Phát triển chương trình, đào tạo thí điểm trong đào tạo giáo dục nghề nghiệp
Một trong những hoạt động được chú trong triển khai tích cực, đạt nhiều kết quả của Dự án Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp thời gian qua là việc phát triển chương trình, đào tạo thí điểm trong đào tạo giáo dục nghề nghiệp.
Đào tạo thí điểm nhiều chương trình nghề quốc tế
Một trong những nội dung quan trọng để nâng cao chất lượng dạy nghề là tiếp cận các mô hình đào tạo tiên tiến từ các quốc gia có nền giáo dục phát triển và hiện đại như nước Úc, Đức với hình thức nhận khác nhau như: nhận chuyển giao chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên…
Sau 3 năm triển khai Dự án Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN, lần đầu Việt Nam thực hiện chuyển giao, tiếp nhận và đào tạo thí điểm theo 34 bộ chương trình giáo trình nghề trọng điểm cấp quốc tế từ Úc và Đức. Dự án cũng đã tổ chức thí điểm đào tạo cho khoảng 2.000 sinh viên trình độ cao đẳng của 34 nghề đã chuyển giao bộ chương trình từ Úc và Đức, đạt 100% so với kế hoạch. Đến nay, đã có 803 sinh viên của 41 lớp theo kế hoạch đã kết thúc học kỳ 2. Tháng 10-11/2019 tiếp tục khai giảng 66 lớp đào tạo thí điểm cho 1.056 sinh viên trình độ cao đẳng tại 45 trường; kết thúc đào tạo thí điểm chậm nhất vào năm 2022.
Chương trình đào tạo GDNN đã ngày càng được hoàn thiện phù hợp hơn so với nhu cầu của người sử dụng lao động. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, học viên sau đào tạo GDNN đều đáp ứng hầu hết các hạng mục kiến thức, kỹ năng của yêu cầu công việc.
Sau khi tốt nghiệp, học sinh, sinh viên được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng của Việt Nam và bằng tốt nghiệp của phía chuyển giao, tạo cơ hội cho người học được xuất khẩu lao động đến những thị trường yêu cầu tay nghề cao như Úc, Đức. Đây là khởi đầu tốt, giúp GDNN Việt Nam hội nhập quốc tế một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất từ việc học tập công nghệ đào tạo từ các nước tiên tiến trên thế giới.
Để thực hiện đào tạo thí điểm theo chương trình nhận chuyển giao từ các quốc gia, thiết bị của các cơ sở GDNN ở Việt Nam đã được kiểm định dựa vào các danh mục thiết bị cho từng tiêu chuẩn năng lực trong các chương trình đào tạo cho từng lĩnh vực nghề. An toàn và sức khỏe nghề nghiệp được kiểm định dựa vào danh mục kiểm tra phản ánh các tiêu chuẩn an toàn quốc tế.
Đồng thời, để đảm bảo chất lượng đào tạo chuyên môn theo các tiêu chuẩn quốc tế, đội ngũ giáo viên giảng dạy chuyên môn đã được cử đi tập huấn tại các quốc gia chuyển giao chương trình đào tạo nhằm đáp ứng được các yêu cầu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giảng dạy và kỹ năng, kinh nghiệm nghề nghiệp, đảm bảo thí điểm áp dụng hiệu quả chương trình đào tạo được chuyển giao.
Đổi mới cấu trúc chương trình giáo dục nghề nghiệp
Bên cạnh việc chuyển giao chương trình, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội còn phối hợp với chuyên gia, các tổ chức quốc tế thí điểm xây dựng chương trình đào tạo tiếp cận năng lực theo tiêu chuẩn của Pháp, Bỉ, Hàn Quốc; thí điểm đào tạo theo mô hình đào tạo nghề kép của Đức, Thụy Sỹ...
Với sự tham gia của doanh nghiệp ngay từ đầu và cả khi xây dựng chương trình, tham gia quá trình đào tạo, giám sát đào tạo và tham gia vào quá trình đánh giá cuối cùng mô hình này được thực hiện, mô hình đào tạo nghề đã linh hoạt, điều chỉnh từ mô hình đào tạo kép, nhưng có tính khả thi hơn, học sinh tốt nghiệp luôn đạt ở chuẩn mức độ cao.
Nhờ đó, các trường đã được tiếp cận, làm quen với công nghệ đào tạo chất lượng cao của các nước tiên tiến trên thế giới để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo đủ sức để cạnh tranh với nguồn lao động trong ASEAN và trên thế giới.
Dự án Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN là 01 trong 03 Dự án thành phần của Chương trình mục tiêu GDNN – Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 20/6/2017.
Việc phát triển chương trình, giáo trình và đào tạo thí điểm các chương trình được chuyển giao nghề trọng điểm cấp độ quốc tế đã góp phần đổi mới cấu trúc chương trình GDNN từ tách biệt giữa lý thuyết và thực hành sang đào tạo tích hợp kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và thái độ nghề nghiệp; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong GDNN và đào tạo nghề qua mạng.
Không những thế, chương trình đào tạo GDNN đã ngày càng được hoàn thiện phù hợp hơn so với nhu cầu của người sử dụng lao động. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, học viên sau đào tạo GDNN đều đáp ứng hầu hết các hạng mục kiến thức, kỹ năng của yêu cầu công việc.
Để tiếp tục phát triển chương trình, đào tạo thí điểm, xây dựng danh mục thiết bị, tiêu chuẩn cơ sở vật chất và định mức kinh tế - kỹ thuật trong đào tạo GDNN, giai đoạn 2019-2020, Đề án tiếp tục chú trọng xây dựng quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với trình độ trung cấp, cao đẳng cho các ngành, nghề phổ biến; Xây dựng chương trình tiếng Anh chuyển ngành cho nhóm nghề cấp độ quốc gia, quốc tế.
Đồng thời, nghiên cứu quy trình, phương pháp phát triển chương trình giáo dục nghề nghiệp theo mô đun, tín chỉ; nghiên cứu, xây dựng thí điểm 05 chương trình trọng điểm cấp độ quốc gia ở 05 lĩnh vực phổ biến; Hoàn thành việc đào tạo thí điểm cho 888 học sinh theo chương trình chuyển giao từ Úc và tổ chức đào tạo cho 1.056 học sinh theo chương trình chuyển giao từ Đức...