Phân loại chi phí trong các doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty Sông Đà
Phân loại chi phí là một nội dung quan trọng trong quản trị chi phí. Việc nhận diện từng loại chi phí và hành vi của chúng là chìa khóa giúp nhà quản trị doanh nghiệp đưa ra quyết định đúng đắn trong quá trình tổ chức, điều hành và quản lý hoạt động kinh doanh.
Nghiên cứu phân loại chi phí trong các doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty Sông Đà cho thấy, các doanh nghiệp mới chỉ thực hiện khâu phân loại chi phí phục vụ cho tập hợp chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm của kế toán tài chính, chưa quan tâm nhiều tới việc phân loại chi phí để cung cấp thông tin cho kế toán quản trị chi phí. Bài viết đề xuất một số giải pháp góp phần hoàn thiện công tác phân loại chi phí trong các doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty Sông Đà.
Thực trạng phân loại chi phí trong các doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty Sông Đà
Chi phí trong doanh nghiệp (DN) có thể được nhận diện theo nhiều tiêu thức khác nhau. Tại các DN thuộc Tổng Công ty (TCT) Sông Đà, phân loại chi phí là cơ sở cho việc ghi nhận và kiểm soát chi phí; đồng thời, giúp các DN quản lý chi phí một cách có hiệu quả.
Để nghiên cứu và nhận diện rõ về thực trạng phân loại chi phí trong các DN thuộc TCT Sông Đà, bài viết tiến hành khảo sát đối với 10 DN xây dựng chủ lực của TCT gồm: Công ty Cổ phần (CTCP) Sông Đà 2, CTCP Sông Đà 4, CTCP Sông Đà 5, CTCP Sông Đà 6, CTCP Sông Đà 7, CTCP Sông Đà 9, CTCP Sông Đà 10, CTCP Sông Đà 11; CTCP Someco Sông Đà và CTCP Tư vấn Sông Đà.
Tác giả thực hiện việc gửi phiếu khảo sát tới 63 văn phòng, chi nhánh của 10 DN, thu về 61 phiếu, trong đó số phiếu trả lời đầy đủ các câu hỏi là 57, còn lại một số phiếu không trả lời hoặc chỉ điền thông tin chung.
Kết quả khảo sát công tác phân loại chi phí tại 57 DN, chi nhánh thuộc TCT Sông Đà cho thấy, 100% các DN thuộc TCT Sông Đà phân loại chi phí theo nội dung kinh tế và chức năng hoạt động của chi phí (Bảng 1). Phân loại chi phí trong DN có các nội dung sau:
- Chi phí nguyên liệu, vật liệu: Bao gồm toàn bộ giá trị hao phí của nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu trong quá trình thi công xây dựng như: gạch, đá, cát, sỏi, vôi, sắt, thép... nghiên cứu thực tế tại các DN thuộc TCT Sông Đà cho thấy, khoản chi phí này chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 70 - 80% trong tổng chi phí xây lắp.
- Chi phí nhân công: Bao gồm toàn bộ chi phí về tiền lương và các khoản trích theo lương, các khoản khác phải trả cho công nhân trong DN. Thông qua phương thức phỏng vấn sâu và nghiên cứu sổ sách kế toán tại các DN cho thấy, chi phí nhân công trực tiếp (bao gồm tiền lương, các khoản trích theo lương, thù lao thành viên HĐQT, ban kiểm soát, kinh phí đảng…) chiếm tỷ trọng khoảng 2,5% - 4% tổng chi phí xây lắp.
- Chi phí khấu hao tài sản cố định: Là các khoản chi khấu hao máy móc trang thiết bị, dây chuyền sản xuất, nhà xưởng… phải phản ánh vào chi phí trong kỳ của DN. Kết quả phỏng vấn sâu tại các DN cho thấy, các DN thuộc TCT Sông Đà thi công các công trình, hạng mục công trình ở nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước.
Bảng 1: Tiêu thức phân loại chi phí tại các doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty Sông Đà |
||
Tiêu thức phân loại chi phí |
Số lượng |
Tỷ lệ |
1. Theo chức năng hoạt động |
57/57 |
100% |
2. Theo nội dung, tính chất kinh tế |
57/57 |
100% |
3. Theo cách ứng xử của chi phí |
14/57 |
24,6% |
4. Theo khả năng quy nạp của chi phí vào các đối tượng chịu chi phí |
9/57 |
15,8% |
5. Theo mức độ kiểm soát chi phí của nhà quản trị |
- |
- |
6. Theo các tiêu thức khác |
- |
- |
Do vậy, tài sản cố định phục vụ thi công (gồm: các thiết bị nhà máy, thiết bị thi công…) chủ yếu là đi thuê theo phương thức thuê tài chính. Qua nghiên cứu, đánh giá, phương thức này là phù hợp với điều kiện các công trình, hạng mục công trình ở xa, bởi vì máy móc, thiết bị liên quan đến mỗi công trình, hạng mục công trình có thể không giống nhau, việc đi thuê sẽ hiệu quả và tiết kiệm chi phí hơn.
