Phát triển kinh tế địa phương từ chương trình mỗi xã một sản phẩm tại tỉnh Hà Tĩnh


Chương trình mỗi xã một sản phẩm thuộc chương trình nông thôn mới. Chương trình này bắt đầu thực hiện tại Hà Tĩnh từ năm 2018 đến nay đã đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo sức lan tỏa lớn, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, gia tăng giá trị sản phẩm. Các sản phẩm của Chương trình có nhiều chuyển biến tích cực về chất lượng, bao bì nhãn mác... Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần được khắc phục trong thời gian tới. Bài viết phân tích thực trạng triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm tại Hà Tĩnh, từ đó đưa ra các giải pháp nhằm phát triển Chương trình này trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Thực trạng thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm tại Hà Tĩnh

Phát triển sản phẩm

Trước khi thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phần lớn các sản phẩm tại địa bàn Hà Tĩnh có chất lượng chưa cao, thiếu đồng đều, chưa có nhãn mác thương hiệu, chủ yếu xuất bán dưới dạng sản phẩm thô, giá trị gia tăng thấp; Một số sản phẩm vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đảm bảo; Công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm chưa được chú trọng và thiếu chiến lược... Sau khi triển khai Chương trình OCOP tại Hà Tĩnh, đã có 277 ý tưởng sản phẩm do các cơ sở đăng ký tham gia OCOP được UBND cấp huyện xét chọn và lập phương án sản xuất kinh doanh. Đến nay, đã có 235 sản phẩm được UBND cấp huyện chấp thuận phương án sản xuất kinh doanh triển khai thực hiện.

Trên cơ sở phương án sản xuất kinh doanh được phê duyệt, các cơ sở đã mạnh dạn đầu tư nâng cấp nhà xưởng, hệ thống máy móc, trang thiết bị, xây dựng quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng, hoàn thiện bộ nhận diện thương hiệu, bao bì nhãn mác đảm bảo hợp quy... nên quy mô và năng lực sản xuất cũng đã tăng cao so với trước khi tham gia Chương trình OCOP. Tính đến năm 2020, Hà Tĩnh có 159 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 7 sản phẩm 4 sao, 152 sản phẩm 3 sao.

Phát triển các tổ chức sản xuất

Tham gia Chương trình OCOP, cơ sở sản xuất kinh doanh được tư vấn, hướng dẫn tái cấu trúc tổ chức sản xuất, các tổ chức kinh tế từng bước được cũng cố và phát triển, nâng cao năng lực quản trị. Thì nay, Hà Tĩnh đã có 103 tổ chức kinh tế (21 Doanh nghiệp, 54 HTX, 28 tổ hợp tác) và 70 hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia Chương trình OCOP được chấp thuận phương án sản xuất kinh doanh, trong đó thành lập mới 6 HTX, 2 tổ hợp tác và có 3 HTX kiện toàn tổ chức.

Sau khi tham gia Chương trình OCOP, nhiều cơ sở đã mở rộng quy mô sản xuất, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, tổng số lao động sử dụng tại các cơ sở tham gia OCOP hiện nay là 2.227 người (tăng 415 người so với năm 2018), trong đó: 312 lao động có trình độ đại học, cao đẳng trở lên; 253 lao động có chứng chỉ hành nghề và 1.662 lao động phổ thông và hàng ngàn lao động gián tiếp. Thu nhập bình quân của người lao động được gia tăng đáng kể, từ 3-4 triệu đồng/tháng, trước khi tham gia lên 4-6 triệu đồng/tháng sau khi tham gia Chương trình.

Công tác xúc tiến thương mại, bán hàng

Công tác quảng bá và xúc tiến thương mại đã được quan tâm hơn trước. Tỉnh Hà Tĩnh đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm OCOP với TP. Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh; Tổ chức làm việc với đại diện Central Group về liên kết tiêu thụ, đưa sản phẩm OCOP Hà Tĩnh vào hệ thống siêu thị Big C... Bên cạnh đó, Tỉnh đã tổ chức hỗ trợ các chủ cơ sở tham gia các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm Chương trình OCOP trong và ngoài Tỉnh; tổ chức cho các chủ cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại và các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm tham gia Chương trình OCOP tại các hội nghị, hội thảo. Đến nay, đã có 22 cuộc xúc tiến thương mại với hơn 100 sản phẩm tham gia. Qua tham gia hội chợ nhiều cơ sở đã ký được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Hệ thống cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đã được hình thành, từng bước tạo kênh phân phối riêng, đến nay đã có 16 cửa hàng ở các huyện, thành phố, thị xã có bán sản phẩm OCOP, bình quân mỗi tháng doanh số đạt 80 triệu/cửa hàng. Các chủ cơ sở cũng đã chủ động xây dựng Fanpage, Website để bán hàng qua mạng.

