Phát huy vai trò của chế độ hưu trí trong đảm bảo an sinh xã hội

ThS. Phạm Thị Thúy

Chế độ hưu trí là cốt lõi của chính sách bảo hiểm xã hội, đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người lao động khi hết tuổi lao động. Lương hưu có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp người lao động đảm bảo cuộc sống khi về già có chi phí chi trả cho những nhu cầu sống cơ bản và có thêm thẻ bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khoẻ. Mặt khác, mức hưởng lương hưu không phải mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà định kỳ được điều chỉnh tăng theo Chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế, để bảo đảm cuộc sống của người nghỉ hưu. Do đó, người hưởng lương hưu luôn được bảo toàn giá trị, không bị rủi ro khi đồng tiền mất giá, điều này giúp trang trải những chi phí đảm bảo cuộc sống.

Thực tiễn triển khai chế độ hưu trí ở Việt Nam

Lương hưu hàng tháng là nguồn thu nhập ổn định để đảm bảo cuộc sống khi về già của người lao động - độ tuổi dễ bị tổn thương nhất: Hệ miễn dịch suy giảm dễ mắc bệnh, sức khỏe suy yếu không thể lao động.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, đến hết tháng 6/2023 mới có khoảng 17,48 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), đạt 37,5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia gia BHXH. Trong khi đó, nguồn thu nhập chính của người cao tuổi ở Việt Nam (từ 60 tuổi trở lên) chủ yếu đến từ hỗ trợ của con cái, chiếm khoảng 38%; các nguồn thu nhập mà người cao tuổi có được từ lương hưu chỉ khoảng 15% và từ nguồn trợ cấp xã hội khoảng 10%.

Trong giai đoạn 2016-2022, cả nước đã giải quyết gần 763 nghìn người hưởng lương hưu (trung bình mỗi năm giải quyết đối với khoảng 109 nghìn người). Trong đó, có khoảng 420 nghìn người hưởng lương hưu, chiếm tỷ lệ 55,2% số người được giải quyết hưởng chế độ hưu trí. Hiện nay, ngành BHXH Việt Nam thực hiện chi trả cho khoảng 2,7 triệu người hưởng lương hưu. Trong tổng số người hưởng này, phần lớn có mức hưởng từ 3 triệu đồng/tháng đến dưới 7 triệu đồng/tháng với gần 1,9 triệu người (chiếm 68,3% tổng số người hưởng lương hưu trên cả nước). Nhiều trường hợp được hưởng mức lương hưu cao, do quá trình tham gia BHXH có mức tiền lương và thu nhập làm căn cứ đóng BHXH cao (theo quy định, người lao động được đóng BHXH tối đa bằng 20 lần mức lương cơ sở từng thời kỳ). Hiện nay, người đang được hưởng lương hưu cao nhất cả nước là hơn 120 triệu đồng/tháng (BHXH Việt Nam, 2023).

Trên thực tế, mức hưởng lương hưu không phải cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà định kỳ được điều chỉnh tăng theo Chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và Quỹ BHXH để đảm bảo cuộc sống của người nghỉ hưu. Từ năm 2016 đến năm 2022, Chính phủ đã điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng, 5 lần với các mức điều chỉnh tương ứng 8% (năm 2016); 7,44% (năm 2017); 6,92% (năm 2018); 7,19% (năm 2019); 7,4% (năm 2022) trên mức lương hưu hiện hưởng.

Gần đây nhất, dù kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng lương hưu vẫn được điều chỉnh với mức chung là 7,4% từ ngày 01/01/2022. Cụ thể, với người nghỉ hưu trước ngày 01/01/1995 sau khi thực hiện điều chỉnh theo quy định (7,4%) mà có mức lương hưu thuộc các trường hợp thấp thì lại tiếp tục được điều chỉnh (tăng thêm 200 nghìn đồng đối với những người có mức lương hưu từ 2,3 triệu đồng/tháng trở xuống; tăng lên bằng 2,5 triệu đồng đối với những người có mức lương hưu từ 2,3 triệu đồng/tháng đến dưới 2,5 triệu đồng/tháng).

Việc Chính phủ thường xuyên ban hành quy định điều chỉnh mức hưởng lương hưu góp phần ổn định cuộc sống cho người nghỉ hưu, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước đối với người lao động khi hết tuổi lao động. Bên cạnh đó, hệ thống chính sách pháp luật BHXH, bảo hiểm y tế cũng được hoàn thiện phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia. Theo quy định hiện hành, thời gian người lao động tham gia BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu phải đủ 20 năm, dẫn tới nhiều người có thời gian tham gia BHXH ngắn, nên khi hết tuổi lao động, không tích lũy đủ số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu...