- Chi phí dịch vụ mua ngoài: Phản ánh toàn bộ chi phí dịch vụ mua ngoài phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh như tiền điện, nước, điện thoại... Tại các DN, kết quả ghi nhận từ phỏng vấn sâu cho thấy, chi phí dịch vụ mua ngoài chủ yếu phát sinh ở bộ phận bán hàng và quản lý DN.
Trong quá trình thi công các công trình, hạng mục công trình thì các chi phí có thể có phát sinh nhưng không nhiều, chủ yếu là nhiên liệu sử dụng cho máy thi công, tiền cước vận chuyển thiết bị đến công trình, sửa chữa xe, mua bảo hiểm xe, cước viễn thông, thuê văn phòng, chi phí tiếp khách…
- Chi phí khác bằng tiền: Bao gồm toàn bộ các chi phí khác còn lại phát sinh sử dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN.
Phân loại theo chức năng hoạt động thì chi phí trong các DN thuộc TCT Sông Đà được phân chia thành 2 loại (chi phí xây lắp và chi phí ngoài xây lắp). Chi phí hoạt động xây lắp bao gồm các khoản mục chi phí liên quan đến quá trình thi công công trình, hạng mục công trình như: Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sử dụng máy thi công và chi phí sản xuất chung.
Chi phí ngoài xây lắp bao gồm các khoản mục chi phí ngoài hoạt động thi công xây dựng công trình, hạng mục công trình như: Chi phí bán hàng, chi phí quản lý DN, chi phí tài chính và chi phí khác. Nhìn chung, việc phân loại chi phí theo tiêu thức này giúp các DN tập hợp chi phí và tính giá thành từng công trình được dễ dàng.
Ngoài 2 cách phân loại theo chức năng hoạt động ở trên, có 9/57 DN được khảo sát (chiếm 15,8%) cho biết, họ chủ yếu tiến hành phân loại chi phí theo khả năng quy nạp của chi phí vào các đối tượng chịu chi phí, bao gồm chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp.
Chi phí trực tiếp như chi phí nguyên vật liệu (gạch, đá, sắt, thép, vôi, vữa...) được phản ánh trực tiếp vào chi phí sản xuất cho từng công trình; Chi phí gián tiếp như chi phí sản xuất chung được phân bổ theo các tiêu thức khác nhau. Bên cạnh đó, còn có 14/57 DN (chiếm 24,6%) phân loại chi phí theo cách ứng xử của chi phí, bao gồm: chi phí cố định, chi phí biến đổi và chi phí hỗn hợp.
Tuy nhiên, khi khảo sát tài liệu và dữ liệu quản trị chi phí tại các DN thuộc TCT Sông Đà cho thấy, việc phân loại không được các DN thực hiện thường xuyên và chỉ dựa trên những ước tính không được thể hiện trên các bảng biểu hay giấy tờ của nhà quản trị DN.
Nhìn chung, việc phân loại chi phí sản xuất kinh doanh tại các DN thuộc TCT Sông Đà đáp ứng được thông tin cho công tác hạch toán chi phí sản xuất kinh doanh và xác định giá thành sản phẩm của kế toàn tài chính, xác định kết quả kinh doanh và lập báo cáo tài chính cuối kỳ. Hoạt động phân loại chi phí cũng chưa hỗ trợ và chưa phục vụ thông tin trực tiếp cho công tác phân tích thông tin của kế toán quản trị chi phí.
Bảng 2: Khó khăn của các doanh nghiệp thuộc |
||
Khó khăn trong công tác phân loại chi phí |
Số lượng |
Tỷ lệ |
Chưa có quy định về phân loại chi phí nhằm quản trị chi phí |
43/57 |
75,4% |
Không có thông tin phân loại chi phí trên chứng từ |
21/57 |
36,8% |
Hạn chế của nhân viên kế toán |
9/57 |
15,8% |
Khảo sát về phương pháp phân tách chi phí hỗn hợp thành chi phí cố định và chi phí biến đổi cho thấy, các DN thuộc TCT Sông Đà hiện nay chưa vận dụng các cách phân loại chi phí mang đặc thù của kế toán quản trị như phân loại chi phí theo mức độ kiểm soát của nhà quản trị; Phân loại chi phí phục vụ việc phân tích, so sánh để ra quyết định lựa chọn phương án kinh doanh tối ưu… Các cách phân loại này cho phép thông tin chi phí hỗ trợ nhà quản lý ra quyết định kinh doanh linh hoạt hơn.
