Nước Anh sau Brexit: Điểm khởi đầu mới
“Tối nay, chúng ta sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu”, “đây không phải là điểm kết thúc, mà là điểm khởi đầu”, là “bình minh của một kỷ nguyên mới”, Thủ tướng Anh Boris Johnson phấn khởi phát biểu với giới truyền thông vào ngày 31/1/2020 như vậy.
Tiếp tục quá trình đàm phán thương mại phức tạp
Nhiều người đặt câu hỏi, đó sẽ là “điểm khởi đầu” của một giai đoạn thịnh vượng, hay một giai đoạn sụt giảm không phanh của nước Anh? Bìa bản in tờ Economist ngày 1/2/2020 tại Anh đăng hình một chiếc tàu lênh đênh trên một vùng biển vắng, với tựa đề “Tiến vào vùng biển chưa được khám phá” (Into the unknown). Hình ảnh đó thể hiện rằng, nước Anh đang đi vào một giai đoạn khó lường với vô vàn biến số mới.
Đó là giai đoạn khởi đầu của quá trình đàm phán thương mại phức tạp với EU, có khả năng sẽ không hoàn toàn kết thúc vào cuối năm 2020 như dự đoán. Quan điểm của phía EU tỏ ra khá cứng rắn. Phát biểu vào đầu tháng 2/2020, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen nhắc tới vài thứ tiêu biểu mà phía châu Âu muốn đàm phán xong trước khi họ có thể phê chuẩn hiệp định: cá, dịch vụ tài chính và năng lượng.
Nhiều người nhầm tưởng, nếu thỏa thuận xong được 3 điều đó, đàm phán thương mại sẽ xuôi chèo mát mái. Nhưng nếu đọc kỹ thông điệp, chúng ta sẽ hiểu là, tất cả lĩnh vực chủ chốt, căng thẳng nhất đều phải được đàm phán xong, thì mới được phê chuẩn. Cá, dịch vụ tài chính và năng lượng chỉ là một cách nói hình tượng, biểu trưng cho việc không có nút thắt trọng yếu nào được “treo” lại để thỏa thuận tiếp.
Bà Leyen muốn phản ánh quan điểm của một bộ phận trong số lãnh đạo EU: không chấp nhận đàm phán nhiều vòng do một số người đề xuất. Theo đề xuất này, Anh và EU đạt thỏa thuận một số điều khoản dễ hơn (ví dụ: xuất nhập khẩu hàng hóa) trong năm 2020 và để lại những vấn đề phức tạp (dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ tài chính) sang giai đoạn sau. Trong thời gian chờ giai đoạn sau, tất nhiên, Anh sẽ tiếp tục được tiếp cận thị trường EU như vẫn ở trong EU.
Khu vực dịch vụ (bán lẻ, tài chính, luật, giải trí, văn hóa, hỗ trợ kinh doanh) chiếm 81% GDP và 84% lao động của nền kinh tế Anh. Do đó, đàm phán ở khu vực dịch vụ mới là vấn đề chủ chốt của Anh, trong đó, dịch vụ tài chính là khu vực trọng yếu nhất.
Tuy chỉ chiếm 6,9% GDP nước Anh, nhưng dịch vụ tài chính lại luôn được ví là “viên ngọc trên vương miện” của khu vực dịch vụ nước Anh, vì nó tạo lực lan tỏa thúc đẩy những dịch vụ bổ trợ khác.
EU là thị trường chủ chốt đối với các dịch vụ tài chính ở Anh, cả dịch vụ thanh toán, hỗ trợ giao dịch lẫn dịch vụ quản lý tài sản, huy động vốn qua thị trường tài chính. Vì vậy, EU sẽ tận dụng quyền cho phép các định chế tài chính Anh tiếp cận thị trường của mình làm “tiền cược” để đạt được những thỏa thuận khác.
Quan điểm của EU là, nếu Anh muốn tiếp cận thị trường EU về cả dịch vụ và hàng hóa, thì luật lệ ở Anh phải theo sát (aligned) với luật lệ ở EU và phải chấp nhận sân chơi bình đẳng (level playing field). Nói nôm na, EU muốn có môi trường cạnh tranh công bằng giữa công ty hoạt động ở Anh và ở EU.
EU không muốn Anh hạ các tiêu chuẩn này như một cách cạnh tranh không lành mạnh, kéo doanh nghiệp đến Anh hay giúp doanh nghiệp Anh có lợi thế cạnh tranh từ việc trả lương nhân viên và bảo hiểm xã hội thấp, chấp nhận hủy hoại môi trường để đổi lấy lợi thế cạnh tranh. EU không nói ra, nhưng họ cũng sợ “sáng kiến” biến đảo quốc này thành thiên đường thuế thấp, ít có sự can thiệp từ chính phủ vào doanh nghiệp.
Anh tất nhiên không muốn bị áp đặt những quan điểm của EU.
Thứ nhất, về chính trị, chấp nhận áp đặt luật lệ từ châu Âu là đi ngược lại lời hứa và đường lối của những người ủng hộ Brexit. Họ muốn thành phần tinh hoa xã hội ở London, chứ không phải ở Brussels, nắm quyền định đoạt luật chơi ở Anh.
Thứ hai, giới kinh doanh, chuyên gia kinh tế nhận ra, với việc Anh rời khỏi EU, luật lệ ở EU sẽ ngày càng ít thân thiện với các định chế tài chính, công ty công nghệ. Việc EU đang đòi áp dụng mức tiền phạt 2,6 tỷ USD đối với Google cho những cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền là một minh chứng gần nhất về sự ít thân thiện đó.
Mất đi tiếng nói của Anh, nhiều người dự đoán, EU sẽ ngày càng siết chặt những quy định về chống độc quyền, bảo vệ quyền riêng tư và siết chặt quy định đối với định chế tài chính. Trao đổi với người viết tại hội thảo diễn ra ở Đức, một nhà đầu tư nhận định, những quy định đó sẽ giết chết năng lực cạnh tranh và sáng tạo của khu vực tài chính. Brexit sẽ không giết chết khu vực tài chính của London, mà thật ra là cởi trói cho nó khỏi nguy cơ bị những luật lệ “trời ơi” của châu Âu trong tương lai.
Nhưng điều đó chỉ đúng nếu Anh có thể đạt được một thỏa thuận mà theo đó, họ giữ được độ độc lập tương đối trong các luật lệ với lĩnh vực tài chính, trong khi vẫn được tiếp cận thị trường EU. Nhưng các lãnh đạo EU coi quan điểm thực dụng này của Anh là không thể chấp nhận được và không dễ cho Anh hưởng đặc quyền đó.
Một điểm chung mà 2 bên có thể chấp nhận là dựa trên khái niệm luật lệ “tương đương” (equivalence), nghĩa là, EU chấp nhận các định chế tài chính từ nước khác cung cấp dịch vụ cho thị trường EU nếu có các luật lệ được xem là tương đương với EU. Bản thân nhiều nước ngoài EU vẫn đang cung cấp dịch vụ tài chính cho EU trên nền tảng này. Do đó, thương lượng về dịch vụ tài chính giữa Anh và EU không phải là “điểm chết” như nhiều người tưởng.
Tuy nhiên, quyền tiếp cận thị trường dựa trên khái niệm tương đương này có một rủi ro. Đó là, EU có thể chấm dứt quyền tiếp cận thị trường của một nước nào đó dựa trên khái niệm tương đương mà chỉ cần báo trước 30 ngày. Với quan hệ ngày càng xấu đi giữa EU và Anh, quyết định này hoàn toàn có thể là một quyết định chính trị, mà không dựa vào các yếu tố kinh tế.
Các tổ chức vận động hành lang, giới quan chức Anh và các tổ chức tài chính ở Anh đang cố gắng thúc đẩy thương thảo bằng được một cơ chế “tương đương” có tính khách quan và ít rủi ro hơn; một cơ chế “tương đương” với quy trình rõ ràng hơn và thời gian dừng tiếp cận thị trường dài hơn, chứ không chỉ 30 ngày.
Phía EU sẽ không dễ dàng nhượng bộ, mà không nhận lại được điều gì, ví dụ, quyền tự do di chuyển, làm việc cho công dân EU ở Anh trong tương lai, hay lợi ích về đánh bắt cá và năng lượng, vốn là những điểm mà phe Brexit “cứng” trong nhóm cố vấn của ông Boris Johnson xem là “đạp lên giới hạn cuối cùng”.
