Phân tích rủi ro tài chính tại doanh nghiệp


Mục tiêu của quản trị tài chính doanh nghiệp (DN) là tối đa hóa giá trị tài sản cho chủ sở hữu mà trực tiếp là tối đa hóa lợi nhuận DN. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động của DN thường đối diện với nhiều rủi ro, trong đó phổ biến nhất là rủi ro tài chính. Phân tích rủi ro tài chính là đánh giá về nguy cơ rủi ro tài chính của DN nhằm giúp nhà quản trị nhận diện và xác định được khả năng rủi ro tài chính, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này để đưa ra các biện pháp phòng ngừa và quản trị rủi ro hữu hiệu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Rủi ro tài chính trong hoạt động của doanh nghiệp

Bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra mạnh mẽ mang lại nhiều cơ hội lẫn thách thức cho các DN Việt Nam. Để có đủ năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, các DN phải có năng lực tài chính vững mạnh. Tuy nhiên, bối cảnh cạnh tranh khốc liệt đã khiến không ít DN đối mặt với nhiều rủi ro, trong đó có rủi ro tài chính.

Rủi ro tài chính là rủi ro liên quan đến sự giảm giá tài chính (còn gọi là rủi ro giảm giá tài chính) và rủi ro từ việc thực hiện các quyết định tài chính làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của DN. Rủi ro tài chính là những tổn thất có thể xảy ra gắn liền với hoạt động tài chính và mức độ sử dụng nợ của DN làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và uy tín của DN.

Tiếp cận từ việc phân tích môi trường kinh doanh của DN, có thể thấy, rủi ro tài chính của DN xuất phát từ 3 yếu tố: (i) Môi trường bên trong DN; (ii) Môi trường ngành; (iii) Môi trường kinh tế vĩ mô. Các rủi ro tài chính rất đa dạng, nhưng mức độ nguy hại, tần suất xuất hiện lại rất khác nhau tùy thuộc vào từng ngành kinh doanh và đặc thù quản lý kinh doanh của từng DN.

Do đó, nhà quản trị tài chính cần nhận diện và có những giải pháp hữu hiệu nhằm ứng phó với các rủi ro tài chính, để đảm bảo sự tăng trưởng bền vững của DN. Về phân loại rủi ro, theo Nguyễn Thị Ngọc Loan (2019), có thể chia ra một số rủi ro liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động quản trị tài chính của các DN như Bảng 1.

Phân tích rủi ro tài chính tại doanh nghiệp  - Ảnh 1

Phân tích rủi ro tài chính doanh nghiệp

Để nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, nhà quản trị DN không chỉ nắm rõ những rủi ro tài chính cụ thể phát sinh, mà còn phải chú trọng phân tích yếu tố này để ngăn chặn, cũng như hạn chế những rủi ro mới hiệu quả hơn.

- Về lý thuyết: Việc phân tích rủi ro tài chính DN là phân tích, đánh giá nguy cơ, khả năng xuất hiện và mức độ nguy hại của các rủi ro. Đối với nội bộ DN, việc phân tích, đánh giá các nguy cơ, rủi ro tài chính giúp cho nhà quản trị DN nhận diện và xác định rõ những rủi ro tài chính của DN, nguyên nhân tác động đến rủi ro tài chính để có các biện pháp phòng ngừa và quản trị rủi ro hữu hiệu.

Đối với các đối tượng bên ngoài DN, việc đánh giá, nhận diện rủi ro tài chính giúp cho các chủ thể quản lý biết được khả năng rủi ro tài chính của DN để có các quyết định quản lý phù hợp với mục tiêu của họ.

Theo các chuyên gia tài chính, yếu tố quan trọng nhất vẫn là nhận thức sâu sắc của ban lãnh đạo về tính chất nguy hại của các rủi ro từng xảy ra hay đang tiềm ẩn và tầm quan trọng của hoạt động quản trị rủi ro. Hoạt động phân tích rủi ro tài chính được xem là “chìa khóa vàng” giúp các DN vận hành hiệu quả hơn.

Để phân tích rủi ro tài chính, nhà quản trị DN có thể sử dụng các công cụ cơ bản như: Cây phân tích, sơ đồ xương cá, biểu đồ Pareto... Trong phân tích rủi ro, các yếu tố rất quan trọng là những thông tin, dữ liệu đầu vào, bao gồm dữ liệu và kinh nghiệm quá khứ cùng với dự báo xu hướng cho giai đoạn trước mắt và tương lai xa hơn.

- Về quy trình: Việc phân tích rủi ro tài chính DN được thực hiện như sau: Thu thập dữ liệu, xác định chỉ tiêu phân tích, so sánh các chỉ tiêu giữa kỳ phân tích với kỳ gốc hoặc so với chỉ tiêu trung bình ngành hoặc so với chỉ tiêu các công ty cổ phần (CTCP) trong cùng ngành, căn cứ vào độ lớn của từng chỉ tiêu, vào kết quả so sánh, tình hình thực tế của CTCP để đánh giá mức độ, xu hướng rủi ro tài chính của CTCP. Khi đánh giá cần xem xét tổng thể các chỉ tiêu.

Ngoài ra, việc phân tích sẽ bao gồm các bước như khả năng xuất hiện các loại rủi ro, đánh giá nguy cơ và mức độ ảnh hưởng mà chúng mang lại.

