Phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dưới 5 năm?

Theo daibieunhandan.vn

(Taichinh) - Lượng trái phiếu Chính phủ huy động được trong 4 tháng đầu năm nay đã giảm khá nhiều so với thời gian trước. Để tăng sức hấp dẫn của trái phiếu Chính phủ, Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam đề nghị, nên quay trở lại phát hành những kỳ hạn ngắn từ 1 – 3 năm.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo Bộ Tài chính, trong 4 tháng đầu năm nay, huy động trái phiếu Chính phủ mới đạt hơn 64,5 nghìn tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, trong tháng 4.2015, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội tổ chức 11 phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ, huy động được hơn 8.523 tỷ đồng do Kho bạc Nhà nước phát hành. So với tháng liền trước, khối lượng trái phiếu huy động trên thị trường sơ cấp tháng 4.2015 giảm 50,9%. Như vậy, khối lượng tiền huy động cho ngân sách từ nguồn trái phiếu Chính phủ giảm nhiều, trong khi tiến độ chi ngân sách và mức thâm hụt thì vẫn như năm ngoái.

Giải thích cho tình trạng này, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Vũ Thị Mai cho biết, lượng trái phiếu Chính phủ huy động được trong các phiên đấu thầu giảm có nhiều nguyên nhân. Trong đó Nghị quyết 78/2014 của Quốc hội yêu cầu, từ năm 2015, phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn từ 5 năm trở lên, không thực hiện các khoản vay có kỳ hạn ngắn cho bù đắp bội chi ngân sách nhà nước, giảm mức vay đảo nợ. Chủ trương này được thực hiện nhằm cơ cấu lại các khoản nợ của ngân sách theo hướng ngày càng lành mạnh hơn, song việc triển khai về phát hành trái phiếu dài hạn gây ra phản ứng phụ trên thị trường. Thị trường đã phát đi những tín hiệu về khả năng hạn chế trong hấp thụ các loại trái phiếu có kỳ hạn dài.

Bên cạnh lý do được cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra, thì các thành viên trên thị trường còn đưa ra một nguyên nhân khác. Đó là Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Tại văn bản này, lần đầu tiên quy định mức tối đa đầu tư trái phiếu Chính phủ của Ngân hàng thương mại Nhà nước là 15% trên nguồn vốn ngắn hạn; ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài là 35%; chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 15% và tổ chức tín dụng phi ngân hàng là 5%.

Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, trên thế giới không có quốc gia nào quy định về giới hạn đầu tư trái phiếu Chính phủ của các ngân hàng, cũng như quy định về kỳ hạn phát hành trái phiếu. Tại các quốc gia thường duy trì nhiều kỳ hạn trái phiếu Chính phủ khác nhau để hình thành đường cong lãi suất tham chiếu đầy đủ. Vì thế, mức trần do Nghị quyết 78 và Thông tư 36 đã làm hạn chế khả năng tham gia đầu tư trái phiếu Chính phủ của các ngân hàng thương mại, vốn là nhóm nhà đầu tư chủ lực sẽ tác động đến khả năng thu hút các nhóm nhà đầu tư khác tham gia thị trường trái phiếu. Đặc biệt là hạn chế đầu tư từ các tổ chức tài chính nước ngoài - đối tượng có vai trò cầu nối thu hút, phục vụ các loại hình nhà đầu tư nước ngoài khác nhau tham gia đầu tư vào thị trường trái phiếu Việt Nam.

Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam đề nghị, cần đặt ra lộ trình phù hợp về việc cơ cấu lại kỳ hạn nợ, ưu tiên huy động trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài trên 5 năm nhưng xem xét điều chỉnh linh hoạt theo điều kiện thực tế thị trường về cấu trúc kỳ hạn phát hành trái phiếu. Ví dụ như duy trì phát hành đối với các kỳ hạn ngắn 1, 2 và 3 năm nhưng tỷ trọng các kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên sẽ chiếm tối thiểu 50%. Đối với ngưỡng sở hữu trái phiếu Chính phủ của các ngân hàng thương mại, thì mỗi ngân hàng đã tính sẵn rủi ro và ngưỡng chịu đựng rủi ro của mình trong kinh doanh. Bởi vậy, Ngân hàng Nhà nước chỉ cần can thiệp vào sự rủi ro và tính an toàn hệ thống, không nên can thiệp quá sâu vào tính thương mại của ngân hàng và nên để mỗi đơn vị tự quyết định ngưỡng chịu đựng của mình.

Với tiến độ huy động trái phiếu Chính phủ như hiện nay, thì việc thực hiện mục tiêu trong năm 2015 huy động 250.000 tỷ đồng vốn từ thị trường này là nhiệm vụ khó với Bộ Tài chính. Nhưng cũng không thể không nhớ rằng các khoản vay trong nước hiện chủ yếu là vay ngắn hạn, có thời hạn từ 2 – 6 năm. Việc sử dụng các khoản vốn vay ngắn hạn cho đầu tư dài hạn phát sinh rủi ro, làm cho nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh, tạo áp lực bố trí nguồn trả nợ. Trong năm 2012, Bộ Tài chính đã phải phát hành trái phiếu để đảo nợ lên đến 20.000 tỷ đồng, năm 2013 là 40.000 tỷ đồng, năm 2014 là 77.000 tỷ đồng. Mặt khác, trường hợp không phát hành được trái phiếu để đảo nợ đến hạn, thì rủi ro nghĩa vụ nợ dự phòng sẽ do ngân sách nhà nước gánh chịu. Do đó, cần phải cân nhắc kỹ càng về việc quay về phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dưới 5 năm, để bảo đảm an toàn cho ngân sách nhà nước.