Phát triển bảo hiểm nông nghiệp trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam
Bài viết làm rõ khái niệm bảo hiểm nông nghiệp và vai trò của bảo hiểm nông nghiệp đối với kinh tế nông nghiệp vốn chứa đựng rủi ro cao. Đồng thời, vai trò của bảo hiểm nông nghiệp và những khó khăn trong việc phát triển bảo hiểm nông nghiệp nông nghiệp được phân tích làm rõ, từ đó, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam.
Đặt vấn đề
Sự phát triển nông nghiệp đặc biệt quan trọng bởi với sự tăng trưởng liên tục của dân số thế giới thì nhu cầu về lương thực ngày càng tăng. Theo thống kê của Công ty Tài chính quốc tế (2014), trên toàn thế giới có khoảng 450 triệu hộ gia đình đang phụ thuộc vào hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bản chất của ngành Nông nghiệp là gắn liền với rủi ro lớn. Do vậy, bảo hiểm nông nghiệp - công cụ tài chính gắn liền với hoạt động kinh doanh nông nghiệp, bảo vệ người nông dân trước rủi ro thiên tai, thời tiết cũng như rủi ro về biến động giá cả trên thị trường - chính là một công cụ chia sẻ rủi ro hữu ích đối với người sản xuất nông nghiệp. Thực tế cho thấy, các tổ chức tài chính còn chưa “mặn mà” trong việc cung cấp các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, do sự đòi hỏi cao về năng lực đánh giá thống kê, cộng với việc các thông tin liên quan đến hoạt động bảo hiểm nông nghiệp rất rườm rà và đòi hỏi nhiều nhận định mang tính chất chủ quan...
Ở Việt Nam, với đặc thù nền nông nghiệp sản xuất manh mún, quy mô sản xuất nhỏ thì khả năng tham gia bảo hiểm nông nghiệp càng hạn chế; kể cả trong trường hợp có bảo hiểm nông nghiệp thì chi phí bảo hiểm lớn là một gánh nặng cho người tham gia bảo hiểm. Trên thế giới, tại các nước phát triển và các nước đang phát triển, các Chính phủ đã và đang có những chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển bảo hiểm nông nghiệp. Tuy nhiên, không phải tất cả các chính sách bảo hiểm nông nghiệp đạt được hiệu quả như mong muốn.
Một số vấn đề về phát triển bảo hiểm nông nghiệp trên thế giới
Vai trò của bảo hiểm nông nghiệp
Wenner và Arias (2003) chỉ ra rằng, một trong những hậu quả trong ngắn hạn nếu không có các công cụ quản lý rủi ro hiệu quả, đó là việc giảm đáng kể thu nhập của người nông dân. Thậm chí, khi rủi ro đó liên quan đến những cú sốc mang tính hệ thống và ảnh hưởng tới toàn ngành, chẳng hạn như: Những cú sốc tiêu cực có thể ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của người nông dân và dẫn đến việc mất khả năng trả trợ đối với các khoản vay. Hệ quả là việc các tổ chức cho vay sẽ có xu hướng giảm thiểu cấp vốn cho lĩnh vực nông nghiệp. Theo thời gian, việc không thể tiếp cận nguồn tài chính bên ngoài sẽ giới hạn khả năng mở rộng, đa dạng hóa và hiện đại hóa các hoạt động nông nghiệp của người nông dân.
