Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ công tác phòng, chống rửa tiền

PV.

(Tài chính)Bằng những nỗ lực và quyết tâm, trong những năm qua Việt Nam đã có nhiều hành động thiết thực trong hoạt động phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Điểm đáng ghi nhận nhất là hàng lanh pháp lý về lĩnh vực này ở Việt Nam đã được hình thành và dần được hoàn thiện. Tuy nhiên, trước những đòi hỏi từ thực tiễn với những diễn biến phức tạp phát sinh của tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố, yêu cầu đặt ra cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực này…

 

Hành lang pháp lý về phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền đã được hình thành và hoàn thiện đáp ứng nhu cầu thực tiễn tại Việt Nam và quốc tế. Điển hình như Luật Phòng, chống rửa tiền ngày 18/6/2012; Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 4/10/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền; và các thông tư hướng dẫn như Thông tư số 35/2013/TT-NHNN ngày 31/12/2013 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện một số quy định về phòng, chống rửa tiền và Thông tư số 148/2010/TT-BTC ngày 24/9/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền đối với lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và trò chơi có thưởng…; Thông tư số 31/2014/TT-NHNN ngày 11/11/2014 của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 35/2013/TT-NHNN ngày 31/12 /2013 hướng dẫn thực hiện một số quy định về phòng, chống rửa tiền…

Mặc dù hành lang pháp lý đã được hình thành và đang ngày một hoàn thiện hơn, tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia trong và ngoài nước Việt Nam cần thống nhất các quy định trong các bộ luật. Mặt khác, các khung hình phạt cần được tăng nặng hơn để tạo tính răn đe…Cụ thể:

Đối với pháp luật hình sự, cần quy định rửa tiền là tội phạm riêng để nâng cao hiệu quả áp dụng trong quá trình phòng chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia nói chung và phòng chống rửa tiền nói riêng. Bộ luật hình sự cũng cần hình sự hoá những hành vi đã được quy định trong các điều ước quốc tế liên quan đến hoạt động rửa tiền như: tội làm giàu bất minh, để buộc các cá nhân có tài sản tăng đáng kể so với thu nhập của mình mà không giải thích được nguồn gốc của nó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bên cạnh đó cần xây dựng các quy định về biện pháp tịch thu tiền và tài sản do phạm tội mà có. Các biện pháp tịch thu là sự nối tiếp tất yếu của các biện pháp trấn áp tội phạm rửa tiền.

Đối với pháp luật tài chính ngân hàng: Nội dung của hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này đã đáp ứng được yêu cầu trong việc phòng chống rửa tiền thông qua tổ chức tín dụng, ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền liên quan cần ban hành các văn bản quy định một cách chặt chẽ về sử dụng ngoại tệ trong giao dịch và thanh tóan.

Bên cạnh đó, cần sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện văn bản pháp luật liên quan mang tính chất bổ trợ như: Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật quản lí thuế, Luật thuế tài sản, pháp luật về đăng ký giao dịch… cần đưa ra những quy định hợp lí góp phần kiểm soát thu nhập và tài sản của cá nhân, tránh hiện tượng cá nhân có tài sản tăng lên một cách bất hợp pháp nhưng không được kiểm sóat và không chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Đặc biệt, trong lĩnh vực chứng khoán, nhiều đại diện của công ty chứng khoán cho rằng, các quy định tại văn bản hướng dẫn Luật Phòng chống rửa tiền còn thiếu thực tế và khó khả thi trong thực tiễn cuộc sống. Một minh chứng về tính thiếu thực tiễn là quy định về báo cáo giao dịch giá trị lớn trong lĩnh vực chứng khoán.

Theo quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền, đối tượng báo cáo phải có trách nhiệm báo cáo Ngân hàng Nhà nước khi thực hiện các giao dịch có giá trị lớn (giao dịch bằng tiền mặt, bằng vàng hoặc ngoại tệ tiền mặt có tổng giá trị trên 300 triệu).

Trong khi đó, căn cứ theo pháp luật về chứng khoán thì công ty chứng khoán lại phải quản lý tách bạch tiền gửi giao dịch chứng khoán của từng khách hàng, tách bạch tiền của khách hàng với tiền của công ty chứng khoán.

Thông tư 148/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định, giao dịch lớn phải báo cáo là giao dịch tiền mặt trong ngày, nghĩa là sử dụng tiền mặt khi thanh toán tiền mua cổ phiếu giống như mua bán trao tay cổ phiếu OTC.Trong khi thực tế, công ty chứng khoán không được phép thực hiện giao dịch tiền mặt trực tiếp với khách hàng, nói cách khác là hầu như không phát sinh các giao dịch giá trị lớn.

Để bổ sung thêm các quy định có tính thực tiễn, tăng cường hiệu quả của hành lang pháp lý về phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán, Bộ Tài chính đã tính tới việc xây dựng Thông tư mới thay thế Thông tư số 148/2010/TT-BTC ngày 24/9/2010 hướng dẫn các biện pháp phòng, chống rửa tiền đối với lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và trò chơi có thưởng.

Cùng với việc hoàn thiện hành lang pháp lý, để hoạt động phòng, chống rửa tiền đạt hiệu quả các các chuyên gia khuyến cáo cần tập trung xây dựng cơ chế quản lý nhà nước chặt chẽ. Trước hết là kiểm sóat các giao dịch liên quan đến các tổ chức tài chính: Tiền được rút ra từ hệ thống các tổ chức tín dụng luôn được coi là hợp pháp, thế nên, hoạt động rửa tiền của bọn tội phạm cũng tập trung vào các tổ chức tín dụng. Xây dựng các cơ chế kiểm soát khách hàng và các giao dịch thông qua tổ chức tín dụng đóng vai trò quan trọng.

Hoạt động kiểm soát này liên quan đến việc nhận biết khách hàng, thu thập và kiểm soát thông tin về khách hàng. Các nhân viên ngân hàng thực hiện nghiệp vụ phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền các thông tin về khách hàng có dấu hiệu của hoạt động rửa tiền và giao dịch đáng ngờ. Đồng thời cũng quy định bắt buộc đối với một số giao dịch được nhất định phải báo cáo.

Các giao dịch liên quan đến động sản và tài sản có giá trị lớn: những tài sản mà Nhà nước quy định phải đăng kí quyền sở hữu, trong qúa trình sử dụng, chuyển nhượng cần phải khai báo với cơ quan nhà nước, thanh toán qua tổ chức tín dụng. Có thể xây dựng các chính sách thuế với thuế suất hợp lý mà đối tượng đánh thuế là tài sản để kiểm soát được thực trạng và chủ sở hữu của tài sản này, đồng thời có biện pháp xử phạt thích đáng cho các cá nhân tổ chức tiến hành các giao dịch ngầm.