Phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ Việt Nam: Cơ hội và thách thức
(Tài chính) Tại Nghị quyết Phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 8/2014 vừa được công bố, Chính phủ đã đồng ý thực hiện phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ Việt Nam ra thị trường vốn quốc tế để tái cơ cấu các khoản nợ trước đây. Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết về việc phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành để tổ chức thực hiện.
Thời điểm thuận lợi…
Năm 2005, Việt Nam đã huy động thành công 750 triệu USD thông qua phát hành trái phiếu quốc tế tại Sở giao dịch chứng khoán New York (Mỹ), kỳ hạn 10 năm, lãi suất 7,125%/năm và số trái phiếu này sẽ đến hạn trả nợ gốc và lãi vào năm 2016. Năm 2010, Chính phủ tiếp tục phát hành tiếp trái phiếu quốc tế kỳ hạn 10 năm tại Sở Giao dịch chứng khoán Singapore với lãi suất danh nghĩa 6,75%/năm, huy động về 1 tỷ USD. Số tiền vay từ các lần huy động này đã được cho vay lại đối với các DNNN lớn là Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (nay là SBIC); Tập đoàn Dầu khí (PVN), Tập đoàn Điện lực (EVN), Vinalines... Như vậy, nếu lần này được thực hiện, thì đây sẽ lần thứ ba Chính phủ Việt Nam phát hành trái phiếu quốc tế.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, hiện có khá nhiều điều kiện thuận lợi cho việc huy động trái phiếu quốc tế của Việt Nam. Cụ thể, các tổ chức xếp hạng tín dụng như Moody’s, Standard&Poor và Fitch đều nhận định thời gian gần đây nền kinh tế của Việt Nam đã có những cải thiện tích cực. Đặc biệt, mới đây, Moody's đã công bố xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam đã tiến lên một bậc (từ B2 lên B1), qua đó góp phần giúp tăng độ hấp dẫn của trái phiếu đối với giới đầu tư trên thị trường quốc tế. Theo ông Dan Svenssion, Giám đốc quản lý danh mục đầu tư tại Dragon Capital, bất chấp những bất ổn chính trị xảy ra trên toàn cầu, rất nhiều nhà đầu tư vẫn muốn mua vào trái phiếu quốc tế của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế trong nước đã trở nên ổn định hơn rất nhiều so với những năm trước. Thực tế cũng cho thấy, ngoại trừ tình hình nợ xấu còn khá cao, các chỉ số khác về kinh tế của Việt Nam như kinh tế vĩ mô, lạm phát, dự trữ ngoại hối… trong hai năm qua đã được cải thiện rất nhiều.
Trong một báo cáo mới đây, Công ty chứng khoán VPBS cũng khẳng định, đây là thời điểm thích hợp để phát hành trái phiếu USD do trái phiếu được định giá bằng lãi suất hoán đổi LIBOR cộng thêm một mức lãi suất biên. Cả hai mức lãi suất này đều đang giảm xuống kể từ đầu năm nay. Trong khi đó, theo TS. Phan Minh Ngọc, Ngân hàng Sumitomo chi nhánh Singapore, nên khẩn trương tiến hành bởi lần phát hành này là có lợi, đứng từ góc độ chi phí, vì lãi suất vay nợ trên thế giới có xu hướng giảm đi do ngân hàng trung ương các nước đã và đang nới lỏng tiền tệ để kích thích phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Đây là những yếu tố tích cực cho lãi suất trái phiếu của Việt Nam vì với mức lãi suất chung trên thế giới giảm đi thì lãi suất trái phiếu mà nhà đầu tư nước ngoài đòi hỏi Việt Nam phải trả sẽ phải giảm đi tương ứng, cộng thêm với sự cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam thì lãi suất Việt Nam phải trả cho nhà đầu tư nước ngoài càng phải giảm đi so với trước đây. Ông Alan Phạm, chuyên gia kinh tế trưởng của VinaCapital cũng cho rằng, đây là thời điểm rất thích hợp để Chính phủ tái cấu trúc tỷ lệ nợ công hiện tại thông qua khoản vay mới.