Cũng với lập luận tương tự như vậy nhưng với góc độ tiếp cận từ các hộ nông dân, Hill (2010) chỉ ra rằng, khi các hộ gia đình ít được tiếp cận với bảo hiểm, những cú sốc thời tiết sẽ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến phúc lợi của họ sau khi chúng xảy ra, mà chúng còn ảnh hưởng đến các quyết định về sinh kế của họ. Trong điều kiện không được bảo vệ thì kỳ vọng về những điều bất lợi có thể xảy ra sẽ ảnh hưởng đến hành vi của nông dân, khiến họ có xu hướng tránh đầu tư vào các hoạt động mạo hiểm, thay vào đó là giữ lại các tài sản có tính thanh khoản cao nhưng khả năng sinh lợi hầu như rất thấp. Việc cho phép các hộ nghèo đối phó tốt hơn với những cú sốc là điều cần thiết để cải thiện phúc lợi của họ trong ngắn hạn cũng như cải thiện cơ hội tăng trưởng thu nhập trong dài hạn
Thách thức, khó khăn trong phát triển bảo hiểm nông nghiệp
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, trong giai đoạn thí điểm từ năm 2011 đến 2013, với sản phẩm bảo hiểm cây lúa, có tới 236.396 hộ nông dân tham gia (gồm: 76,5% hộ nghèo; 16,8% hộ cận nghèo; 6,7% hộ thường). Sản phẩm bảo hiểm vật nuôi có 60.133 hộ nông dân tham gia (gồm: 84,1% hộ nghèo; 9,8% hộ cận nghèo; 6,1% hộ thường). Bảo hiểm thủy sản thu hút được 7.487 hộ nông dân tham gia (gồm: 27,4% hộ nghèo, 4% hộ cận nghèo, 68,6% hộ thường).
Nghiên cứu kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy, thách thức lớn nhất là làm thế nào để vượt qua những trở ngại và cung cấp các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp hiệu quả và bền vững. Những trở ngại chính bao gồm thiếu thông tin có chất lượng cao, khung pháp lý không đầy đủ, giám sát yếu, thiếu chuyên môn trong thiết kế và giám sát các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, khách hàng có thu nhập thấp, phân tán và có hiểu biết hạn chế về bảo hiểm nông nghiệp dẫn đến việc họ không sẵn lòng hoặc không có khả năng trả phí bảo hiểm cho các sản phẩm rủi ro. Thậm chí, ngay cả việc các chính phủ sử dụng các khoản trợ cấp hay các quỹ cứu trợ cũng có thế làm suy yếu phát triển bảo hiểm nông nghiệp nếu như các khoản trợ cấp của họ được đưa ra một cách không thích hợp (Reyes và cộng sự, 2017). Các chính phủ có xu hướng giảm bớt tác động của thất bại mùa màng hoặc các thảm họa khác bằng cách cung cấp bồi thường trực tiếp sau thiên tai như một biện pháp cứu trợ. Mặt trái của các chương trình hỗ trợ này là chúng ngăn cản các chương trình như bảo hiểm, cung cấp các giải pháp tài chính hiệu quả hơn và giảm thiểu thiệt hại từ các sự kiện trong tương lai (Mahul và Stutley, 2010)
Vai trò của Chính phủ trong phát triển bảo hiểm nông nghiệp
Việc cung cấp hỗ trợ cho bảo hiểm nông nghiệp là khác nhau ở các nước đã phát triển. Bảo hiểm nông nghiệp ở Mỹ nhận được rất nhiều trợ cấp từ Chính phủ trong khi chính phủ Úc, New Zealand và Thuỵ Điển hầu như không hỗ trợ cho dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp và được cung cấp hầu hết bởi các công ty bảo hiểm tư nhân (Reyes và cộng sự, 2017). Điều này chứng tỏ rằng, một khi người tham gia bảo hiểm nông nghiệp hiểu được cơ chế và lợi ích của nó, thì bảo hiểm nông nghiệp có thể phát triển được ngay cả khi không cần đến trợ cấp của chính phủ.
Trong khi đó, ở các nước đang phát triển vấn đề bảo hiểm nông nghiệp còn khá mới mẻ. Do đó, vai trò của chính phủ là rất quan trọng trong việc thiết lập một chương trình bảo hiểm nông nghiệp quốc gia. Việc phát triển bảo hiểm nông nghiệp đòi hỏi các quỹ công để trợ cấp phí bảo hiểm, cũng như phát triển cơ sở hạ tầng pháp lý và thể chế cho một hệ thống bảo hiểm nông nghiệp hoạt động, vì vậy vai trò của chính phủ trong phát triển bảo hiểm nông nghiệp là rất quan trọng (Reyes và cộng sự, 2017).
Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam được triển khai thí điểm từ năm 2011 đến năm 2013 đối với cây trồng (cây lúa), vật nuôi (trâu, bò, gia cầm) và thủy sản (tôm, cá tra) tại địa bàn 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong giai đoạn thí điểm này, chương trình đã thu được các kết quả tích cực như: Hoàn chỉnh cơ chế chính sách về thí điểm, hình thành 3 sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp (cây lúa, vật nuôi, thủy sản), thu hút được các hộ dân tham gia; thực hiện bồi thường kịp thời khi xảy ra tổn thất...
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, trong giai đoạn thí điểm từ năm 2011 đến 2013, với sản phẩm bảo hiểm cây lúa, có tới 236.396 hộ nông dân tham gia (bao gồm: 76,5% hộ nghèo; 16,8% hộ cận nghèo; 6,7% hộ thường). Sản phẩm bảo hiểm vật nuôi cũng có 60.133 hộ nông dân tham gia (gồm: 84,1% hộ nghèo; 9,8% hộ cận nghèo; 6,1% hộ thường). Bảo hiểm thủy sản đã thu hút được 7.487 hộ nông dân tham gia (gồm: 27,4% hộ nghèo, 4% hộ cận nghèo, 68,6% hộ thường).
Trong giai đoạn thí điểm, các doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện bồi thường bảo hiểm kịp thời cho các hộ khi xảy ra tổn thất do rủi ro thiên tai, dịch bệnh, góp phần giúp hộ dân ổn định đời sống và có điều kiện tiếp tục sản xuất kinh doanh. Thống kê cho thấy, với sản phẩm bảo hiểm cây lúa, các doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện bồi thường 17,4 tỷ đồng (tỷ lệ bồi thường 19%); bảo hiểm vật nuôi có tổng số tiền bồi thường 19,5 tỷ đồng (tỷ lệ bồi thường 23,3%); Bảo hiểm thủy sản có tổng số tiền bồi thường 675,9 tỷ đồng (tỷ lệ bồi thường 309,8%)...
Trên cơ sở tổng kết thực hiện giai đoạn thí điểm và tổng hợp ý kiến đề xuất của các địa phương, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 về bảo hiểm nông nghiệp, nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý ổn định, minh bạch, thống nhất và các quy định mang tính đặc thù phù hợp với đặc điểm sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Đồng thời, ngày 26/6/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.
Từ kết quả thí điểm của Việt Nam và một số vấn đề liên quan đến phát triển bảo hiểm nông nghiệp của các nước trên thế giới, có thể rút ra một số bài học, phù hợp với những đặc điểm của Việt Nam, cụ thể :
Thứ nhất, cần thiết lập các chính sách pháp lý rõ ràng cho bảo hiểm nông nghiệp. Cụ thể, môi trường pháp lý và các quy định để thực thi các hợp đồng bảo hiểm mà cả người mua và người bán đều có thể tự tin là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của bảo hiểm nông nghiệp. Chỉ khi có được một môi trường pháp lý rõ ràng thì cả công ty bảo hiểm và người nông dân mới có thể yên tâm khi cung cấp cũng như tham gia bảo hiểm. Luật pháp và các quy định liên quan cũng cần phải phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, có như vậy thì mới cải thiện được cơ hội để các công ty bảo hiểm nông nghiệp trong nước tiếp cận thị trường quốc tế nhằm thực hiện tái bảo hiểm cũng như để chuyển rủi ro. Hiện nay, ở Việt Nam, các quy định còn chưa phù hợp để phát triển và sử dụng các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp. Một trong những việc cần làm để chuẩn bị cho một môi trường pháp lý và các quy định điều chỉnh bảo hiểm nông nghiệp đó là xây dựng năng lực con người và hỗ trợ kỹ thuật.