Khắc phục bất cập trên, tại dự thảo Luật BHXH sửa đổi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất các nội dung mới như: Giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, nhằm tạo điều kiện cho người lao động tham gia muộn, có thời gian đóng BHXH ngắn, được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH; tăng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, bổ sung chế độ trợ cấp thai sản, nhằm tăng tính hấp dẫn, tạo điều kiện để người dân tham gia BHXH tự nguyện…

Bên cạnh việc hưởng lương hưu, người lao động tham gia BHXH khi đủ điều kiện nghỉ hưu còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí, được hưởng các quyền lợi khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe trọn đời do Quỹ BHYT chi trả với mức hưởng là 95% (cao hơn mức hưởng trung bình của người tham gia BHYT theo hộ gia đình). Những năm qua, cơ quan BHXH đã chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng cho những người hưởng lương hưu bị mắc bệnh hiểm nghèo, nan y - bởi lứa tuổi này thường dễ gặp các vấn đề bất trắc về sức khỏe. Cùng với đó, trong thời gian hưởng lương hưu, người hưởng lương hưu không may qua đời thì thân nhân của họ còn được hưởng chế độ tử tuất với nhiều quyền lợi ưu việt...

Bên cạnh những lợi ích khi tham gia BHXH để được hưởng lương hưu, chế độ hưu trí của Việt Nam còn chưa hấp dẫn và được thiết kế đơn tầng, độ bao phủ còn hạn chế với hai chế độ dựa trên đóng góp của người lao động và doanh nghiệp thuộc BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Các chế độ hưu trí này chỉ bảo đảm cho khoảng 40% người cao tuổi, số còn lại không có lương hưu và trợ cấp. Bên cạnh đó là vấn đề già hóa dân số nhanh và hệ thống hưu trí đơn tầng có thể coi là hai yếu tố cộng hưởng gây áp lực lên hệ thống an sinh xã hội. Đây là những thách thức lớn dẫn tới Việt Nam không đạt được mục tiêu về tỷ lệ số người sau tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội đề ra trong Nghị quyết số 28- NQ/TW.

Một trong những thách thức khác là trong những năm gần đây nhiều người lao động mất việc làm, không có thu nhập nên chọn phương án hưởng BHXH một lần, vì cần có một khoản chi tiêu để trang trải cho cuộc sống. Một số người lao động khác lựa chọn nhận BHXH một lần, vì không hiểu được những lợi ích của việc hưởng lương hưu so với nhận BHXH một lần, cũng như tính nhân văn, ưu việt và tính chia sẻ, trách nhiệm cộng đồng của việc tham gia BHXH. Khi rút BHXH một lần, toàn bộ thời gian đóng BHXH trước đó của người lao động sẽ không được bảo lưu và mất cơ hội hưởng lương hưu khi về già...

Giải pháp đảm bảo quyền, lợi ích của người tham gia bảo hiểm xã hội

Để giải quyết những hạn chế, bất cập trên, cũng như đảm bảo quyền, lợi ích khi tham gia BHXH, thời gian tới cần triển khai các giải pháp sau:

Thứ nhất, cần thiết kế chính sách hưu trí theo hệ thống hưu trí đa tầng, linh hoạt độ tuổi hưởng lương hưu do dân số nước ta già hóa nhanh, trong khi hệ thống hưu trí được thiết kế đơn tầng với độ bao phủ hạn chế.

Theo đó, hệ thống hưu trí đa tầng sẽ đảm bảo quyền, lợi ích cho người tham gia BHXH khi về già. Cụ thể, tầng dưới cùng dành cho lao động hưởng lương hưu dựa vào những năm đóng BHXH ở mức thu nhập tối thiểu. Hưu trí tầng này do Nhà nước phụ trách, nếu mức hưởng thấp hơn mức lương tối thiểu thì bù thêm. Tầng thứ hai là những người đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn làm việc, có thu nhập và tiếp tục tham gia BHXH theo nguyên tắc chia sẻ chung. Nhóm này tự chọn tuổi nghỉ hưu và mức hưởng tương xứng. Tầng thứ ba dành cho những người đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu như hình thức tài khoản cá nhân.

Thứ hai, cơ quan BHXH các cấp phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về tiền lương tại doanh nghiệp; kiến nghị cơ quan công an xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm về tiền lương, chế độ BHXH của doanh nghiệp.

Thứ ba, đẩy mạnh tuyên truyền về những lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện, BHXH bắt buộc với nội dung, hình thức đa dạng cho các đối tượng trong độ tuổi lao động để họ hiểu được tầm quan trọng của chế độ hưu trí khi về già.

Thứ tư, tăng cường phối hợp với Bưu điện thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp hàng tháng cho đối tượng thụ hưởng đảm bảo kịp thời, đúng quy định của pháp luật.

Thứ năm, thường xuyên tiếp xúc, đồng hành chia sẻ với doanh nghiệp để tuyên truyền về chính sách pháp luật BHXH, bảo hiểm y tế để nâng cao ý thức tuân thủ của chủ sử dụng lao động trong việc đóng đúng, đóng đủ BHXH để đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội lâu dài cho người lao động.

 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 8/2023