Phải củng cố hệ thống cơ sở pháp lý quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách


Những thiếu hụt trong hệ thống cơ sở pháp lý đối với việc hình thành, quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách là những tồn tại đang gây ra rất nhiều khó khăn trong việc quản lý, tổ chức thực hiện ở các bộ, ngành, địa phương.

Phải củng cố hệ thống cơ sở pháp lý quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.
Phải củng cố hệ thống cơ sở pháp lý quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

Cần làm rõ những thiếu hụt trong hệ thống cơ sở pháp lý

Tại phiên họp toàn thể thứ 2 của Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013 - 2018” được tổ chức ngày 05/8 vừa qua, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành đã nêu vấn đề này và cho rằng, báo cáo của Đoàn Giám sát cần làm rõ những thiếu hụt trong hệ thống cơ sở pháp lý đối với việc hình thành, quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; chỉ rõ tồn tại trong việc quản lý, tổ chức thực hiện ở các bộ, ngành, địa phương…

Chủ nhiệm UBTCNS Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì phiên họp.
Chủ nhiệm UBTCNS Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì phiên họp.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội (UBTCNS) Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát cho biết, nước ta có 28 quỹ do Trung ương quản lý và hơn 40 quỹ do địa phương quản lý. Đối với các quỹ do Trung ương quản lý, theo báo cáo của Chính phủ, tổng số thu của các quỹ theo kế hoạch năm 2019 là 502,2 nghìn tỷ đồng, trong đó dự kiến ngân sách nhà nước (NSNN) cấp và hỗ trợ là 100,8 nghìn tỷ đồng. Kết dư các quỹ cuối năm 2019 khoảng 907,2 nghìn tỷ đồng.

Tổng hợp số liệu của 41 địa phương cho thấy, tổng số dư các quỹ tài chính nhà nước của địa phương hàng năm từ 2013 đến 2018 tương ứng là 8.074 tỷ đồng, 9.862 tỷ đồng, 13.569 tỷ đồng. 14.880 tỷ đồng, 17.198 tỷ đồng, 18.268 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là của 5 quỹ có quy mô lớn là Quỹ phát triển đất, Quỹ đầu tư phát triển, Quỹ bảo vệ môi trường, Quỹ phát triển nhà ở, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng.

Chủ nhiệm UBTCNS Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, giai đoạn 2013-2018, trong quá trình cải cách nền kinh tế đất nước, thường xuyên phát sinh các nhiệm vụ có tính cấp bách, có tính chuyên biệt làm nảy sinh yêu cầu tập trung nguồn lực tài chính của Nhà nước để thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng trong quản lý kinh tế và chính trị - xã hội. Do đó, cần thiết phải thành lập các quỹ tài chính ngoài ngân sách để giải quyết một số nhiệm vụ đặc thù, khi các nhiệm vụ này khó có thể đáp ứng bằng việc phải thực hiện đúng quy trình về dự toán ngân sách hàng năm hoặc trải qua quá trình ngân sách một cách chặt chẽ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đã phát sinh những tồn tại, hạn chế trong thực hiện. Theo đó, nguồn thu của một số quỹ còn phụ thuộc vào NSNN hoặc có nguồn thu trùng với nguồn thu của NSNN, trong khi các nguồn thu khác không đáng kể, tỷ lệ thu chưa hợp lý ở một số quỹ.

Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các quỹ tài chính ngoài ngân sách còn nhiều bất cập, như trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách hoặc các quỹ trùng nhau về đối tượng; Chi phí quản lý chưa phù hợp so với hoạt động của quỹ, có quá nhiều quỹ tại địa phương làm phát sinh nhiều chi phí quản lý và tổ chức biên chế…"

Chủ nhiệm UBTCNS Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành đưa ra kiến nghị nên hoàn thiện hệ thống pháp luật, sớm ban hành Luật về quản lý, sử dụng các quỹ ngoài ngân sách. Trước mắt, Chính phủ cần xem xét, gấp rút sửa đổi một số văn bản, quy định có liên quan.

