Phát triển công nghiệp hỗ trợ coi doanh nghiệp là trung tâm
Phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được coi là giải pháp hữu hiệu để giải quyết tình trạng nhập siêu của Việt Nam cũng như tạo sức hút để thu hút đầu tư quốc tế. Do đó, cần tập trung nguồn lực nâng cao năng lực của các doanh nghiệp (DN) chế tạo trong nước, tạo đà cho DN tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thiếu năng lực cung ứng
Được coi là lĩnh vực xương sống đối với công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước, ngành CNHT là ngành công nghiệp tập trung sản xuất các phụ tùng, phụ kiện và các bán thành phẩm để cung cấp cho các DN chuyên sản xuất, gia công và lắp ráp các thành phẩm là các loại vật liệu công nghiệp và các sản phẩm tiêu dùng. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, ngành CNHT của Việt Nam vẫn giậm chân tại chỗ và chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ so với nhu cầu của các công ty nước ngoài.
Trước vấn đề này, ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, Việt Nam hiện mới có 1.383 DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT, chủ yếu là tham gia ở những công đoạn với công nghệ giản đơn, giá trị gia tăng thấp. Đặc biệt, đầu tư của các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm trên 80% số DN sản xuất linh kiện phụ tùng của Việt Nam, tập trung vào linh kiện điện - điện tử và linh kiện kim loại. Các DN nội địa chỉ mới cung ứng được khoảng 10% nhu cầu nội địa về sản phẩm CNHT.
Đưa ra góc nhìn cụ thể hơn, ông Trương Hoàng Hải - Tổng Thư ký Hiệp hội các DN ngành CNHT TP.Hà Nội (HANSIBA) nhận định, do thiếu vốn, công nghệ máy móc lạc hậu, nên các DN CNHT Việt Nam chưa đủ điều kiện để sản xuất các sản phẩm mà các tập đoàn lớn quốc tế như Toyota, Samsung, Ford… đang có mặt tại Việt Nam đặt hàng sản xuất. Theo số liệu ước tính tình hình sản xuất các sản phẩm CNHT thuộc các ngành của Việt Nam cho thấy, chế tạo ô tô đạt tỷ lệ nội địa hóa khoảng 5-20%; điện tử đạt tỷ lệ nội địa hóa khoảng 5-10%; da giầy đạt tỷ lệ nội địa hóa khoảng 30%; dệt may đạt tỷ lệ nội địa hóa khoảng 30%; cơ khí chế tạo đạt tỷ lệ nội địa hóa khoảng 15-10%; CNHT cho công nghệ cao đạt tỷ lệ nội địa hóa khoảng 1-2%. Điều này cũng có nghĩa là khối lượng linh phụ kiện cần nhập khẩu hàng năm về Việt Nam lắp ráp, chế tạo, sản xuất để xuất khẩu lên tới hàng chục tỷ USD.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hằng, nguyên Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Việt Nam chưa xây dựng được một hệ thống các nhà cung cấp chuyên nghiệp nguyên liệu, cụm linh kiện và phụ tùng. Sự phát triển CNHT còn mang tính tự phát. Trình độ công nghệ của DN CNHT Việt Nam so với DN CNHT cùng khu vực ASEAN còn có khoảng cách lớn. Nói cách khác, các nhà cung cấp - DN nhỏ và vừa trong nước thiếu năng lực cung ứng đúng số lượng và chất lượng cần thiết cho các khách hàng mua lớn, các nhà lắp ráp lớn.
Cần tập trung hỗ trợ
Đưa ra hướng đi cho ngành CNHT, GS.,TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, nước ta có thể đồng thời phát triển CNHT theo hai hướng chính: Thứ nhất là, sản xuất phụ tùng, linh kiện cho sản phẩm công nghệ cao như của Intel, SamSung, Canon, công nghiệp ô tô, xe máy... Hướng phát triển này đòi hỏi đầu tư trang thiết bị công nghệ và nguồn nhân lực được đào tạo có kỷ năng đáp ứng đòi hỏi của từng loại sản phẩm; Thứ hai là, CNHT ngành may mặc, da dày, công nghiệp chế tạo khác không đòi hỏi cao về công nghệ và kỹ năng lao động nhưng tạo ra hàng triệu việc làm với thu nhập ngày càng tăng.
Theo ông Trương Hoàng Hải, để phát triển ngành CNHT, cần tập trung nguồn lực quốc gia và quốc tế để thúc đẩy hỗ trợ các DN vừa và nhỏ Việt Nam. Đặc biệt là các DN tư nhân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi trong nước, vốn ODA và vốn vay ưu đãi thương mại khác để các DN Việt Nam thuộc ngành CNHT có cơ hội vay vốn đầu tư công nghệ mới, máy móc trang thiết bị mới, nhà xưởng sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, mua công nghệ quy trình quản lý mới để sản xuất các sản phẩm CNHT.
Từ góc độ của DN, ông Hà Thanh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần ứng dụng công nghệ và CNC Việt Nam cho rằng, các DN CNHTT Việt Nam cần chủ động đầu tư công nghệ, tìm kiếm đối tác. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ của chính phủ cần chi tiết, cụ thể hơn để giúp đỡ các DN vừa và nhỏ của Việt Nam phát triển. Chẳng hạn, như chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ cho các DN vừa và nhỏ để phát triển CNHT với lãi suất vay trong vòng 20 năm chỉ ở mức 0,5%.
Hiện nay, Việt Nam chỉ có khoảng 0,3% trong tổng số DN Việt Nam đang tham gia vào sản xuất chế tạo cho ngành CNHT. Do đó, cần có chính sách khuyến khích và xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ cho các DN CNHT.