Ở thời điểm hiện tại, các bên chủ yếu sẽ chỉ thể hiện quan điểm cứng rắn và đáp trả qua lại trên báo chí. Thế nhưng, những diễn biến chính trị mới có thể khiến phía Anh lo lắng hơn rất nhiều và phải mềm mỏng hơn. Đó là việc Bắc Ireland có thể sẽ đề nghị tách khỏi Anh và hợp nhất với Ireland (trước đó, Scotland đã có yêu cầu và bị bác bỏ). Tờ Economist số ra gần đây đã sử dụng trang bìa “A united Ireland” (một nước Ireland thống nhất) với dòng chữ “Liệu điều đó có thể xảy ra?”.
Đây là một “cú đấm” mới vào tham vọng đoàn kết nước Anh của Thủ tướng Boris Johnson. Nếu EU công khai “bật đèn xanh” về khả năng Bắc Ireland và Scotland gia nhập EU, 2 vùng lãnh thổ này có thể gây nhiều sức ép hơn đòi tách khỏi Vương quốc Anh. Đó sẽ là rủi ro chính trị nghiêm túc mà Chính phủ Anh phải đối mặt.
Chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng
Giữa muôn trùng khó khăn đó, dường như nước Anh đang đi đúng theo dự báo là sẽ rơi vào một vòng xoáy khủng hoảng, bị chia tách và không bao giờ gượng dậy của phe chống Brexit. Với những tin tức như vậy, đúng ra, niềm tin và tâm lý xã hội phải thấp. Nhưng quan sát tình hình kinh doanh, trao đổi với nhiều doanh nhân, nhà phân tích kinh tế và giới ngân hàng, người viết đều nhận thấy sự lạc quan. Ít nhất, việc nước Anh chính thức hoàn tất việc ra khỏi EU đã giải quyết nhiều vấn đề do sự bất định về tương lai gây ra cho doanh nghiệp. Với nhiều người, cho dù thỏa thuận thương mại như thế nào, thì họ cũng biết được Anh đã ra khỏi EU và do đó, phương án làm ăn cũng dễ tính toán hơn, cho dù bất định về thỏa thuận thương mại vẫn còn.
Nếu không đạt được thỏa thuận thương mại tốt với châu Âu, nước Anh sẽ phải quay sang tìm kiếm những đối tác khác trên thế giới và khai phá những thị trường mới.
Quan trọng hơn, Chính phủ Anh giờ đây có thể tập trung giải quyết một số vấn đề cốt lõi của nội bộ nước Anh, như chi tiêu đầu tư công, thay vì loay hoay với Brexit và trì hoãn mọi thứ khác. Một điểm sáng mà Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh, Mark Carney, một người luôn tỏ ra lo ngại tác động tiêu cực của Brexit, nhận thấy là, chính phủ mới của ông Boris Johnson nhiều khả năng sẽ tăng chi tiêu công, đầu tư hạ tầng, chứ không thắt lưng buộc bụng, chỉ tập trung giải quyết Brexit như chính phủ trước.
Tăng chi tiêu công, đầu tư hạ tầng, tăng tiền cho nghiên cứu và có được độ linh hoạt để thu hút các công ty công nghệ lớn đến Anh, tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao ở đây sẽ thúc đẩy được năng suất của nền kinh tế Anh vốn bị trì trệ trong mấy năm qua. Đó sẽ là chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Anh. Đồng bảng Anh tăng trở lại quanh mốc 1,3 USD phản ánh sự lạc quan này của thị trường với triển vọng kích thích kinh tế.
Có thể nói, hình tượng con tàu đi vào vùng biển chưa được khám phá của tờ Economist phản ánh khá chính xác tình hình nước Anh hiện nay. Vẫn còn nhiều biến số phía trước, nhưng ít nhất, con tàu đó đã chạy, chứ không đứng yên như mấy năm qua.
Nếu không đạt được thỏa thuận thương mại tốt với châu Âu, nước Anh sẽ phải quay sang tìm kiếm những đối tác khác trên thế giới và khai phá những thị trường mới. Châu Á là một trong những thị trường thay thế tiềm năng của Anh để xuất khẩu dịch vụ tài chính, luật, giáo dục. Đổi lại, Anh sẽ phải mở cửa thị trường hàng hóa hơn nữa.
Vì vậy, cho rằng, Brexit là một điểm khởi đầu mới của nước Anh cũng không sai. Đó có lẽ sẽ là thời kỳ mà nước Anh chú ý đến trục lợi ích từ châu Á nhiều hơn. Cơ hội cho những mối quan hệ kinh tế Việt Nam - Anh, vì vậy sẽ sáng sủa hơn sau Brexit.