Xây dựng hệ thống quản lý và giám sát sản phẩm

Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh đã xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu Chương trình OCOP Hà Tĩnh để quản lý và giám sát sản phẩm, địa chỉ: https://ocop.hatinh.vn/, với nhiều chức năng như:
- Quản lý thông tin cơ sở sản xuất: Thông tin cơ sở sản xuất là thông tin cơ bản về cơ sở sản xuất như: tên cơ sở, địa chỉ, người đại diện, số điện thoại, email, website, vị trí tọa độ địa lý (tọa độ GPS cơ sở sản xuất).

- Quản lý thông tin sản phẩm: Quản lý thông tin về sản phẩm như: Nguồn nguyên liệu, quy trình chế biến, quy trình bảo quản, sử dụng sản phẩm, câu chuyện sản phẩm, thông tin hồ sơ kiểm định chất lượng sản phẩm...

- Quản lý tem OCOP Hà Tĩnh: Tem OCOP Hà Tĩnh thể hiện thông tin về cơ sở sản xuất, thông tin sản phẩm, ngày sản xuất, hạn sử dụng, lô sản xuất.

Công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng

Xác định chất lượng là yếu tố cốt lõi tạo nên thương hiệu sản phẩm, do vậy công tác quản lý chất lượng sản phẩm luôn được quan tâm, các sản phẩm tham gia Chương trình được quản lý theo quy chế quản lý sản phẩm OCOP và đều phải xây dựng quy trình sản xuất gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường được niêm yết tại các cơ sở sản xuất để thực hiện và giám sát. Công tác kiểm tra quản lý chất lượng sản phẩm được tăng cường, kịp thời góp ý, chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém của cơ sở sản xuất; định kỳ kiểm tra và lấy mẫu các sản phẩm OCOP đã được công nhận từ 3 sao trở lên để kiểm nghiệm các chỉ tiêu chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định.

Xây dựng hệ thống hỗ trợ Chương trình OCOP

Trong quá trình thực hiện Chương trình, để hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn các chủ thể và các địa phương, Tỉnh đã kết nối, giới thiệu các đơn vị tư vấn có kinh nghiệm tham gia tư vấn hỗ trợ Chương trình OCOP. Bên cạnh đó, Tỉnh đã kết nối, mời các chuyên gia có kinh nghiệm ở trung ương, các viện, trường đại học về tập huấn, hướng dẫn các chủ thể và cán bộ thực hiện Chương trình các cấp.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, sau 2 năm thực hiện, Chương trình OCOP gặp phải một số hạn chế, tồn tại sau:

Một là, một số cán bộ tham mưu các cấp chưa thực sự hiểu rõ bản chất Chương trình OCOP, do đó việc đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn các chủ thể tham gia Chương trình vẫn còn hạn chế. Một số địa phương chưa thật sự quyết liệt, sâu sát trong quá trình chỉ đạo thực hiện Chương trình.

Hai là, quy mô các tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP còn nhỏ, năng lực quản trị còn yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Ba là, sản phẩm tham gia Chương trình OCOP chưa đa dạng, phong phú; sản phẩm chế biến, chế biến sâu chưa nhiều.

Bốn là, việc kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ của một số sở, ngành chưa thật sự sâu sát; một số khó khăn về nhu cầu đất đai phục vụ sản xuất sản phẩm OCOP; công tác nghiệm thu, thẩm định chính sách OCOP còn kéo dài.

Giải pháp phát triển chương trình mỗi xã một sản phẩm trong thời gian tới

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế trên, cũng như nâng cao chất lượng Chương trình OCOP tại Hà Tĩnh trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, về công tác tuyên truyền, đào tạo tập huấn.