Thứ hai, cần xây dựng hệ thống hạ tầng và hệ thống dữ liệu. Bảo hiểm nông nghiệp đòi hỏi một cơ sở hạ tầng đáng tin cậy, đặc biệt là đối với bảo hiểm chỉ số thời tiết. Cần phải thu thập, duy trì và lưu trữ dữ liệu và cung cấp dữ liệu kịp thời liên quan đến các sự kiện được bảo hiểm. Những dữ liệu này nên được đặt trong phạm vi công cộng và vì chúng có nhiều mục đích sử dụng, được cung cấp cho tất cả mọi người, kể cả những người có lợi ích thương mại muốn phát triển các sản phẩm bảo hiểm thời tiết sáng tạo hoặc dự báo thời tiết theo mùa.
Thứ ba, giáo dục nông dân về tầm quan trọng của bảo hiểm nông nghiệp. Thực tế cho thấy, ở nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, một trong những nguyên nhân của việc bảo hiểm nông nghiệp kém phát triển là do người nông dân chưa hiểu biết đầy đủ về cơ chế của bảo hiểm nông nghiệp cũng như tầm quan trọng của bảo hiểm nông nghiệp. Vì vậy, việc cung cấp thông tin cũng như giáo dục toàn diện cho người nông dân về bảo hiểm nông nghiệp là rất cần thiết. Mặc dù các công ty bảo hiểm tư nhân cũng sẽ dành các khoản đầu tư vào tiếp thị sản phẩm của họ, nhưng chắc chắn rằng họ không có khả năng đầu tư ở mức tối ưu xã hội trong việc giáo dục nông dân nói chung về vai trò thích hợp của bảo hiểm. Bên cạnh đó, các thông tin của công ty bảo hiểm sẽ mang tính chất chủ quan hơn và không đầy đủ và cơ bản và cơ chế của bảo hiểm. Chính vì vậy, để tăng khả năng thông tin được trình bày một cách cân bằng, khách quan, giáo dục người nông dân về bản chất và cơ chế của bảo hiểm nông nghiệp, từ đó giúp họ hiểu được tầm quan trọng của bảo hiểm đối với hoạt động nông nghiệp của họ, cần phải có sự đầu tư đầy đủ và bài bản. Để thực hiện được nỗ lực giáo dục rộng hơn cho các sản phẩm bảo hiểm như vậy, cần phải có nguồn lực từ chính phủ và các nhà tài trợ và chuyên gia.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2018), Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 về bảo hiểm nông nghiệp;
2. Phạm Thị Thanh Bình (2017), Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới. “Bảo hiểm nông nghiệp Việt Nam: Hạn chế và nguyên nhân”, http://dangcongsan.vn/kinh-te/bao-hiem-nong-nghiep-viet-nam-han-che-va-nguyen-nhan-422946.html;
3. Duy Thái (2019), Kỳ vọng về hiệu quả chính sách bảo hiểm nông nghiệp, Thời báo Tài chính Việt Nam điện tử;
4. IFAD (2011), Weather-based insurance in agricultural development: A technical guide, http://www.ifad.org/ruralinance/;
5. IFC (2014), Access to Finance for Smallholder Farmers. n.d. Accessed April 16, 2018, http://www.ifc.org;
6. Mahul, Olivier and Stutley, Charles (2010), Government Support to Agricultural Insurance Challenges and Opportunities for Developing Countries, World Bank;
7. Reyes, Celia M., Adrian D. Agbon, Christian D. Mina, and Reneli Ann B. Gloria (2017), “Agricultural Insurance Program: Lessons from Different Country Experiences.” Working Paper 2017-02. PIDS Discussion Paper Series.