Pháp luật Việt Nam về chống tài trợ cho khủng bố
(Taichinh) - Luật Phòng, chống rửa tiền và Luật Phòng, chống khủng bố của Việt Nam đều có những quy định nhằm chống tài trợ khủng bố.
Mối quan hệ giữa rửa tiền và tài trợ cho khủng bố
Về cơ bản, các thủ thuật được sử dụng để rửa tiền cũng giống như các thủ thuật được dùng để che giấu nguồn gốc của khoản tiền đó và các mục đích sử dụng để tài trợ cho khủng bố. Sự khác biệt đáng kể giữa rửa tiền và tài trợ cho khủng bố là các khoản tiền liên quan có thể bắt nguồn từ những nguồn hợp pháp cũng như từ các hoạt động phạm tội.
Những nguồn hợp pháp có thể gồm tiền quyên tặng hoặc quà tặng dưới dạng tiền hoặc những tài sản khác cho những tổ chức như các quỹtài trợ hoặc các tổ chức từ thiện nhưng lại được dùng để hỗ trợ cho các hoạt động khủng bố hoặc các tổ chức khủng bố. Vì vậy, sự khác biệt này đòi hỏi phải có các luật riêng để xử lý việc tài trợ cho kẻ khủng bố.
Tuy nhiên, đối với các khoản tiền tài trợ cho khủng bố có nguồn gốc bất hợp pháp thì có thể đã được đề cập trong khuôn khổ chống rửa tiền của mỗi nước tùy thuộc vào phạm vi các tội phạm nguồn của tội rửa tiền.
Pháp luật Việt Nam về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố
Tại Việt Nam, Luật Phòng, chống rửa tiền quy định khung pháp lý cơ bản, cần thiết cho việc phòng, chống hành vi rửa tiền. Những biện pháp phòng ngừa hoạt động rửa tiền được thực hiện bởi các tổ chức tài chính cũng như các tổ chức kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan cũng chính là những biện pháp phòng ngừa được sử dụng để phòng, chống tài trợ cho khủng bố.
Điều 34 Luật Phòng, chống khủng bố quy định: Tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan có nghĩa vụ áp dụng các biện pháp nhận biết, cập nhật thông tin khách hàng; khi có nghi ngờ khách hàng hoặc giao dịch của khách hàng liên quan đến tài trợ khủng bố hoặc khách hàng nằm trong Danh sách đen thì báo cáo cho lực lượng chống khủng bố của Bộ Công an, đơn vị chức năng thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và phải áp dụng các biện pháp tạm thời theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.
Trong khi Luật Phòng, chống khủng bố không phân biệt tiền, tài sản tài trợ cho khủng bố có từ nguồn gốc hợp pháp hay không hợp pháp thì Luật Phòng, chống rửa tiền chỉ quy định về hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố. Theo đó, hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hoá nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có để tài trợ cho tổ chức, cá nhân khủng bố hoặc tài trợ cho hành vi khủng bố.
Điều 30 Luật Phòng, chống rửa tiền quy định đối tượng báo cáo có nghĩa vụ báo cáo kịp thời cho cơ quan phòng, chống khủng bố có thẩm quyền, đồng thời gửi báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi phát hiện tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch nằm trong danh sách đen hoặc khi có căn cứ cho rằng tổ chức, cá nhân khác thực hiện hành vi có liên quan đến tội phạm rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố.
Theo Luật Phòng, chống rửa tiền, danh sách đen là danh sách tổ chức, cá nhân có liên quan tới khủng bố và tài trợ khủng bố do Bộ Công an chủ trì lập theo quy định của pháp luật.
Còn theo Khoản 2 Điều 18 Nghị định số 116/2013/NĐ - CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền thì căn cứ cho rằng tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi có liên quan đến tội phạm rửa tiền nhằm tài trợ cho khủng bố gồm:
(i) Thực hiện hoặc có ý định thực hiện giao dịch liên quan tới tổ chức, cá nhân theo danh sách trong các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc;
(ii) Thực hiện hoặc có ý định thực hiện giao dịch liên quan tới tổ chức, cá nhân theo danh sách những tổ chức, cá nhân khủng bố và tài trợ cho khủng bố do tổ chức quốc tế khác hoặc quốc gia khác trên thế giới lập ra và được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cảnh báo;
(iii) Thực hiện hoặc có ý định thực hiện giao dịch liên quan tới tổ chức, cá nhân đã từng bị kết án về các tội khủng bố, tội tài trợ cho khủng bố tại Việt Nam;
(iv) Thực hiện hoặc có ý định thực hiện giao dịch liên quan tới tổ chức, cá nhân khủng bố hoặc tài trợ khủng bố mà đối tượng báo cáo biết được từ các nguồn thông tin khác.
Như vậy, Luật Phòng, chống rửa tiền và Luật Phòng, chống khủng bố của Việt Nam đều có những quy định nhằm chống tài trợ khủng bố và có những điểm tương đồng với nhau trong việc xác định trách nhiệm của các tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan.
Nếu phát hiện giao dịch có liên quan đến tổ chức, cá nhân nằm trong danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ cho khủng bố do Bộ Công an xác lập, tổ chức tài chính và tổ chức kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan phải ngay lập tức tạm ngừng lưu thông, phong toả tiền, tài sản liên quan và báo cáo Giám đốc công an cấp tỉnh (theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 122/2013/NĐ-CP ngày 11/10/2013 của Chính phủ quy định việc tạm ngừng lưu thông, phong toả, niêm phong, xử lý tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; việc xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố).
Nếu phát hiện giao dịch liên quan đến tổ chức, cá nhân nằm trong danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố nhưng chưa được Bộ Công an xác lập, nếu biết được, thì tổ chức tài chính, tổ chức kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan phải thực hiện biện pháp trì hoãn giao dịch trong vòng 03 ngày và báo cáo ngay cho lực lượng chống khủng bố thuộc Bộ Công an (theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 116 hướng dẫn thực hiện chi tiết Luật Phòng, chống rửa tiền).
Cũng theo quy định tại Điều 22 của Nghị định số 116, trì hoãn giao dịch chính là hình thức phong toả tạm thời trước khi có quyết định chính thức của cơ quan có thẩm quyền.