- Tổ chức tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng về mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP để cộng đồng người dân thấy được lợi ích, giá trị kinh tế, giá trị nhân văn khi thực hiện Chương trình OCOP.

- Các cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh quán triệt tầm quan trọng và ý nghĩa của Chương trình OCOP; đưa Chương trình OCOP vào Nghị quyết, chương trình hành động của cấp ủy, chính quyền các cấp để chỉ đạo triển khai thực hiện thường xuyên.

- Đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền; các hoạt động tôn vinh những gương điển hình tiên tiến trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục thông tin điện tử ở các cấp, trên mạng xã hội tạo sự lan tỏa Chương trình OCOP.

- Tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn phát triển ý tưởng sản phẩm, quản lý sản xuất, xúc tiến thương mại cho đội ngũ cán bộ quản lý các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ hộ sản xuất cũng như các đối tác OCOP tư vấn khác.

Thứ hai, về phát triển sản phẩm.

- Phát triển sản phẩm OCOP theo hướng đáp ứng về số lượng, gia tăng về giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định; nghiên cứu đánh giá, phân tích chuỗi giá trị sản phẩm để có kế hoạch, biện pháp hỗ trợ nhằm phát triển bền vững chuỗi giá trị cho từng sản phẩm.

- Đối với sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP, củng cố, nâng cấp các sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn OCOP lên thứ hạng cao hơn; có kế hoạch, biện pháp hỗ trợ nhằm phát triển bền vững chuỗi giá trị cho từng sản phẩm. Các địa phương ưu tiên quy hoạch vùng nguyên liệu để cho các sản phẩm OCOP có thương hiệu được mở rộng quy mô sản xuất.

- Kết nối và thúc đẩy cộng đồng sản xuất phát triển các ý tưởng sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình; Khơi nguồn tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm đặc trưng của địa phương để khuyến khích sáng tạo.

Thứ ba, về kiểm tra, kiểm soát và quản lý chất lượng sản phẩm.

- Thực hiện nghiêm túc Quy chế quản lý sản phẩm tham gia Chương trình OCOP tỉnh Hà Tĩnh và các quy định pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm và kiên quyết thu hồi chứng nhận đạt chuẩn OCOP đối với các sản phẩm không đảm bảo yêu cầu; Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, nhất là về nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm, công tác vệ sinh môi trường...

- Các chủ thể tham gia Chương trình OCOP thực hiện đúng quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình, tuân thủ nghiêm các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm và các quy định của pháp luật để giữ vững và phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP.

Thứ tư, hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng.

- Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn, vận động các tổ chức cá nhân đầu tư xây dựng trung tâm, điểm giới thiệu, bán hàng OCOP tại các khu vực đông dân cư, khu vực phát triển du lịch, các trung tâm thương mại; Đẩy mạnh xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp quảng bá xúc tiến thương mại sản phẩm, đưa các sản phẩm OCOP tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài Tỉnh.

- Hình thành trung tâm OCOP Hà Tĩnh; hàng năm tổ chức Hội chợ các sản phẩm OCOP tại Hà Tĩnh; tổ chức tuần lễ bán sản phẩm OCOP tại Hà Nội và các thành phố lớn khác.

- Tăng cường công tác hợp tác quốc tế, giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP tại các nước.

Thứ năm, về khoa học công nghệ.

Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong thực hiện Chương trình OCOP, nhất là ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm; Hỗ trợ, tư vấn về các công nghệ thiết bị tiên tiến, hiện đại, phù hợp với năng lực cho các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, trong đó chú trọng việc chế biến sâu và bảo quản các sản phẩm có thế mạnh của Tỉnh.

Tài liệu tham khảo:

  1. Thủ tướng Chính phủ (2018), Quyết định số 490/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020;
  2. Thủ tướng Chính phủ (2019), Quyết định số 1048 /QĐ-TTg ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm;
  3. UBND tỉnh Hà Tĩnh, Báo cáo tổng kết nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh năm 2018, 2019, 2020.

* ThS. Trần Thị Bình, Khoa Kinh tế - Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 10/2021