạm ứng hết hạn rút vốn và bị hủy bỏ.

Trong trường hợp ngân sách trung ương có khó khăn, không bố trí được nguồn để hoàn trả tạm ứng ngân quỹ nhà nước đầy đủ, đúng hạn thì chậm nhất 15 ngày trước ngày đến hạn hoàn trả tạm ứng, Vụ Ngân sách Nhà nước phải có công văn gửi Kho bạc Nhà nước đề nghị gia hạn tạm ứng ngân quỹ nhà nước.

Theo đó, thời gian gia hạn tối đa không quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn hoàn trả và phải được hoàn trả trong năm ngân sách. Trường hợp tạm ứng ngân quỹ nhà nước cho ngân sách cấp tỉnh được thực hiện và hoàn trả trong năm ngân sách, ngân sách cấp tỉnh không được gia hạn tạm ứng.

Đối với tạm ứng ngân quỹ nhà nước có thời hạn tạm ứng kéo dài qua năm ngân sách chậm nhất 15 ngày trước ngày đến hạn hoàn trả tạm ứng, Ủy ban nhân dân tỉnh có công văn đề nghị Bộ Tài chính gia hạn tạm ứng.

Trường hợp không chấp thuận gia hạn tạm ứng ngân quỹ nhà nước, Bộ Tài chính có công văn trả lời UBND tỉnh. Mẫu báo cáo tạm ứng và tình hình sử dụng ngân quỹ tạm ứng mời xem chi tiết tại biểu mẫu ban hành kèm theo Thông tư này.

Mức phí tạm ứng ngân quỹ nhà nước cho ngân sách trung ương và ngân sách cấp tỉnh áp dụng thống nhất là 0,21%/tháng (trên cơ sở một tháng có 30 ngày) tính trên số dư nợ tạm ứng và số ngày tạm ứng thực tế.

Mức phí tạm ứng quá hạn được tính bằng 150% mức phí tạm ứng được tính trên số dư nợ tạm ứng quá hạn và số ngày tạm ứng quá hạn.