Thực tế cho thấy, các nhà quản lý DN thường sử dụng nhiều chỉ tiêu để phân tích rủi ro tài chính (Bảng 1) như: Hệ số nợ trên tài sản, hệ số tài trợ thường xuyên, hệ số khả năng thanh toán lãi vay, hệ số lợi nhuận sau thuế trên doanh thu (ROS), hệ số lợi nhuận sau thuế trên tài sản (ROA), hệ số lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE)...

Chẳng hạn như: Đối với chỉ tiêu hệ số nợ trên tài sản phản ánh cấu trúc tài chính của DN, hệ số này càng cao thì nguy cơ rủi ro tài chính cũng càng cao. Nếu khả năng sinh lời cơ bản của tài sản nhỏ hơn tỷ suất lãi vay mà hệ số nợ trên tài sản càng lớn thì rủi ro tài chính là rất cao. Tuy nhiên, khi xem xét các chỉ số này cũng cần hết sức linh hoạt...

Một số lưu ý về phân tích rủi ro tài chính tại doanh nghiệp

Trong bối cảnh môi trường kinh doanh luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố biến động và những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, thì hoạt động quản lý tài chính nói chung và quản trị rủi ro tài chính đang trở thành vấn đề cấp thiết trong công tác quản trị DN. Để công tác quản trị tài chính DN nói chung và phân tích rủi ro tại DN đạt hiệu quả, cần chú trọng một số vấn đề sau:

Một là, nâng cao nhận thức về rủi ro tài chính DN. Thực tế ở Việt Nam cho thấy, hầu như chỉ có các ngân hàng, định chế tài chính và gần đây là các DN niêm yết trên thị trường chứng khoán quan tâm nhiều hơn đến quản trị rủi ro tài chính, còn hầu hết các DN khác đều chưa quan tâm và nhận thức đúng mức về tác động của rủi ro tài chính đến “sức khỏe” DN.

Phân tích rủi ro tài chính tại doanh nghiệp  - Ảnh 2

Vấn đề này xuất phát từ thực tiễn phần lớn các DN của Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa và chú trọng đến việc gia tăng lợi nhuận. Để khắc phục tình trạng này, nhà quản trị DN cần thay đổi tư duy, thường xuyên quan tâm đến có rủi ro và có giải pháp phòng ngừa.

Ngoài ra, không ít DN có xu hướng ngại trao đổi, đề cập về rủi ro tài chính hoặc quá lo lắng khi các rủi ro tài chính xảy ra. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính, rủi ro tài chính xảy đến chưa hẳn là điều gì đó tiêu cực. Nếu nhà quản trị có các phương án, kịch bản phân tích, nghiên cứu rủi ro tài chính, họ có thể biến rủi ro thành cơ hội để DN phát triển bền vững hơn.

Hai là, nắm vững các quy trình và các tiêu chí khi phân tích rủi ro tài chính DN. Thông thường các DN ít khi thực hiện các bước theo các quy trình phân tích rủi ro tài chính, hoặc cũng ít khi tham khảo, xem xét đầy đủ các tiêu chí để có thể đưa ra được bức tranh toàn cảnh nhất, cũng như nhận diện dễ nhất về rủi ro tài chính DN. Kinh nghiệm cho thấy, để thực hiện tốt việc này, nên xây dựng đội ngũ chuyên môn phụ trách quản lý rủi ro và an ninh tài chính DN.

Tùy theo đặc điểm của DN, có thể xây dựng bộ phận này độc lập hoặc kết hợp với bộ phận kiểm soát nội bộ của DN. Đội ngũ này thường xuyên cập nhật và có những cảnh báo về rủi ro pháp lý; rủi ro biến động yếu tố giá cả thị trường, rủi ro hệ thống quản lý tài chính..., để tham mưu, đề xuất với nhà quản trị DN có giải pháp ứng phó ngay lập tức và ngăn ngừa những rủi ro tiềm ẩn trong tương lai.

Ba là, DN chủ động trong các kế hoạch tài chính, kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 như hiện nay. Cụ thể, DN cần lập kế hoạch tài chính chi tiết với các kịch bản và quy trình xử lý rủi ro.

Việc này giúp DN xây dựng chiến lược để quản lý rủi ro. Cùng với đó, thực hiện các biện pháp phòng, ngừa thiệt hại tài chính khi rủi ro xảy ra trong quá trình hoạt động kinh doanh: Mua bảo hiểm, trích lập quỹ dự phòng, sử dụng các công cụ phái sinh…

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Thị Ngọc Loan (2019), Nhận diện rủi ro tài chính và giải pháp ổn định an ninh tài chính doanh nghiệp, Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 10/2019;

2. Hướng dẫn phân tích rủi ro tài chính và dự báo các chỉ tiêu tài chính chủ yếu, https://phantichtaichinh.com/phan-tich-rui-ro-tai-chinh-va-du-bao-cac-chi-tieu-tai-chinh-chu-yeu/;

3. Một số rủi ro tài chính trong doanh nghiệp và cách hạn chế những rủi ro đó, http://luatthienthanh.vn/mot-so-rui-ro-tai-chinh-trong-doanh-nghiep-va-ch-han-che-nhung-rui-ro-do-nd,21908;

4. Phân tích rủi ro tài chính là gì? Cách ngăn ngừa và xử lý rủi ro, https:// smartrain.vn/phan-tich-rui-ro-tai-chinh-la-gi-cach-ngan-ngua-va-xu-ly-rui-ro.html.

(*) ThS. Mai Thị Thúy, Trường Đại học Công đoàn.

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 8/2021.