Phát triển bảo hiểm xã hội bắt buộc gặp khó vì Covid-19
Doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, không có nhu cầu tuyển dụng thêm lao động mới đang là những thách thức cản trở việc phát triển bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc trong thời gian tới.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, toàn hệ thống BHXH đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Rào cản phát triển BHXH bắt buộc
Theo BHXH Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các đơn vị, doanh nghiệp (DN) đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh… dẫn đến tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) vẫn tiếp tục diễn ra trên cả nước. Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, đến hết tháng 7/2020, tổng số tiền nợ BHXH phải tính lãi (từ 1 tháng trở lên) khoảng 20.682 tỷ đồng, chiếm 5,1% số phải thu.
Việc phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc gặp khó khăn vì dịch COVID-19 (Ảnh: TL) |
Đơn cử như ở TP.Hải Phòng, BHXH địa phương này cho biết, đến hết tháng 8/2020, số người tham gia BHXH bắt buộc là 402.845 người, đạt tỷ lệ 89,74% so với kế hoạch BHXH Việt Nam giao, giảm 15.746 người so với năm 2019.
Số lao động không tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc gồm các trường hợp: Lao động nghỉ việc, lao động nghỉ việc không lương, lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ ốm…, so với năm 2019, số lao động tham gia BHXH bắt buộc giảm bằng số lao động mở rộng trong gần 1 năm của BHXH TP.Hải Phòng.
Ông Nguyễn Quang Minh, Trưởng Phòng Khai thác và Thu nợ (BHXH TP.Hải Phòng) cho biết, do ảnh hưởng dịch COVID-19, các DN không nhập được nguyên liệu sản xuất nên phải cắt giảm lao động, giảm giờ làm, hoạt động cầm chừng. Một số DN không đủ khả năng duy trì sản xuất, buộc phải tuyên bố phá sản, giải thể. Mặt khác, do sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn, các DN không có nhu cầu tuyển dụng thêm lao động, cơ hội việc làm bị thu hẹp. Điều này gây khó khăn trong công tác phát triển BHXH bắt buộc trên địa bàn.
Đặc biệt, Trưởng Phòng Khai thác và Thu nợ Nguyễn Quang Minh, cho hay việc rà soát, vận động, phát triển lao động tham gia BHXH bắt buộc thời điểm này gặp nhiều khó khăn. Qua thực tế triển khai, một số chủ DN “viện cớ” tình hình sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn tìm cách đối phó, trốn tránh hoặc chiếm dụng tiền BHXH, BHYT, BHTN của người lao động, không chấp hành kết luận của các đoàn thanh tra, kiểm tra sau khi kiểm tra, rà soát.
Một số người lao động chưa thực sự quan tâm đến quyền lợi của mình, có trường hợp DN và người lao động tự thỏa thuận tăng lương và không đóng BHXH bắt buộc. Các đơn vị, DN thuộc diện kiểm tra nằm rải rác, nhiều DN, đơn vị tư nhân, nhỏ lẻ mang tính chất gia đình, mùa vụ rất khó xác định.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Năm 2020, BHXH TP. Hải Phòng đặt mục tiêu đạt 451.130 người tham gia BHXH bắt buộc, đến thời điểm này đạt hơn 400.000 người. Từ nay đến cuối năm, toàn ngành phấn đấu phát triển hơn 50.000 người tham gia BHXH bắt buộc.
Vì vậy, ông Đào Xuân Hải, Phó giám đốc BHXH TP. Hải Phòng, cho biết, các DN đang bước vào khôi phục và ổn định sản xuất, để “bù đắp” số lao động tham gia BHXH bắt buộc đã sụt giảm, BHXH thành phố chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, BHXH các quận, huyện phát huy tối đa vai trò của Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Chủ động thống kê, tổng hợp, phân tích, nắm chắc tình hình sản xuất- kinh doanh của DN, duy trì việc gửi thông báo thu, nộp, danh sách người tham gia BHXH bắt buộc đến các DN...
Tương tự Hải Phòng, tính tới thời điểm tháng 8/2020, Đồng Nai có khoảng 778 nghìn người tham gia BHXH bắt buộc, đại diện BHXH tỉnh Đồng Nai cho biết sẽ theo dõi và nắm bắt thực trạng của các DN trên địa bàn, tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để khai thác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT từ dữ liệu cơ quan Thuế cung cấp. Đồng thời, tăng cường công tác thanh, kiểm tra những DN cố tình trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT của người lao động.
Trước những khó khăn trên, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu: BHXH các tỉnh, thành phố thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện kế hoạch, dự toán thu, chi, phát triển đối tượng BHXH, BHTN, BHYT năm 2020 được giao.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất tại các đơn vị, DN nợ đọng, có dấu hiệu lạm dụng, trục lợi BHXH, BHTN, BHYT; kịp thời xử lý, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
"Đối với nhóm tham gia BHXH bắt buộc, cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Thuế để xác định những DN, người lao động đang hoạt động nhưng không tham gia BHXH", Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh.