Phấn đấu đến năm 2015, 80% người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đi được chặng đường 3 năm với bao biến động của thị trường thế giới và trong nước. Mặc dù chịu tác động của suy thoái toàn cầu, nhưng nhiều sản phẩm Việt Nam đã có sức cạnh tranh trên thị trường nội địa, được người tiêu dùng ưa thích. Tuy nhiên, cũng do khủng hoảng khiến sản xuất và tiêu thụ, xuất khẩu hàng Việt giảm, tồn kho cao, gây cản trở lớn đến quá trình thực hiện cuộc vận động.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các tỉnh, thành phố, hiện nay người tiêu dùng Việt Nam nói chung ngày càng đánh giá cao hàng Việt Nam, tại nhiều địa phương, các mặt hàng dệt may, da giày có tới 80% người ưa chuộng; nhóm hàng thực phẩm, rau quả có tới trên 58% người tiêu dùng ưa chuộng… Có được kết quả này do Ban Chỉ đạo cuộc vận động các cấp, từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố, một số cấp huyện và cơ sở đã chủ động tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền, đoàn thể tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của cuộc vận động với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, đơn vị. Cuộc vận động xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp và người dân, tạo nên một làn sóng mạnh mẽ giúp cho hàng Việt đến từng người tiêu dùng Việt, nhất là trong thời điểm hiện nay, doanh nghiệp Việt gặp rất nhiều khó khăn. Theo Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP. Hồ Chí Minh Trần Tấn Ngời, mặt trận và các tổ chức chính trị của thành phố tổ chức triển khai cuộc vận động thành các phong trào, ở cơ sở tổ chức các cuộc thi về cuộc vận động, hệ thống thông tin đại chúng đồng loạt ra các chuyên mục, chuyên đề về cuộc vận động dành cho quảng bá các sản phẩm hàng Việt với chi phí hợp lý vì hiện nay các doanh nghiệp của ta hết sức khó khăn.
Thời gian thực hiện cuộc vận động cũng đúng vào thời điểm nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, như khủng hoảng nợ công, tiền tệ, lạm phát cao ở nhiều nước trên thế giới, tiêu thụ gặp khó khăn đã buộc doanh nghiệp Việt quay trở lại đầu tư vào chinh phục thị trường trong nước. Tuy nhiên, để hàng Việt có chỗ đứng ở thị trường trong nước thì cần có sự nỗ lực hơn nữa của các doanh nghiệp về thiết kế mẫu mã, chất lượng đảm bảo và quan trọng là xây dựng cơ chế giá cả hợp lý cho người tiêu dùng nội địa. Mặt khác, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn và có biện pháp hạ lãi suất ngân hàng, khơi thông dòng vốn phục vụ sản xuất cho hàng Việt, hỗ trợ xây dựng thương hiệu hơn nữa. Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, Bộ đã tăng cường tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia vào tiêu thụ thị trường nội địa vì chúng ta đều biết nhiều doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu khi quay về thị trường nội địa sẽ gặp những khó khăn.
Bên cạnh đó, để hàng Việt có chỗ đứng trong kênh tiêu thụ rất cần sự ủng hộ từ hệ thống các siêu thị, đó là chính sách ưu tiên hàng trong nước, dần dần hạn chế hàng nhập khẩu, dành cho hàng Việt một phương thức quảng bá và trưng bày hấp dẫn hơn để dễ thấy, dễ tạo lòng tin cho người tiêu dùng. Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ này, nhiều hệ thống siêu thị đã đồng lòng để người dân Việt được mua sắm những sản phẩm hàng Việt chất lượng cao. Đây là hành động thiết thực nhất để cả xã hội chung tay xây dựng thương hiệu hàng Việt. Phó tổng giám đốc Siêu thị Big C Thăng Long Nguyễn Thái Dũng chia sẻ, mùa mua sắm Tết thường rất quan trọng đối với nhà phân phối và người tiêu dùng. Trong tỷ trọng hàng hóa Tết của Big C có 98% hàng do Việt Nam sản xuất, đặc biệt mặt hàng mua sắm Tết như bánh kẹo, thịt là những sản phẩm mang tính chất bữa ăn truyền thống của người Việt.
Sau 3 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” rõ ràng đã phần nào đánh thức được người dân ưu tiên dùng hàng Việt, song để hàng Việt trở thành nhận thức của người tiêu dùng cần có sự chung tay hơn nữa giữa các bộ, ngành và doanh nghiệp, nhất là khi tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn. Phấn đấu đến năm 2015, 80% người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên dùng hàng hóa thương hiệu Việt, 90% số xã ở địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa có cửa hàng bán hàng Việt phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân, nhất là trong các dịp lễ, Tết.