… nhưng cần phải cẩn trọng
Theo Chương trình quản lý nợ trung hạn giai đoạn 2013 - 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 04/05/2013, Việt Nam dự kiến cần vay nước ngoài 33.000 tỷ đồng trong năm 2014 và 40.000 tỷ đồng trong năm 2015 để bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước. Trong lần phát hành lần này, theo nhiều chuyên gia kinh tế, để thu hút được nhà đầu tư, Chính phủ cần phải phối hợp chặt chẽ với ngân hàng bảo lãnh để đưa ra một mức lãi suất tối ưu - tức thấp nhất - để sao cho vừa bán hết khối lượng trái phiếu phát hành, vừa không phải trả cho ngân hàng bảo lãnh phát hành một mức phí bảo lãnh quá cao trong trường hợp không bán hết hàng do lãi suất trở nên quá thấp trên thực tế, không hấp dẫn được đủ số lượng nhà đầu tư tham gia.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam cần cân nhắc thật kỹ lưỡng các vấn đề nếu tiến hành đợt phát hành tới đây. Mới đây, VPBS khuyến nghị Chính phủ nên thực hiện việc phát hành trái phiếu một cách thận trọng vì thị trường trái phiếu quốc tế có thể thay đổi nhanh chóng. Hiện tại, FED và Ngân hàng Trung ương châu Âu đều khẳng định sẽ giữ mức lãi suất thấp cho tới năm sau. Song cuối cùng tỷ lệ lạm phát của Mỹ sẽ tăng lên và FED sẽ tăng lãi suất. Khi đó, có thể các nhà đầu tư sẽ không còn quan tâm đến một thị trường cận biên như Việt Nam. Chia sẻ quan điểm này, một số chuyên gia cũng cho rằng, nếu Mỹ rút lại các gói nới lỏng tiền tệ (QE) khi nền kinh tế của họ có dấu hiệu phục hồi rõ nét thì lúc đó lãi suất có nhiều khả năng sẽ tăng trở lại.
Theo chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành đánh giá, khi đi vay cần không chỉ có lãi suất mà cần tính đến các yếu tố khác như: phí bảo lãnh, phí phát hành… Trong khi đó, trong bài trả lời phỏng vấn báo chí gần đây, TS. Phan Minh Ngọc cũng cho rằng, tại thời điểm này, Việt Nam đối mặt với là việc nâng hạng tín nhiệm quốc gia mới chỉ được 1 trong 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm chính là Moody's thực hiện, Fitch vừa mới dự kiến nâng xếp hạng của Việt Nam thêm 1 bậc, còn S&P thì vẫn chưa thấy động thái gì. Nếu nhà đầu tư yêu cầu Việt Nam phải có được đánh giá tín nhiệm của 2 tổ chức này cho đợt trái phiếu sắp phát hành, mà chẳng may họ vẫn giữ nguyên xếp hạng hoặc hạ bậc tín nhiệm lúc đó thì có thể lãi suất đề xuất của trái phiếu chính phủ của Việt Nam không còn ở mức hấp dẫn nữa.
Phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế là một kênh huy động vốn hữu hiệu với nền kinh tế các nước đang phát triển. Nguồn vốn huy động được sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển, đầu tư của Chính phủ tuy nhiên, nếu không quản lý và sử dụng hiệu quả sẽ gây ra những tác động đảo ngược, tiêu cực và ảnh hưởng tới an ninh tài chính quốc gia. Do vậy, hiện nay, một trong những vấn đề khác được dư luận quan tâm đó là tính hiệu quả sử dụng của các khoản vay sẽ như thế nào để tránh lặp lại câu chuyện của Vinashin? Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, với những kinh nghiệm từ hai lần trước đó, chắc chắn Chính phủ sẽ có cách thức quản lý, sử dụng hợp lý và hiệu quả hơn.