Cần có đánh giá, phân tích đầy đủ về quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách

Cũng theo Phó Chủ nhiệm UBTCNS của Quốc hội Nguyễn Hữu Quang kiến nghị, cần xem xét lại hiệu quả hoạt động của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích. Theo đó, Quỹ này được thành lập đồng hành với Chương trình mục tiêu quốc gia Đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Đến thời điểm báo cáo, dư quỹ đến năm 2018 là rất lớn, tuy nhiên, việc thực hiện các nhiệm vụ đạt rất thấp. Bên cạnh đó, tại địa phương còn nhiều quỹ hoạt động không hiệu quả.

Khẳng định vai trò của các quỹ tài chính ngoài ngân sách, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến cho rằng cần có đánh giá đầy đủ một số quỹ hoàn thành nhiệm vụ và nhu cầu duy trì, một số quỹ đã hoàn thành hết trách nhiệm.

Ngoài ra, các thành viên Đoàn giám sát cũng lưu ý điều quan trọng là trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện, tồn tại hạn chế có được đề xuất giải pháp, lộ trình hợp lý, khả thi. Ủy viên Thường trực UBTCNS Trần Quang Chiểu cho rằng, việc kiến nghị cần thận trọng các phương án đề xuất, cần phải có tiêu chí, phân loại các nhóm quỹ để có đánh giá và phương án sắp xếp, tổ chức lại bảo đảm hiệu quả.

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm UBTCNS Nguyễn Đức Hải đề nghị nội dung báo cáo kết quả giám sát khẳng định kết quả đạt được các quỹ ngoài ngân sách như các quỹ bảo hiểm đã góp phần ổn định nợ công, giảm vay nước ngoài thực hiện an sinh xã hội tiệm cận thông lệ quốc tế. Các quỹ được thành lập và hoạt động cơ bản tuân thủ Luật NSNN, bên cạnh đó có những đặc thù nhất định...

Về phương hướng giải pháp, Chủ nhiệm UBTCNS Nguyễn Đức Hải cho biết cần phải có phân tích và đánh giá theo nhóm các quỹ cần giải thể, cần sắp xếp lại và cần tiếp tục duy trì phát triển, kiến nghị giúp UBTV Quốc hội ban hành nghị quyết giao Chính phủ chấn chỉnh, sắp xếp, đánh giá, tổng kết, hạn chế việc thành lập các quỹ mới tràn lan.

Trước đó, ngày 2/8, Đoàn giám sát cũng đã có cuộc làm việc với Chính phủ. Tham gia buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, cùng các thành viên Đoàn giám sát.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục tăng cường quản lý đối với các quỹ, đưa hoạt động của các quỹ đi vào thực chất, phù hợp với yêu cầu của tình hình mới, tập trung rà soát và sắp xếp lại các quỹ tài chính nhà nước, gắn với tăng cường năng lực cho bộ máy quản lý quỹ để giảm đầu mối, nâng cao tính độc lập và hiệu quả hoạt động của các quỹ, giảm sự chồng chéo, trùng lặp với NSNN.

Tại buổi làm việc này, các đại biểu đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ trong việc tập trung rà soát, sắp xếp giải thể lại các quỹ để bảo đảm trật tự quản lý và hiệu quả hoạt động. Song các đại biểu cũng đề nghị trong quá trình rà soát, sắp xếp cần làm rõ và lưu ý đến các nội dung gồm điều kiện thành lập các quỹ và chế độ pháp lý về mô hình tổ chức, phương thức hoạt động; việc giải thể các quỹ tập trung vào nhiệm vụ ngân sách như thế nào để giúp hỗ trợ điều hành ngân sách.

Theo dự kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát nội dung này tại phiên họp thứ 36 diễn ra vào tháng 8.