Kết quả khảo sát về những khó khăn, vướng mắc của các DN thuộc TCT Sông Đà trong phân loại chi phí cũng ghi nhận, tất cả DN đã tiến hành phân loại chi phí sản xuất theo yếu tố chi phí và theo chức năng hoạt động. Các phân loại này tạo điều kiện thuận lợi cho việc tập hợp chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm và đáp ứng phần nào cho công tác quản lý của nhà quản trị.
Tuy nhiên, việc phân loại chi phí tại các DN mới chỉ thực hiện phân loại theo chức năng hoạt động và theo nội dung, tính chất kinh tế của chi phí, chưa quan tâm phân loại chi phí nhằm cung cấp thông tin cho kế toán quản trị chi phí. Thống kê trong số các DN của TCT Sông Đà, chỉ có 15,8% DN phân loại chi phí theo khả năng quy nạp của chi phí vào đối tượng chịu chi phí và 24,6% DN phân loại chi phí theo cách ứng xử của chi phí.
Hoàn thiện công tác phân loại chi phí tại các doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty Sông Đà
Mục tiêu của mỗi DN luôn là tối đa hóa lợi nhuận, do vậy các thông tin về chi phí, giá thành cần phải được cập nhật chính xác, kịp thời. Cách phân loại chi phí phải hướng tới nhu cầu thông tin của nhà quản trị phục vụ cho việc ra các quyết định kinh doanh.
Tuy nhiên, việc phân loại chi phí theo chức năng hoạt động và theo nội dung, tính chất kinh tế của chi phí chỉ mới phục vụ cho việc tập hợp chi phí và tính giá thành công trình, hạng mục công trình, chưa đáp ứng được yêu cầu cung cấp thông tin nhằm quản trị chi phí xây lắp.
Chỉ có 24,6% DN thuộc TCT Sông Đà được khảo sát là áp dụng tiêu thức phân loại chi phí theo cách ứng xử của chi phí; Việc phân loại chưa được các DN quan tâm chú ý thực hiện thường xuyên và nếu có cũng chỉ dựa trên những ước tính không được thể hiện trên các bảng biểu hay giấy tờ của nhà quản trị DN.
Xuất phát từ thực trạng đó, bài viết đề xuất thời gian tới, các DN thuộc TCT Sông Đà nên sử dụng quan tâm, lưu ý tới các cách phân loại chi phí hướng tới nhu cầu thông tin của nhà quản trị.
Trước mắt, cần nghiên cứu phân loại chi phí theo cách ứng xử của chi phí. Theo đó, chi phí sản xuất nên chia ra thành 3 loại: Chi phí cố định, chi phí biến đổi và chi phí hỗn hợp.
- Chi phí biến đổi: Bao gồm chi phí nguyên vật liệu trực tiếp (nguyên vật liệu chính, vật liệu phụ, nhiên liệu); Chi phí nhân công trực tiếp (tiền lương, phụ cấp, làm thêm, trợ cấp, tiền thưởng); Chi phí sử dụng máy thi công (tiền lương, vật liệu)…
- Chi phí cố định: Bao gồm các khoản bảo hiểm (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp) của người lao động trực tiếp xây lắp; Chi phí khấu hao tài sản cố định, chi phí dụng cụ sản xuất, chi phí vật liệu sản xuất chung, văn phòng phẩm.
- Chi phí hỗn hợp: Bao gồm chi phí tiền lương, thưởng của các quản lý ở phân xưởng; Chi phí điện nước, điện thoại, dịch vụ viễn thông ở công trường.
Về phân tách chi phí hỗn hợp, thông thường các DN được khảo sát đều sử dụng phương pháp bình phương nhỏ nhất. Ngoài phương pháp này, trong thực tiễn các DN còn có thể lựa chọn áp dụng một phương pháp khác đơn giản và dễ tính toán hơn trên cơ sở thống kê chi phí phát sinh ở các mức độ hoạt động, đó là phương pháp cực đại, cực tiểu.
Tài liệu tham khảo:
- Đoàn Xuân Tiên (2007), Giáo trình Kế toán quản trị doanh nghiệp, NXB Tài chính;
- Nguyễn Văn Phúc (2016), Giải pháp tài chính nâng cao hiệu quả kinh doanh cho các doanh nghiệp xây dựng thuộc Tổng công ty Sông Đà, Luận án tiến sỹ, Học viện Tài chính;
- Đinh Thị Kim Xuyến (2014), Công tác kế toán quản trị chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm trong các doanh nghiệp viễn thông di động ở Việt Nam, Luận án tiến sỹ, Học viện Tài chính;
- Các website: Songda.vn, ciem.org.vn, webketoan.vn, ketoanhanoi.vn…